Tham dự cuộc họp có đại diện Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Công ty cổ phần Tập đoàn giáo dục Egroup cùng lãnh đạo Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Văn phòng Bộ, Cục Công nghệ thông tin và một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.
Theo báo cáo của Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, cuộc thi “Pháp luật học đường” đã tổ chức thành công, cơ bản đạt được mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đề ra trong kế hoạch. Với số lượng gần 315.000 lượt thí sinh dự thi tại vòng loại và sự tích cực, hưởng ứng của địa phương, các thí sinh tại vòng bán kết, vòng chung kết, cuộc thi đã chứng tỏ được sự thu hút, hấp dẫn tuổi trẻ học đường, tạo “sân chơi” tìm hiểu pháp luật bổ ích, lý thú và tạo hiệu ứng xã hội tích cực. Từ đó góp phần nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật trong học sinh, sinh viện; xây dựng, hình thành thói quen chủ động học tập, tìm hiểu pháp luật.
Nội dung thi được thiết kế theo hình thức trắc nghiệm bằng câu hỏi trực tuyến và tình huống dễ hiểu, phong phú, thiết thực, phù hợp với tâm sinh lý, lứa tuổi, chương trình giảng dạy, học tập của học sinh, sinh viên. Riêng vòng chung kết có phần thi tình huống pháp lý tự luận với tính chất phân loại cao.
Theo đánh giá của Ban Tổ chức cuộc thi, hình thức thi online đã tạo điều kiện cho nhiều học sinh, sinh viên chủ động, thuận tiện tham gia dự thi. Nhiều thí sinh đạt điểm tuyệt đối và được giải thưởng nhiều tuần của vòng loại, đạt giải vòng bán kết cho thấy các thí sinh đã dành nhiều thời gian, tâm huyết để tìm hiểu, nghiên cứu, tham khảo tài liệu, có sự tiến bộ, thể hiện tinh thần quyết tâm đạt giải cao trong cuộc thi.
Để đạt được những kết quả tích cực đó, cuộc thi đã nhận được sự phối hợp khá chặt chẽ, hiệu quả của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Công ty cổ phần Tập đoàn giáo dục Egroup, các nhà tài trợ, cơ quan, đơn vị liên quan, đặc biệt là sự đồng hành của các cơ quan báo chí, truyền thông.
Bên cạnh những kết quả đạt được, cuộc thi còn gặp một số khó khăn nhất định như: có sự chênh lệch khá lớn về số lượng thí sinh dự thi giữa các địa phương; trang web cuộc thi còn xuất hiện một số lỗi kỹ thuật. Vòng bán kết, vòng chung kết cuộc thi diễn ra vào thời điểm xảy ra dịch bệnh Covid-19 nên một số hoạt động, công việc được dự kiến tổ chức phải thay đổi khác với kế hoạch.
Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Lãnh đạo Vụ cho biết sẽ ban hành Kế hoạch, văn bản hướng dẫn, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thành công Lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi trực tuyến “Pháp luật học đường” (dự kiến tổ chức trong tháng 7/2020 tại TP. Hà Nội) đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông trước, trong và sau khi tổ chức Lễ tổng kết, trao giải.
Cùng với đó, sẽ thành lập Ban Giám khảo, xây dựng Quy chế chấm thi, thang điểm, bảng điểm, phiếu chấm điểm; rà soát, công bố điểm, xét công nhận, xếp giải theo quy định; xử lý các vấn đề phát sinh trong tổ chức chấm thi, công bố điểm, xét giải.
Sau khi nghe ý kiến của các thành viên thuộc Ban Tổ chức cuộc thi, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là trách nhiệm chung của các ngành, các cơ quan, tổ chức. Do đó, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tập đoàn giáo dục Egroup cùng các đơn vị liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong việc tổ chức, triển khai các hoạt động tiếp theo trong khuôn khổ cuộc thi.
Thứ trưởng cũng yêu cầu các thành viên Ban Tổ chức cuộc thi cần tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, tạo được sự thống nhất trong triển khai các nhiệm vụ sắp tới, đặc biệt cần chủ động có giải pháp để xử lý các tình huống phát sinh trong thực tế triển khai cuộc thi.