Cách đây một tuần, cháu S.A.L (trú xã Thanh Bình, huyện Mường Khương) có dấu hiệu nôn, sốt nhẹ và mệt mỏi. Một ngày sau, bệnh nhi sốt cao 40 độ C, tinh thần không ổn định nên được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương để khám.
Tại đây, bé được các bác sĩ thăm khám, cho sử dụng thuốc hạ sốt, truyền dịch và thở oxy. Sau đó vài giờ, bé L có những biểu hiện lên cơn co giật nên bệnh viện cho chuyển tuyến lên Bệnh viện Sản nhi tỉnh tiếp tục điều trị.
Một trường khác là cháu bé con chị T.A (trú xã Tả Thàng, huyện Mường Khương) đã nhập viện điều trị nhiều ngày nhưng tình trạng bệnh vẫn chưa có dấu hiệu chuyển biến. Chị T.A cho biết, ở nhà trẻ nôn, co giật, bác sĩ kết luận bị viêm não, đã điều trị được 21 ngày.
Theo bác sĩ Vũ Thị Hải Yến - Trưởng Khoa hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Sản nhi Lào Cai, trong 5 bệnh nhi đang điều trị có 1 cháu tương đối ổn, 2 trẻ đã tỉnh, nhưng vẫn còn dấu hiệu mắt nhìn ngược và tay chân thỉnh thoảng run giật, còn lại 2 trẻ vẫn trong tình trạng tương đối nặng.
Trước tình trạng xuất hiện bất thường các ca bệnh nghi viêm não virus trong tháng 1/2024 tại các huyện Mường Khương, Bát Xát, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lào Cai đã tiến hành điều tra xác minh và nhận định: 100% các bệnh nhân đều là người dân tộc thiểu số: Đa số các bệnh nhân còn nhỏ, bố mẹ thường xuyên đưa con đi lên nương làm cùng, 100% nơi ngủ của bệnh nhân và gia đình không có màn, để quần áo rất nhiều xung quanh chỗ nơi ngủ.
Chuyên gia Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lào Cai thông tin, viêm não là một tình trạng bệnh nguy hiểm do nhiều loại virus gây nên, thường gây tổn thương ở não, để lại di chứng thần kinh và tỷ lệ tử vong cao. Bệnh viêm não có thể xảy ra quanh năm. Đối tượng có nguy cơ cao bị mắc bệnh là trẻ em dưới 15 tuổi.
Biểu hiện chính của bệnh, là sốt cao và kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương bao gồm: nhức đầu dữ dội, buồn nôn và nôn mửa, cứng cổ, lú lẫn, mất định hướng, thay đổi nhân cách, co giật, mất trí nhớ, đờ đẫn, hôn mê... người già và trẻ em là những người có nguy cơ cao bị mắc bệnh nặng, biến chứng và tử vong.
"Năm nay Lào Cai phát hiện bệnh viêm não virus sớm, bất thường hơn bởi không phải mùa chính phát triển của muỗi. Ngoài ra, những ca bệnh mắc đều trong độ tuổi trước khi được tiêm phòng vaccnie viêm não Nhật Bản", chuyên gia nêu.
Để phòng bệnh, ngành y tế Lào Cai khuyên cáo người dân cần thực hiện các biện pháp tổng vệ sinh môi trường, diệt muỗi, lăng quăng. Rà soát, tổ chức tiêm vaccine phòng viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch. Đặc biệt khi phát hiện các ca bệnh, nghi bệnh truyền nhiễm cần kịp thời thông báo ngay cho trung tâm y tế nắm bắt tình hình, để tiến hành điều tra và điều trị, hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong.
Riêng đối với virus gây bệnh viêm não Nhật Bản thì tiêm vaccine viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất với 3 liều cơ bản: Mũi 1, lúc trẻ được 1 tuổi; Mũi 2, sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần: Mũi 3, cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3 - 4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.