Phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám trong phòng chống dịch COVID - 19

(PLVN) - Đều là giặc nhưng kẻ thù lần này cực kỳ nguy hiểm vì sự vô hình và tốc độ lây lan. Nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, kịp thời của Đảng, Nhà nước; sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc và sự ủng hộ của quốc tế, tinh thần, bài học Cách mạng Tháng Tám sau 76 năm lại được kế thừa, vận dụng để chống lại đại dịch COVID- 19.
Cuộc mít tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do Mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19/8/1945. (Ảnh tư liệu)
Cuộc mít tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do Mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19/8/1945. (Ảnh tư liệu)

Từ tinh thần Cách mạng Tháng Tám

Đầu năm 1945, Chiến tranh Thế giới lần thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc. Hồng quân Xô Viết liên tiếp giành thắng lợi trên chiến trường châu Âu và tiến thẳng vào sào huyệt phát xít Đức. Ở Việt Nam, ngày 9/3/1945, phát xít Nhật đảo chính hất cẳng Pháp. Cao trào kháng Nhật cứu nước diễn ra mạnh mẽ. Đầu tháng 5/1945, Bác Hồ từ Cao Bằng về Tuyên Quang chọn Tân Trào làm căn cứ chỉ đạo cách mạng và chuẩn bị Đại hội quốc dân.

Giữa tháng Tám năm 1945, phát xít Nhật đầu hàng quân Đồng minh. Cùng thời gian này, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào khẳng định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập đã tới” và quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai; trong đó đề ra ba nguyên tắc bảo đảm tổng khởi nghĩa thắng lợi, đó là: Tập trung, thống nhất, kịp thời.

23 giờ ngày 13/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1 hiệu triệu toàn dân tổng khởi nghĩa. Ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân họp tại Tân Trào thông qua “10 chính sách lớn của Việt Minh”; thông qua “Lệnh tổng khởi nghĩa”; quy định quốc kỳ, quốc ca; thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Trung ương, tức Chính phủ Lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi nhân dân cả nước tổng khởi nghĩa, trong đó chỉ rõ: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay nhân dân.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, trước cuộc mít tinh của gần một triệu đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân quan trọng, có ý nghĩa quyết định là sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, khéo léo của Đảng, với phương pháp, chiến lược, chiến thuật cách mạng phù hợp, linh hoạt; nhận thức được thời cơ, chủ động đón thời cơ và kiên quyết chớp thời cơ.

Một nhân tố quyết định đến thành công của Cách mạng Tháng Tám là tinh thần yêu nước, đoàn kết, ý chí quật cường của mọi tầng lớp nhân dân; một lòng đi theo Đảng và được Đảng lãnh đạo, quyết vùng lên giành độc lập cho dân tộc.

Ngoài ra, Cách mạng Tháng Tám được tiến hành trong bối cảnh quốc tế có những thuận lợi nhất định, với sự ủng hộ của bạn bè quốc tế.

Đến “mục tiêu kép” vượt khó đi lên

Sau 76 năm kể từ ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, không chỉ Việt Nam mà toàn thế giới chao đảo trước kẻ thù giấu mặt, vô cùng nguy hiểm gây nên những hậu quả nặng nề cả về nhân mạng lẫn kinh tế - đó là đại dịch COVID- 19.

Những tháng ngày qua, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta căng mình, đồng lòng chống dịch và những bài học kinh nghiệm từ Cách mạng Tháng Tám lại soi sáng và lấp lánh trong từng hành động của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Ngay từ những ngày đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 mới bùng phát, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có Công văn số 79-CV/TW, trong đó yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân khẩn trương vào cuộc, xác định phòng chống dịch là một nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động toàn hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang, toàn dân khẩn trương, quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Tiếp theo là hàng loạt quyết định, chỉ thị kịp thời của Chính phủ về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 dựa vào tình hình thực tế của các địa phương. Những quyết sách và thành tựu đã thể hiện quan điểm nhất quán, đúng đắn, chủ động và kịp thời của Đảng và Nhà nước ta.

Cùng với đó, tinh thần yêu nước, đại đoàn kết dân tộc từ Cách mạng Tháng Tám cũng đã rọi chiếu vào công cuộc phòng chống dịch COVID-19 của nhân dân ta. Đặc biệt, bài học đại đoàn kết lại được nhắc lại trong từng suy nghĩ, hành động của mọi tầng lớp nhân dân. Nhờ vậy, dư luận quốc tế đánh giá rất cao công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam.

Để có được những thành quả ấy, góp phần quan trọng là sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt, chủ động, kịp thời của Đảng, Chính phủ với các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt trong phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh. Tư tưởng nhất quán, xuyên suốt “chống dịch như chống giặc”, kiên định “thực hiện mục tiêu kép” phòng, chống dịch hiệu quả đồng thời phát triển kinh tế, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, đã huy động được sự vào cuộc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. “Mục tiêu kép” được chỉ đạo linh hoạt, sáng tạo, không máy móc, cứng nhắc, tùy từng thời điểm, từng nơi, từng địa phương, địa bàn, cơ quan, đơn vị để lựa chọn ưu tiên phù hợp giữa phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội.

Trên tinh thần đó, toàn hệ thống chính trị tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, chủ động các phương án, kịch bản để kịp thời ứng phó với mọi tình huống. Đồng thời, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội.

