Phát huy tiềm lực người Việt ở nước ngoài

(PLVN) - Tiềm năng của cộng đồng 4,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) được đánh giá là rất lớn. Đây sẽ là một nguồn lực rất lớn đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước nếu được khơi dậy và phát huy một cách hiệu quả.
Kiều bào Võ Thành Đăng.
Kiều bào Võ Thành Đăng.

Nguồn lực quan trọng 

Năm 2007, anh Võ Thành Đăng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân NVNONN, nhập quốc tịch Singapore. Ở thời điểm đó, anh không nghĩ sẽ có ngày trở về Việt Nam kinh doanh vì môi trường ở nước ngoài rất thuận lợi. Thế nhưng, chỉ ít lâu sau đó, anh Đăng đã đổi ý. 

“Việt Nam gia nhập tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ năm 2006. Tôi nhìn thấy đây là cơ hội cho những người sống ở nước ngoài, có nhiều kinh nghiệm có thể trở về Việt Nam để phát triển sự nghiệp ở quê hương”, anh nói về lý do khiến bản thân nghĩ lại. Gần đây, Việt Nam cũng gia nhập nhiều hiệp định thương mại tự do khác nhau. Theo anh Đăng, đây là những tín hiệu tốt giúp cộng đồng doanh nhân người Việt Nam sẵn lòng hơn để trở về nước đóng góp cho quê hương.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách cụ thể với NVNONN, từ đó tạo bước chuyển biến tích cực về tư duy cũng như sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các bộ, ban, ngành, địa phương trong công tác với NVNONN. Các bộ, ngành đã đề xuất chính sách nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của cộng đồng NVNONN và triển khai nhiều biện pháp vận động kiều bào hướng về quê hương. 

Cùng với vị thế ngày càng tăng của đất nước và sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cộng đồng NVNONN ngày càng phát triển và đã thực sự trở thành một bộ phận cấu thành của cộng đồng dân tộc Việt Nam, một nguồn lực quan trọng trong xây dựng phát triển đất nước. 

Cộng đồng NVNONN hiện không ngừng phát triển với khoảng 4,5 triệu người tại hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 500 ngàn người có trình độ đại học trở lên. Nhiều người trong số này là những kỹ sư, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực khoa học công nghệ, kinh tế, tài chính. Một số kiều bào đã tham gia vào hệ thống chính trị các nước.

Hàng năm, có khoảng 400-500 lượt chuyên gia, trí thức NVNONN tham gia hoạt động khoa học và công nghệ ở Việt Nam. Có 4/15 thành viên trong Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ là trí thức NVNONN từ Pháp, Nhật Bản, Mỹ, Singapore; tạo đà cho trí thức NVNONN đóng góp nhiều hơn nữa trong công cuộc xây dựng đất nước.

Cùng với đó, nhiều doanh nhân NVNONN cũng trở về nước làm ăn, đã và đang tạo ra những doanh nghiệp mạnh hàng đầu, góp phần tạo công ăn việc làm, đào tạo nghề, chuyển giao công nghệ, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương và tăng nguồn thu từ thuế cho ngân sách nhà nước. Thống kê cho thấy hiện có gần 3.000 doanh nghiệp NVNONN đang hoạt động đầu tư trên cả nước với tổng số vốn khoảng 4 tỷ USD.

Theo Ủy ban Nhà nước về NVNONN, các doanh nghiệp kiều bào đang hoạt động tại 50/63 tỉnh, thành, tập trung vào các lĩnh vực du lịch, thương mại, bất động sản, sản xuất hàng xuất khẩu, chế biến, xuất khẩu thủy sản… 

Kiều hối gửi về nước luôn duy trì mức tăng khoảng 10-15%/năm. Lượng kiều hối tích lũy từ năm 1993 đến nay đạt khoảng 160 tỷ USD, trong đó chỉ tính tổng kiều hối trong 10 năm qua đã đạt gần 112 tỷ USD. Lượng kiều hối này đưa Việt Nam vào danh sách một trong 10 nước nhận kiều hối nhiều nhất thế giới, đóng góp quan trọng vào ổn định cán cân thanh toán và phát triển kinh tế của đất nước. 

Khơi dậy tiềm năng cộng đồng NVNONN

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Ủy ban Nhà nước về NVNONN vừa qua, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, trong bối cảnh đất nước ta ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, công tác đối với NVNONN ngày càng có ý nghĩa quan trọng. 

Theo ông Minh, tiềm năng và thế mạnh của cộng đồng NVNONN rất lớn nhưng cũng cần được khai thác phát huy một cách hiệu quả hơn. Ví dụ, trong tổng số khoảng 500.000 chuyên gia, trí thức NVNONN trên toàn thế giới, mới khoảng 400 - 500 lượt tham gia hoạt động khoa học và công nghệ ở Việt Nam hàng năm. “Tiềm năng rất lớn, vấn đề quan trọng là phải khơi dậy được tiềm năng và khuyến khích NVNONN tham gia vào các hoạt động nghiên cứu khoa học, đóng góp cho đất nước”, Phó Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, tổng vốn đầu tư trực tiếp của kiều bào về trong nước khoảng 4 tỷ USD, mới chiếm 2,2% tổng số vốn 185 tỷ USD đầu tư nước ngoài (FDI) giải ngân từ năm 1986 đến nay. Cho rằng điều này đặt ra yêu cầu ngày càng cao cho công tác về NVNONN, Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban Nhà nước về NVNONN cần đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách về NVNONN, thường xuyên nghiên cứu tiềm năng, thế mạnh của kiều bào, từ đó đề xuất tham mưu, bổ sung, sửa đổi các chính sách liên quan nhằm vừa xây dựng tốt khối đại đoàn kết dân tộc, vừa huy động hiệu quả nguồn lực to lớn của kiều bào phục vụ cho đất nước, nhất là trong những lĩnh vực chuyển giao công nghệ, đầu tư, thương mại. 

