Bệnh nhân bị mắc chứng đầu nhỏ ít tuổi nhất là cháu H.L (5 tháng tuổi) con gái thứ hai của chị H.B (SN 1993, trú xã Cư Pơng, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk).
Cháu H.L (4 tháng tuổi, xã Cư Pơng, Krông Búk) |
Theo lời kể của chị H.B, quá trình mang thai cháu H.L giai đoạn đầu bình thường, tuy nhiên đến tháng thứ 3 thì chị H.B bị nổi phát ban khắp người. Chị không đi bệnh viện khám mà tự mua thuốc về uống và khỏi bệnh. Khi thai kỳ đến tháng thứ 8, chị H.B bị sốt nhẹ và cũng tự khỏi bệnh.
Giai đoạn chuẩn bị sinh, chị có đi khám siêu âm và bác sĩ cho biết thai nhi có hiện tượng nhỏ đầu. Sau khi sinh, chị H.B đưa con gái H.L đi khám tại bệnh viện Đa khoa thị xã Buôn Hồ và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk. Cháu HL sau đó được chuyển xuống bệnh viện Nhi đồng 1 điều trị. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán H.L bị chứng đầu nhỏ.
Hai trường hợp còn lại là Giàng A Đức D. (4 tuổi) và Giàng Thị Kim T. (7 tuổi), là con của vợ chồng anh Giàng A N. và Sùng Thị Ch. (dân tộc H’Mông, trú tại thôn Giang Đông, xã Ea Đăh, huyện Krông Năng, Đắk Lắk).
Qua khai thác tiền sử, gia đình cho biết, trong thời kỳ mang thai, mẹ các bé bị sốt nhiều lần nhưng không đi khám. Sau sinh, các bác sĩ thấy vòng đầu của hai bé nhỏ hơn trung bình của những trẻ bình thường (lần lượt là 35 và 39cm).
Theo lời chị Sùng Thị Ch. vợ chồng có 4 người con. Trong đó, cháu D. và T. khi sinh ra có cái đầu nhỏ xíu. Các cháu lớn lên không đi đứng bình thường, nói năng không tròn câu và không tự làm vệ sinh cá nhân được.
Anh N. cho biết, cháu D. khi được khoảng 2 tuổi, biết đi nhưng cứ đâm lung tung, mắt như không nhìn thấy gì; còn cháu T. 7 tuổi nhưng khờ khạo, trí tuệ như đứa trẻ lên hai. Gia đình cũng đưa các cháu đi khám tại một số bệnh viện nhưng không tìm ra nguyên nhân.
Bác sĩ Phạm Văn Lào – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk cho biết, hai trường hợp bị đầu nhỏ ở xã Ea Đăh, ngành y tế địa phương phát hiện từ khá lâu trước đó và cũng tiến hành lấy mẫu xét nghiệm. Tuy nhiên, do thời kỳ đó chưa có máy móc hiện đại nên không tìm ra nguyên nhân.