Phát huy tác dụng 'thiết chế văn hóa'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 515/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 phê duyệt Chương trình tổng thể về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023 - 2025.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia có mối quan hệ văn hoá lâu dài với Việt Nam. Chương trình tập trung vào các hoạt động thuộc các lĩnh vực gồm: di sản văn hóa; văn hóa cơ sở; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; điện ảnh; thư viện; đào tạo; văn hóa dân tộc; văn hóa đối ngoại; công nghiệp văn hóa,...

Nghiên cứu kỹ Chương trình, những người quan tâm sẽ nhận ra, cụm từ “thiết chế văn hóa” được nhắc đến nhiều lần. Trong các giải pháp, “Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa” là giải pháp thứ 3 trong 8 giải pháp chủ yếu.

“Thiết chế văn hóa”, tưởng là khái niệm mới; nhưng còn được gọi là tổ chức văn hóa, tổ chức trong một nền văn hóa; hay nói cách khác là “tiểu văn hóa” hoạt động để bảo tồn hoặc phát huy văn hóa.

Có thể hiểu rằng, đó là cụm từ, thuật ngữ dùng để chỉ các cơ quan, đơn vị hoạt động văn hóa do Nhà nước hoặc cộng đồng xã hội lập ra trong khuôn khổ pháp luật hoặc quy chế của ngành, đoàn thể nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của công chúng, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương. Tất nhiên, “thiết chế văn hóa” không chỉ đơn thuần là những công trình vật chất cụ thể mà bao hàm trong đó là hệ thống cơ chế, chính sách vận hành; đội ngũ nhân lực làm công tác quản lý, tổ chức; nguồn lực tài chính và các chủ thể hoạt động.

Mỗi người có thể nhận ra, những biểu hiện của “thiết chế văn hóa” khắp nơi; ví dụ nhà văn hóa ở các khối phố, tổ dân cư từ nông thôn đến thành thị; nhà bảo tàng, hệ thống thư viện, tượng đài, rạp chiếu phim... Nói như thế để thấy, vừa mừng, vừa lo. Cơ sở vật chất có thể nhiều, nhưng thực chất hoạt động, tác dụng của các “thiết chế” ấy hiện hữu như thế nào?

Rõ ràng là nhiều điều đáng lo; ví dụ hệ thống rạp chiếu phim ở một số đô thị đã biến mất; thư viện được bao nhiêu sách, vật phẩm, văn bản văn hóa và mấy người đến đọc? Điều này thực sự là thách thức trong hoàn cảnh bùng nổ của internet, điện thoại thông minh, mạng xã hội.

Tóm lại, cơ sở vật chất của “thiết chế” có thể được xây dựng, nhưng trang thiết bị thiếu thốn, không đủ điều kiện hoạt động, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa.

Về con người, có thể thấy, đội ngũ cán bộ nghiệp vụ công tác tại các thiết chế văn hóa, thể thao có nơi còn quá mỏng, ít được đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ. Do vậy, “thiết chế” hoạt động kém hiệu quả của các “thiết chế văn hóa”, lãng phí rất lớn công năng và tiền của. Có thể thấy điều này qua ví dụ: nhà văn hóa các khối phố, chủ yếu làm nơi sinh hoạt cho các tổ hưu, tổ đảng, tổ phụ nữ...; còn lại quanh năm “cài then, khóa cửa”.

Để “thiết chế văn hóa” vận hành, phát huy tác dụng trong thời đại “chuyển đổi số”, rõ ràng cần rất nhiều vấn đề phải làm.

Đọc thêm