Cùng với nguồn lực kiều hối, cần huy động mạnh mẽ hơn nữa sự tham gia của các kiều bào trong tận dụng cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; thu hút đầu tư trực tiếp từ NVNONN, khuyến khích kiều bào làm cầu nối cho việc đưa hàng hóa Việt Nam ra các nước.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, cần tích cực nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của bà con kiều bào nhằm có những cơ chế, chính sách và các hoạt động thiết thực làm cho bà còn ngày càng hướng về quê hương đất nước, duy trì, củng cố và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam…

Tạo hành lang pháp lý thuận lợi  

Theo ông Võ Thành Đăng, Việt Nam có những lĩnh vực tiềm năng có thể thu hút kiều bào. “Hiện nay, theo xu hướng của thế giới, những ngành công nghệ, trí tuệ nhân tạo đang là các điểm mạnh nổi trội của kiều bào khắp nơi. Việt Nam chính là mảnh đất mới mẻ thu hút kiều bào trở về phát huy tài năng, phát triển sự nghiệp và cống hiến cho đất nước vì phần lớn kiều bào có nhiều kiến thức mới ở nước ngoài”, ông Đăng nói. 

Theo vị doanh nhân trẻ này, thời gian qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã có nhiều chính sách sát sườn để hỗ trợ cho những Việt kiều trở về nước. Tuy nhiên, ông Đăng cũng cho hay, hiện nay nhiều người vẫn còn nghe được rất nhiều luồng thông tin trái chiều về việc kiều bào khi trở về nước. 

Do vậy, ông Đăng cho rằng, ngoài các chủ trương, chính sách cũng cần chú ý về mặt truyền thông để các thông tin về những chủ trương, chính sách đến được với các kiều bào. “Để kiều bào khắp nơi quay trở về thì việc dễ nhất là có các bằng chứng thực tế để họ nhìn thấy, cảm nhận được. Họ sẽ quyết định quay trở về lập nghiệp và góp công sức xây dựng cho quê hương.

Chúng tôi mong muốn có thêm nhiều kênh khác nhau trong nước để cập nhật thông tin đúng đắn, kịp thời về các những chính sách, chương trình… cũng như có những diễn đàn để kiều bào có thể dễ dàng kết nối và chia sẻ. Kiều bào cần rất nhiều kênh như vậy để có thể tiếp nhận thông tin một cách chính xác, cân bằng và chọn lọc”, ông Đăng nói. 

Ông Trần Hải Linh, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc cũng đánh giá cộng đồng kiều bào đang ngày càng hiểu biết rõ hơn, hướng về quê hương, đất nước nhiều hơn và có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước hơn.

Kiều bào Trần Hải Linh.
 Kiều bào Trần Hải Linh.

Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, khối chuyên gia trí thức và doanh nhân kiều bào trở về đóng góp cho đất nước nhiều hơn, không chỉ bằng việc mở ra các cơ sở, công ty hoạt động kinh doanh tại Việt Nam mà còn có những đóng góp về chuyên môn, trí thức; hợp tác, xúc tiến đầu tư, thương mại giữa các nước và Việt Nam.

Theo ông Linh, tại Hàn Quốc, cộng đồng chuyên gia trí thức người Việt Nam ở lại nước này làm việc lên đến hàng trăm người. Cộng đồng sinh viên, nghiên cứu sinh cũng lên đến nhiều nghìn người. “Họ có thể dễ dàng kiếm được công ăn việc làm tại Hàn Quốc nhưng cũng sẵn sàng quay trở về quê hương để đóng góp chất xám cho đất nước.

Tôi cho rằng đó là hàm lượng chất xám vô giá mà chúng ta có thể hoạch định tốt, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều điểm tương đồng, những ứng dụng về khoa học, công nghệ có thể nói khá phù hợp với Việt Nam. Hàn Quốc cũng là đối tác đầu tư lớn của Việt Nam”, ông Linh nói.

Để thu hút mạnh mẽ hơn nữa nguồn lực kiều bào cho quá trình phát triển đất nước, ông Linh kiến nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách và pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để kiều bào yên tâm quay trở về đầu tư, sản xuất, kinh doanh, cống hiến tri thức.

Cùng với đó, cần đẩy mạnh truyền thông, thông tin về công tác đoàn, hội và phong trào cộng đồng NVNONN; giới thiệu các tấm gương điển hình người Việt Nam tiêu biểu ở nước ngoài, hoạt động xây dựng cộng đồng tại nước sở tại và hướng về Tổ quốc... nhằm khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, tạo không khí thi đua học tập, lao động rộng khắp.

Đọc thêm