Các nhà khoa học từ Viện Công nghệ Hóa học ở Mumbai (Ấn Độ) vừa trình làng nghiên cứu về công thức nước uống và đồ ăn vặt có tác dụng tối ưu nhất. Tin mừng rằng đó là những thứ mà bạn rất dễ tìm mua và nhiều khi có sẵn trong tủ lạnh.
Công thức loại nước đó dễ làm đến bất ngờ: 10% nước dừa, 25% nước chanh xanh (loại chanh nhỏ, vỏ xanh phổ biến ở Việt Nam) và 65% nước ép lê. Các loại nước trái cây này giúp tăng hoạt động của 2 enzyme phân hủy rượu trong cơ thể, từ đó giúp bạn mau tỉnh táo, loại bỏ cảm giác nôn nao thường kéo dài nhiều giờ sau khi uống rượu, thậm chí là bạn mệt mỏi cả buổi sáng hôm sau.
Có thể giải rượu bằng cách pha nước dừa, chanh, nước ép lê để uống, ăn kèm một đĩa phô mai, dưa leo, cà chua - ảnh minh họa từ Internet
Đó là 2 enzyme dehydrogenase (ADH) trong gan và aldehyd dehydrogenase (ALDH) trong gan, thận phổi. Chúng có khả năng quét sạch acetaldehyd tích tụ gây mệt mỏi, nôn nao.
"Việc tiêu thụ đồ uống này với một đĩa phô mai, dưa leo và cà chua có thể làm giảm thêm các triệu chứng nôn nao" - tiến sĩ Shraddha Srinivasan, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
Họ cũng thử nghiệm một số công thức kết hợp khác, nhưng không có cái nào hiệu quả như các thứ kể trên.
Tuy nhiên, nếu không có sẵn các nguyên liệu đó, bạn có thể tận dụng một số thứ khác hiệu quả kém hơn một chút vì chỉ giúp tăng sức mạnh 1 trong 2 enzyme ADH hoặc ALDH. Đó là bơ, lúa mì, nghệ, gừng, chà là, ca cao.
Các tác giả cũng lưu ý về việc nhiều người cảm thấy quá mệt vào sáng hôm sau nên đã tìm thức uống nào đó có caffein để tỉnh táo: thực ra trà (trà xanh hoặc trà đen) cũng giúp giảm cảm giác nôn nao chút ít; nhưng một cốc cà phê chỉ khiến bạn càng khó chịu hơn. Cà phê là một trong các thực phẩm làm giảm hoạt động của ALDH mạnh nhất, khiến cơn nôn nao của bạn kéo dài lâu hơn bình thường.
Cà phê là một trong những thứ làm giảm khả năng hoạt động của cả 2 enzyme phân hủy rượu. Danh sách cần tránh còn có sữa tươi, yến mạch, đậu phộng, kê, bắp, hạt tiêu, đinh hương, thì là, quế, vitamin C, trứng, các sản phẩm chống nôn thương mại.
Riêng hạt nhục đậu khấu thì phần vỏ tốt cho việc giải rượu nhưng phần hạt lại có tác dụng xấu.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Current Research in Food Science.