VnExpress đưa tin, 13h26, Trung tâm tìm kiếm cứu nạn Malaysia thông báo tàu bay R65 của Singapore phát hiện vật thể trông giống máng cứu sinh (life craft) màu xám sọc đỏ và xanh nước biển tại tọa độ 08016'05" N - 102051'11" S (cách đảo Thổ Chu 140 km về phía tây nam) và yêu cầu Việt Nam hỗ trợ phương tiện đến xác minh.
Việt Nam đã điều động trực thăng từ Phú Quốc và tàu cứu nạn hàng hải tiếp cận điểm nghi vấn theo yêu cầu của Malaysia. Trung tâm khu vực 3 điều hai tàu HQ 2003 và SAR làm nhiệm vụ. Dự kiến HQ 2003 đến vị trí vật thể nghi xuồng cứu sinh lúc 16h30.
Trước đó, lúc 10h20, máy bay tuần thám của Cảnh sát biển Việt Nam phát hiện vật thể lạ màu vàng da cam ở vị trí cách đảo Thổ Chu (Kiên Giang) 177 km về phía Tây Nam (tọa độ 07 độ 47'30N - 102 độ 57'12E). Nhìn từ máy bay, vật thể có hình vuông, màu da cam, nghi là phao. Sở chỉ huy tại Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã điều động phương tiện di chuyển về tọa độ có vật thể lạ mới được phát hiện để trục vớt.
Tại Phú Quốc, chiếc thủy phi cơ đã về lại sân bay sau gần 4 tiếng đồng hồ ra biển. Thủy phi cơ đã đến địa điểm tối qua phát hiện vật khả nghi nhưng không còn nhìn thấy. Đoàn đã mở rộng vùng bay và phát hiện nhiều vệt dầu loang.
Cũng theo VnExpress, sáng nay, trung tá phi công Nguyễn Đức Tải (Trung đoàn 917) trực đài Chỉ huy sân bay Cà Mau cho biết, trực thăng Mi 171 số 2 đã đón Thứ trưởng Giao thông Vận tải Phạm Quý Tiêu ra khu vực nghi vấn có vật thể lạ trên. Với lượng nhiên liệu trong máy bay, ông Tải nhận định thời gian hoạt động của trực thăng trên khu vực tìm kiếm có thể từ 1 đến 1,5 tiếng, dự kiến quay về sân bay Cà Mau lúc 12h30.
Khu vực Thứ trưởng Tiêu thị sát có thêm 2 chiếc máy bay AN 286 và 261 làm nhiệm vụ tìm kiếm máy bay Malaysia. Ngoài ra, chiếc AN 287 làm nhiệm vụ chuyển tiếp thông tin.
Tại sân bay Cà Mau, máy bay Mi 171 số 04 đang được kiểm tra, tiếp đầy nhiên liệu để sẵn sàng cất cánh bất cứ lúc nào. Trên trực thăng này có 2 cẩu 150 kg và 300 kg, đảm bảo kéo cùng lúc 2 người từ dưới biển lên để cấp cứu nếu gặp trường hợp bị nạn.
Hai ngày nay thời tiết trên vùng biển Cà Mau nắng đẹp, sức gió 15-20 km/h, tầm nhìn của lực lượng làm nhiệm vụ từ 7-10 km.
Ông Tải cũng cho hay có thông tin thành lập Sở Chỉ huy phòng không không quân tiền phương tại sân bay Cà Mau nhằm điều phối hoạt động tìm kiếm, hỗ trợ các phương tiện khác ứng cứu máy bay Malaysia mất tích. Tuy nhiên, ông Tải chưa nhận được văn bản chính thức nào.
Cùng thời điểm, VietNamNet đưa tin liên quan, ông Đoàn Hữu Gia, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam- Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn hàng không VN cho biết, có 4 máy bay của Việt Nam và 7 tàu thủy của lực lượng hải quân và cảnh sát biển cùng 1 máy bay của Singapore đang tích cực tìm kiếm tại khu vực có vật thể nghi là mảnh vỡ máy bay bị mất tích.
Tuy nhiên, ông Gia khẳng định, hiện tại, tất cả các lực lượng trên vẫn chưa thể tìm được bất kỳ mảnh vỡ nào được nghi là của máy bay Malaysia.
Hiện có 2 máy bay đang mở rộng khu vực tìm kiếm ở phía trên đảo Thổ Chu và phía Nam đảo Thổ Chu với tổng diện tích tìm kiếm lên đến khoảng 14.00km2. “Mong muốn lớn nhất của tất cả các lực lượng là tìm thấy tất cả những vật liên quan đến tàu bay mất tích trong khu vực nghi vấn cũng như các khu vực lân cận”, Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn hàng không VN nói.
Ban chỉ huy tiền phương sẽ được lập tại Phú Quốc để nắm thông tin đầu mối về hành trình tìm kiếm. UBND tỉnh Kiên Giang bố trí họp với các cơ quan liên quan của tỉnh trong chiều 10/3.
Ở một diễn biến khác, Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, trong hôm nay, nếu tàu thuyền tiếp cận được vệt dầu loang phát hiện hôm mùng 8/3, thì sẽ lấy mẫu cho kiểm tra xem có phải là nhiên liệu máy bay hay không.