Phát hiện gần 8.000 cuốn SGK 'lậu' tại Đồng Nai, Bình Dương

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chuẩn bị bước vào năm học mới, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương phát hiện gần 8.000 ấn phẩm là sách giáo khoa (SGK) giả, lậu, kém chất lượng chuẩn bị tung ra thị trường.
Phát hiện gần 8.000 cuốn SGK 'lậu' tại Đồng Nai, Bình Dương

Cục quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Đồng Nai đã có công văn gửi các nhà xuất bản, xác định lại nguồn gốc xuất xứ và tính hợp quy của các loại SGK có dấu hiệu giả mạo để xử lý theo quy định.

Trước đó, ngày 28/7, Đội QLTT số 1, Cục QLTT Đồng Nai phối hợp với các đơn vị liên quan đồng loạt kiểm tra các nhà sách, hiệu sách trên địa bàn. Tại nhà sách H.S.K.V. (phường Tân Biên, TP Biên Hòa), do P.K. M. S. (33 tuổi, ngụ Đồng Nai) làm chủ, lực lượng QLTT số 1 đã phát hiện trên 4.100 sách, tập vở các loại từ lớp 1 đến lớp 12 được tái bản sai quy định. Cụ thể: khi kiểm tra tem nhãn, mã QR không lấy được số seri, hoặc có số seri nhưng đã được sử dụng...

Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Đồng Nai) phát hiện hàng nghìn SGK có dấu hiệu giả mạo

Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Đồng Nai) phát hiện hàng nghìn SGK có dấu hiệu giả mạo

Còn kiểm tra tại nhà sách Q. Th. (xã Cây Gáo, huyện Trảng Bom), do N. T. Tr. (42 tuổi, ngụ Đồng Nai) làm chủ, lực lượng chức năng phát hiện hơn 300 cuốn sách tiếng Anh dành cho học sinh trung học cơ sở cũng có dấu hiệu vi phạm tương tự. Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa của các cơ sở trên để tiếp tục xử lý theo quy định.

Toàn tỉnh Đồng Nai có 1 nhà xuất bản và 86 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực in, gần 600 sơ sở photocopy, 6 doanh nghiệp phát hành và 15 đơn vị thường xuyên xuất bản, 18 bản tin. Trong 9 năm, từ 2013-2022, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đồng Nai đã thanh, kiểm tra 139 tổ chức, cá nhân; qua đó đã xử lý 52 tổ chức, cá nhân vi phạm với số tiền 76 triệu đồng và tịch thu gần 1.500 xuất bản phẩm vi phạm. Các lỗi vi phạm chủ yếu về tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm không thể hiện nguồn gốc hợp pháp, làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả. Sách lậu được làm qua nhiều hình thức như: photo, in nối bản, làm sách giả, thu âm thành sách nói bán trên mạng hay sao chụp chuyển thành ebook đăng tải bán trên mạng…

Còn tại Bình Dương, Cục QLTT cũng hoàn thiện các thủ tục liên quan và chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để làm rõ một số lượng lớn SGK có dấu hiệu giả mạo. Trước đó, Đội QLTT số 5 phối hợp cùng Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông, Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu tỉnh Bình Dương kiểm tra Công ty TNHH sách và thiết bị giáo dục D.N. (đường Huỳnh Văn Lũy, P. Phú Lợi, TP Thủ Dầu Một), phát hiện hơn 3.400 quyển SGK các loại không có nguồn gốc xuất xứ.

Lực lượng chức năng tỉnh Bình Dương phối hợp với với Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam kiểm tra lại số sách trên thì phát hiện toàn bộ là hàng giả mạo sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Cơ quan chức năng xác định công ty D. N. đã có hành vi vi phạm “Buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa” với tổng trị giá số sách gần 200 triệu đồng, nên chuyển hồ sơ sang cơ quan công an xử lý.

Đọc thêm