Phát hiện ung thư từ sự thay đổi của nốt ruồi

(PLVN) - Người bệnh nữ 49 tuổi có nốt ruồi ở chóp mũi từ bé. Vài năm gần đây nốt ruồi ngày mỗi to hơn kèm chảy máu, dịch, đi khám thì phát hiện bệnh ung thư.
Các bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân.

Tại bệnh viện Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam Cu Ba - Đồng Hới, kết quả xét nghiệm giải phẫu cho thấy, người bệnh bị ung thư tế bào đáy xâm nhập mô liên kết xơ.

Sau đó bệnh nhân đã được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cắt bỏ u hắc tố chóp mũi để loại trừ tế bào ung thư phát triển ra vùng xung quanh.

BS.CKII Trần Linh Giang, Trưởng khoa Tai Mũi Họng cho biết: "Ung thư từ nốt ruồi thường bắt đầu từ u kích thước nhỏ, không ngứa, không đau nên người dân ít để ý. Tuy nhiên, thực tế trong quá trình phát triển, loại u này có thể gây viêm nhiễm, loét, hoại tử, phá hủy tổ chức tại chỗ. Trường hợp biến chứng nặng, u này có thể “ăn” mất ngón tay, chân, miệng, mắt, mũi,... tùy vào vị trí khối u".

Do đó bác sĩ khuyến cáo, khi thấy da xuất hiện nốt lạ, hoặc thấy nốt ruồi có biểu hiện bất thường như thay đổi kích thước, hình dạng, chảy máu, dịch, mủ,..người bệnh cần đi khám tại các cơ sở y tế uy tín để được phát hiện và điều trị kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc.

Ung thư biểu mô tế bào đáy (Basal cell carcinoma - BCC) là một loại ung thư da phổ biến, chiếm tỷ lệ khoảng 75% trong các loại ung thư da. Ung thư này bắt nguồn từ trong các tế bào nền - một loại tế bào trong da tạo thành lớp sâu nhất của biểu mô. Các tế bào da mới này sẽ thay thế dần các tế bào cũ khi chúng chết đi.

Bệnh ung thư biểu mô tế bào đáy thường xuất hiện dưới dạng vết sưng u trên da, hơi trong suốt. Ngoài ra, bệnh có thể biểu hiện tổn thương ở các dạng khác. Ung thư da biểu mô tế bào đáy thường xảy ra trên các vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, chẳng hạn như đầu và cổ.

Hầu hết bệnh nhân bị ung thư biểu mô tế bào đáy là do tiếp xúc lâu dài với tia cực tím (UV) từ ánh sáng mặt trời. Tránh ánh nắng mặt trời và sử dụng kem chống nắng là biện pháp hiệu quả để ngăn ngừa bệnh.

Đọc thêm