Phát huy hiệu quả hoạt động Thừa phát lại

(PLVN) -Năm 2021, dịch Covid-19 tác động lớn đến mọi mặt của đời sống, chính trị nhưng với những nỗ lực của các cấp, các ngành hoạt động Thừa phát lại vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực.

Cụ thể như về tổ chức: Toàn quốc có tổng số 132 Văn phòng Thừa phát lại (tăng 33 Văn phòng so với năm 2020) được thành lập tại 42 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đã bổ nhiệm 702 Thừa phát lại (tăng 68 Thừa phát lại so với năm 2020), trong đó, số Thừa phát lại đang hành nghề là 420. Cùng với đó, các Văn phòng Thừa phát lại đã tống đạt được 679.751 văn bản, lập 68.543 vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án 05 việc, thụ lý tổ chức thi hành án 08 vụ việc, tổng doanh thu đạt hơn 118 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn tồn tại những mặt hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần được khắc phục như vẫn còn một số ít địa phương chưa ban hành Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại hoặc chưa thành lập được Văn phòng Thừa phát lại. Tổng doanh thu trong năm, số lượng văn bản chuyển giao, hoạt động xác minh điều kiện thi hành án, tổ chức thi hành án dân sự do Thừa phát lại thực hiện giảm.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều Văn phòng Thừa phát lại phải tạm ngừng hoạt động hoặc hoạt động cảm chừng. Nhận thức của người dân, doanh nghiệp về hoạt động của Thừa phát còn hạn chế. Năng lực chuyên môn của đội ngũ Thừa phát lại còn hạn chế, việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu.

Riêng tại Hà Nội, số liệu của UBND TP Hà Nội cho thấy, trong 3 năm (từ 2018-2020), các văn phòng thừa phát lại trên địa bàn Hà Nội đã lập gần 36 ngàn vi bằng. Đây là con số đã được đăng ký tại Sở Tư pháp.

Cụ thể, năm 2018, số vi bằng đã lập là 9101 vi bằng, năm 2019 là 13.097 vi bằng, năm 2020 là 13.637 vi bằng. Cả 3 năm tổng doanh thu do lập vi bằng 40.382.015.000 đồng.

Hiện Hà Nội đang có 8 Văn phòng Thừa phát lại, với 75 Thừa phát lại đang hoạt động trên địa bàn thành phố Hà Nội (trong số hơn 150 người đã được bổ nhiệm).

Đọc thêm