Phát huy vai trò của báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật

(PLVN) - Bên cạnh nhiều hình thức mới sinh động, hấp dẫn, qua tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32 - CT/TW ngày 9/12/2013 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân tại các địa phương cho thấy, nhiều hình thức truyền thống vẫn được duy trì và phát huy tác dụng, trong đó có việc sử dụng báo cáo viên, tuyên truyền viên.
 Phát huy vai trò của báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật

Tại Sơn La, bên cạnh các cuộc thi tìm hiểu về pháp luật được tổ chức hằng năm thì việc cấp phát tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn được được phát hành miễn phí đến cơ sở. Theo đó, 36.504 văn bản, tài liệu được dịch ra tiếng dân tộc thiểu số. Các phương tiện thông tin đại chúng cũng vào cuộc quyết liệt để tuyên truyền các chủ trương, đường lối chính sách mới. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật vẫn giữ vai trò chủ chốt trong công tác tuyên truyền. Toàn tỉnh hiện có 138 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 338 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 2.613 tuyên truyền viên cấp xã, 451 cán bộ tư pháp, 21 cán bộ pháp chế thực hiện nhiệm vụ phổ biến giáo dục pháp luật.

Còn tại Vĩnh Long, qua tổng kết cho thấy, đội ngũ báo cáo viên pháp luật các cấp thường xuyên được củng cố kiện toàn. Toàn tỉnh hiện có 262 báo cáo viên cấp tỉnh, 241 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 1.838 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã. Hầu hết báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật có đủ trình độ, năng lực và khả năng thực hiện tốt công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh. Sở Tư pháp thường xuyên tham mưu, tổ chức các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật được 1.508 cuộc, có 68.181 lượt người dự.

Hội đồng PBGDPL tổ chức triển khai các văn bản pháp luật mới cho thành viên hội đồng, báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh được 21 cuộc, có 2.926 lượt người tham dự. Các Sở, ngành, mặt trận Tổ quốc, đoàn thể cấp tỉnh và UBND cấp huyện đã lồng ghép tổ chức tuyên truyền PBGDPL trong cán bộ, công chức thông qua trợ giúp pháp lý lưu động, hoạt động hòa giải ở cơ sở, xét xử lưu động; qua hoạt động đối thoại trực, các cuộc thi.v.v.v…đã tuyên truyền được 2.501.175 cuộc, có 51.106.342 lượt người tham dự; tuyên truyền qua hoạt động tư vấn pháp luật đã tư vấn 40.962 vụ việc, qua loa phát thanh 204.529 giờ, cấp phát 229.874 quyển tài liệu pháp luật cho báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật…

Bên cạnh việc đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp phối hợp PBGDPL, thời gian tới Vĩnh Long xác định vẫn phát huy hiệu quả của các hình thức truyền thống như tuyên truyền miệng, phát hành sách pháp luật, tờ bướm, tờ gấp, hỏi đáp pháp luật; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, mở các chuyên trang, chuyên mục về pháp luật trên báo, đài; đẩy mạnh hoạt động tư vấn pháp luật trợ giúp pháp lý cho nhân dân, phát triển các câu lạc bộ để tuyên truyền pháp luật dưới các hình thức linh hoạt đa dạng. Bên cạnh đó, củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, thành viên hội đồng phối hợp PBGDPL, cán bộ làm công tác PBGDPL từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo đủ số lượng, có trình độ, năng lực và kỹ năng PBGDPL đáp ứng cho công tác PBGDPL trong giai đoạn hiện nay.

Tại Quảng Bình, thực hiện Chỉ thị 32- CT/TW và Luật PBGDPL đã chú trọng phát huy vai trò gương mẫu trong cán bộ, công chức, đảng viên trong PBGDPL; kịp thời đôn đốc, chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc nảy sinh trong quá trình triển khai; quan tâm cân nhắc, tuyển chọn những người có phẩm chất, năng lực, trình độ, trách nhiệm và có khả năng tuyên truyền, giáo dục để bố trí làm báo cáo viên, tuyên truyền viên, công chức pháp chế, trở thành đầu mối nhằm tham mưu giúp lãnh đạo cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ PBGDPL đạt kết quả cao...   

Ông Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật Bộ Tư pháp cho biết, thời gian qua nhiều luật sư, luật gia, cán bộ các cơ quan bảo vệ pháp luật đã tích cực tham gia vào công tác PBGDPL. Công tác PBGDPL được triển khai theo từng nhóm đối tượng cụ thể: Thanh niên, đồng bào DTTS, người nghèo, nhóm yếu thế… gắn với các buổi họp thôn, bản, gắn với xây dựng nông thôn mới và các chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, đặc biệt coi trọng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên là Người có uy tín, già làng, trưởng bản, các chức sắc tôn giáo. Việc xác định nội dung pháp luật và lựa chọn hình thức PBGDPL phù hợp với từng đối tượng, vùng miền được chú trọng. Đã có nhiều mô hình PBGDPL được xây dựng, duy trì, phát triển.

Tuy nhiên, để các báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật phát huy thế mạnh của mình cần quan tâm, đầu tư hơn nữa về kinh phí cũng như công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ. Cần thu hút thêm nhiều tuyên truyền viên ở các vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng như những người có trình độ, uy tín trong cộng đồng cùng thực hiện công tác PBGDPL. 

Đọc thêm