Cao điểm kiểm tra thị trường Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Công an tỉnh Hà Nam đã phát hiện trên một tấn sữa vi phạm không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, chủ yếu là các loại sữa đang được tiêu thụ mạnh trên thị trường như Ensure, Similac (Mỹ), Nan (Nga), Meiji (Nhật Bản), Dumex (Pháp)…
Đối tượng vận chuyển, kinh doanh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm…
|
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra mặt hàng sữa trẻ em trên địa bàn thành phố Phủ Lý (Hà Nam) |
Ông Vũ Văn Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Nam cho biết, tình trạng sữa ngoại nhập lậu đang rất khó kiểm soát, việc thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, các quy định về hình thức xử phạt trong kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc hiện vẫn còn nhiều bất cập.
Do đó, để lách luật, các đơn vị kinh doanh cất giữ sản phẩm rất kỹ trong kho, chỉ bày bán công khai vài hộp sữa lậu ở ngoài cửa hàng và đặt xen kẽ với các sản phẩm sữa trong nước. Các cửa hàng đánh lừa người tiêu dùng bằng cách giải thích rằng đó là sữa “xách tay”.
Khi thanh tra, kiểm tra, lực lượng chức năng hầu như chỉ dừng lại ở hình thức nhắc nhở hay tiêu hủy sản phẩm. Với những sản phẩm sữa được nghi ngờ là hàng giả, hàng nhái, việc tiến hành lấy mẫu thử nghiệm để phân tích, đánh giá chất lượng lô hàng cũng không thể thực hiện thường xuyên do không có kinh phí…
Sữa là sản phẩm dinh dưỡng đặc biệt, đặc biệt sữa được vận chuyển từ nước ngoài về sẽ có quy trình bảo quản, đóng gói, cất giữ theo đúng quy chuẩn về nhiệt độ, độ ẩm… để bảo đảm chất lượng. Sản phẩm sữa nhập lậu có thể bị biến chất do quá trình vận chuyển, bảo quản không đúng quy cách. Vì vậy, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, người tiêu dùng khi có nhu cầu dùng sữa ngoại cần tìm mua sữa từ các kênh phân phối chính thức, tại các siêu thị, cửa hàng có uy tín, có chứng nhận của nhà phân phối chính hãng, có dán tem, nhãn phụ trên bao bì để thuận tiện trong việc sử dụng, bảo đảm sức khỏe cho bản thân, gia đình.