Phát huy nguồn lực để thực hiện tự chủ tài chính tại các cơ sở đào tạo

(PLVN) - Trong 2 ngày 22 và 23/3 tại Trường Cao đẳng Cơ giới và Thuỷ Lợi (tỉnh Đồng Nai), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị tập huấn về công tác tự chủ và triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm của các cơ sở đào tạo thuộc bộ năm 2024. 

Tự chủ để các trường có quyền tự quyết hoạt động

Theo Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn luôn được sự quan tâm của Đảng và nhà nước, trong đó mục tiêu đến năm 2025 tỉ lệ lao động thông qua đào tạo là 70% và phải có bằng cấp, chứng chỉ là 28-30%.

“Hiện nay, việc đẩy mạnh tự chủ, trong đó có tự chủ về tài chính đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo là xu thế tất yếu để nâng cao chất lượng đào tạo. Tự chủ cho phép các trường ra quyết định nhanh hơn từ đó thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, là yếu tố quyết định để nâng cao chất lượng và lợi thế cạnh tranh của các trường. Giao quyền tự chủ đã được Chính phủ xác định là một trong những giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.”, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Ngô Hồng Giang cho biết.

GS TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, GS,TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết Học viện là đơn vị đầu tiên trong khối nông lâm ngư thực hiện thí điểm tự chủ đại học, theo Quyết định 873/QĐ-TTg và Nghị quyết số 77/NQ-CP. Thời gian đầu, việc thí điểm tự chủ cũng gặp phải một số khó khăn về sự không đồng bộ, chồng chéo các quy định pháp luật. Tuy nhiên với sự nỗ lực quyết tâm cao của cán bộ của Học viện, sự hỗ trợ đồng hành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như các Bộ, ban ngành.

Bước đầu, Học viện đã đạt được một số kết quả quan trọng trong công tác tự chủ đại học. Cán bộ, viên chức người lao động của học viện đã năng động hơn, sáng tạo hơn, nỗ lực cố gắng hơn và nhận thức rõ hơn về vai trò nhiệm vụ của tự chủ đại học. Hoạt động của Học viện hiện đã đi vào ổn định và phát triển, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Hiện nay, học viện có 10 chương trình đào tạo được kiểm định quốc tế AUN, có 6 phòng thí nghiệm ISO và nhiều phòng thí nghiệm, thực tập, thực hành cho sinh viên. Học viện cũng đã kiểm định chất lượng vào các năm 2017 và năm 2022.

“Hiện nay, Học viện cũng xác định chất lượng là sự sống còn và nghiên cứu khoa học là sức sống của trường đại học. Việc đào tạo và nghiên cứu khoa học luôn gắn với nhu cầu của thị trường, của doanh nghiệp trong nước và quốc tế.”, GS-TS Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh.

Cần hoàn thiện thể chế để tháo gỡ khó khăn cho các trường

Phát biểu tại hội nghị, TS Nguyễn Văn Chương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thuỷ Lợi cho biết trong thời buổi kinh tế thị trường, việc nhà trường triển khai cơ chế tự chủ sẽ gặp cả những thuận lợi và khó khăn. Khó khăn thứ nhất là phải tính toán để có được đầy đủ nguồn lực chi cho các hoạt động của nhà trường, phù hợp với tình hình phát triển. Thứ hai về công tác tuyển sinh, từ trước đến nay các ngành về nông, lâm ngư nghiệp tuyển sinh chắc chắn cũng vất vả nhiều hơn so với các ngành khác, do vậy, Nhà nước cũng cần có chính sách để có thể thu hút được nhiều người học hơn vào các khối ngành này, cũng là để đảm bảo nguồn lực cho xã hội.

Đồng quan điểm trên theo ThS. Đào Sỹ Tam, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ và Nông lâm Kinh Bắc cũng nhận định hiện nay nguồn thu lớn nhất của các trường là học phí trong khi đối tượng học chủ yếu là con em ở các vùng nông thôn nơi điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nên mức độ chi trả còn hạn chế. Đồng thời, cần hoàn thiện thể chế để để các trường được liên doanh liên kết, cho thuê cơ sở vật chất, đất đai, mặt nước, trang thiết bị trong thời gian chưa đưa vào sử dụng để đào tạo nhằm tăng nguồn thu.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh rằng để thực hiện tốt tự chủ, trong đó có tự chủ về tài chính các cơ sở đào tạo cần tập trung đổi mới tư duy đào tạo theo hướng mở, chủ động đẩy mạnh hợp tác, liên kết đào tạo, tư vấn, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm, khai thác tốt cơ sở vật chất hiện có. Hơn nữa, thực hiện tự chủ sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, năng lực cạnh tranh cho sự phát triển bền vững. Chủ động kết nối với các địa phương, doanh nghiệp và Viện nghiên cứu trong lĩnh vực có liên quan đến các ngành nghề đào tạo…

“Các trường cần tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp theo hướng khuyến khích các doanh nghiệp phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đào tạo đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Xây dựng chính sách để doanh nghiệp được tham gia giáo dục nghề nghiệp theo hình thức đặt hàng của Nhà nước và của doanh nghiệp khác…”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.

Bộ Trưởng Lê Minh Hoan đến thăm và động viên sinh viên của Trường Cao đẳng cơ giới Thuỷ lợi.

Cũng trong khuôn khổ của Hội nghị đã diễn ra Lễ Phát động phong trào Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2024 - 2030 nhằm tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong ngành NN&PTNT.

Đọc thêm