Hưởng ứng Lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, khối đại đoàn kết dân tộc càng được củng cố, sức mạnh toàn dân được phát huy cao độ. Với tinh thần “mỗi người dân là một chiến sỹ”, “mỗi gia đình, cơ quan, đơn vị, địa phương là một pháo đài chống dịch”, mọi tầng lớp nhân dân đều tham gia phòng, chống dịch COVID-19.

Có thể thấy, các lực lượng chống dịch tuyến đầu, như: cán bộ, nhân viên y tế, quân đội, công an, tình nguyện viên… đã thể hiện rõ ý chí “chân cứng đá mềm”, với lòng dũng cảm, trái tim nhiệt huyết, tấm lòng nhân ái, tận tâm, tận lực phục vụ đồng bào; đồng thời bảo đảm an toàn chống dịch.

Các doanh nghiệp, doanh nhân thuộc mọi thành phần kinh tế phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, cùng đồng lòng, đoàn kết, thể hiện ý chí, bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần và sức mạnh, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức; thi đua phòng, chống dịch, duy trì và ổn định sản xuất kinh doanh, chăm lo việc làm, thu nhập và đời sống cho người lao động.

Các tầng lớp nhân dân phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần yêu nước, thương nòi, “lá lành đùm lá rách”, “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”; sẵn sàng hỗ trợ vượt qua khó khăn. Phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa con người Việt Nam, hành động có trách nhiệm vì bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội, chấp hành tốt quy định của các cấp chính quyền, nhất là ở những nơi phong tỏa, cách ly.

Ở những “vùng xanh” hay “tổ dân phố xanh”, nhân dân chủ động thiết lập các chốt kiểm soát, thực hiện thông điệp “5K” của Bộ Y tế. Có thể ví những chốt “vùng xanh” ấy, như những “lá chắn của lòng dân”, do dân làm và vì sức khỏe của nhân dân.

Trong khối đại đoàn kết đó, còn có những nhà sư, tu sỹ cởi áo tu hành, khoác áo blouse xông pha lên tuyến đầu chống dịch. Phải chăng khí thế đó, cũng bắt nguồn từ tinh thần “Cởi áo cà sa, khoác chiến bào” của tăng ni phật tử những năm tháng cách mạng sục sôi?

Trước thực tế, vaccine ngừa COVID-19 trong nước vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, thì “ngoại giao vaccine” là một mặt trận vô cùng quan trọng, giúp người dân được tiếp cận vaccine nhanh nhất, sớm nhất. Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, với phương châm “5K+vaccine+công nghệ”, chiến lược vaccine vừa là nhiệm vụ rất cấp bách, vừa là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài để kiểm soát và tiến tới đẩy lùi dịch COVID-19.

Ngành Ngoại giao cũng đi đầu tham mưu việc triển khai ngoại giao vâccine chủ động kiến nghị đưa nội dung vận động vaccine vào các hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước, nhất là các cuộc tiếp xúc, điện đàm của Lãnh đạo ta với lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế. Bộ Ngoại giao đã trực tiếp và thông qua các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nỗ lực tìm kiếm, tiếp cận các nguồn vaccine, tích cực vận động các đối tác viện trợ vaccine, trang thiết bị y tế. Thậm chí, Chính phủ còn Thành lập Tổ công tác về ngoại giao vaccine với nhiệm vụ xúc tiến, vận động viện trợ vaccine, thuốc điều trị và vật phẩm y tế cho phòng chống dịch COVID-19.

Thực tiễn cho thấy, thông qua ngoại giao vaccine, đến nay nước ta đã tiếp nhận hàng triệu liều vaccine từ sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, không chỉ trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch, mà còn có ý nghĩa rất quan trọng về nhiều mặt đối nội, đối ngoại, chính trị, quốc phòng, an ninh và kinh tế-xã hội. Đó là kết quả của chính sách ngoại giao sáng suốt, khôn khéo của Đảng, Nhà nước ta, kế thừa từ những bài học lịch sử.

Có thể khẳng định, những bài học kinh nghiệm từ Cách mạng Tháng Tám, được Đảng, Nhà nước, nhân dân ta vận dụng xuyên suốt trong chiều dài lịch sử. Trải qua hai cuộc kháng chiến, rồi thời kỳ Đổi mới cho đến nay, khi phải đối mặt với kẻ thù mới - dịch bệnh COVID-19, những bài học về đường lối lãnh đạo, đại đoàn kết, biết tranh thủ sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế càng được chúng ta kế thừa và phát huy một cách chủ động, linh hoạt.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhận định: “Thắng lợi ấy đã đưa dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội”. Với sự kế thừa, phát huy tinh thần ấy, hy vọng nước ta lại một lần nữa đánh bại được kẻ thù dịch bệnh, bước tiếp trên con đường hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng. Từ đó, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân.

Với cương vị là người đứng đầu Đảng ta, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra lời kêu gọi toàn dân đồng lòng phòng chống dịch. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần vào điểm nóng động viên, thăm hỏi chính quyền, người dân nơi đang là điểm nóng của dịch. Người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát động phong trào thi đua mà cao độ là thi đua trong phòng chống dịch; Quốc hội dưới sự điều hành của Chủ tịch Vương Đình Huệ đã có nhiều phiên họp đột xuất đưa ra các Nghị quyết kịp thời nhằm thể chế đường lối của Đảng, tháo gỡ chủ trương để Chính phủ thuận lợi trong công tác phòng chống dịch.

Đọc thêm