Phát huy vai trò của tủ sách phát luật ở miền núi Sơn La

(PLVN) - Tủ sách pháp luật (TSPL) là một hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả, đang được triển khai rộng rãi trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Phát huy vai trò của tủ sách phát luật ở miền núi Sơn La.
Phát huy vai trò của tủ sách phát luật ở miền núi Sơn La.

TSPL đóng vai trò là công cụ truyền tải các chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, nhân dân; là nguồn cung cấp thông tin về các văn bản pháp luật nhằm phục vụ hoạt động bảo vệ pháp luật của cơ quan Nhà nước, giúp người dân hiểu và chấp hành các quy định của pháp luật, giảm bớt tình trạng khiếu kiện gây lãng phí về thời gian và tiền của cho cơ quan Nhà nước và công dân.

Ghi nhận ở xã biên giới Chiềng Khương, huyện Sông Mã, tại TSPL của xã đầu sách được sắp xếp gọn gàng, tạo thuận lợi cho đọc gia tra cứu thông tin. Cán bộ, người dân đến mượn sách đều được cán bộ tư pháp hộ tịch ghi chép vào sổ theo dõi theo đúng quy định. Ngoài TSPL, xã cũng được bố trí 2 máy vi tính kết nối internet.

Tủ sách pháp luật tại các xã được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp.

Tủ sách pháp luật tại các xã được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp.

TSPL không chỉ có cán bộ đến đọc mà nhiều người dân cũng tìm đến đọc, nghiên cứu, tìm hiểu thông tin liên quan đến Luật đất đai, Luật hôn nhân, Luật dân sự… Ông Tẩn Văn Pặt, một người dân tại xã Chiềng Khay (huyện Quỳnh Nhai) chia sẻ: Mỗi khi đi làm nương về hoặc rảnh thời gian tôi thường xuyên xuống mượn sách về đọc và đều được tạo điều kiện thuận lợi, có gì thắc mắc không hiểu, không rõ thì hỏi thêm cán bộ tư pháp xã để được tư vấn, giải đáp, hỗ trợ ngay tại chỗ. Anh Phạm Văn Chung, cán bộ xã Chiềng Khương cho biết: Tôi được giao phụ trách công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo. Đáp ứng nhu cầu công việc, tôi thường xuyên tìm hiểu các tài liệu liên quan đến Luật khiếu nại, tố cáo tại TSPL của xã. Qua công tác tiếp nhận tôi hướng dẫn nhân dân thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ trong công tác khiếu nại, tố cáo. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn không có đơn thư, khiếu nại vượt cấp.

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 227 TSPL, trong đó, có 114 TSPL thuộc các xã đặc biệt khó khăn, biên giới, 113 TSPL thuộc các đơn vị lực lượng vũ trang nhân nhân. Các TSPL được trang bị tương đối đầy đủ các tài liệu theo quy định như: Tài liệu, đề cương giới thiệu các luật, pháp lệnh; tài liệu hỏi đáp, hướng dẫn pháp luật, tờ gấp pháp luật; tài liệu hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về các lĩnh vực quản lý của các bộ; các văn bản quy phạm pháp luật của trung ương, địa phương; các văn bản pháp luật chuyên ngành liên quan đến nghiệp vụ, hoạt động công vụ và các lĩnh vực người dân quan tâm… góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của cơ quan Nhà nước ở địa phương.

Người dân Sơn La đọc sách báo, tìm hiểu thông tin tại các tủ sách pháp luật.Người dân Sơn La đọc sách báo, tìm hiểu thông tin tại các tủ sách pháp luật.

Hàng năm, các huyện, thành phố trên địa bàn đều chủ động bố trí kinh phí mua sắm, bổ sung các đầu sách; phân công cán bộ, công chức quản lý; trung bình mỗi TSPL có trên 600 đầu sách. Các TSPL được bố trí, sắp xếp địa điểm, phòng đọc phù hợp, thuận tiện cho người mượn và đọc sách đảm bảo khoa học, tra cứu thuận tiện.

Việc duy trì TSPL trên địa bàn tỉnh hiện nay còn góp phần xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Vì trong bộ tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, có tiêu chí hệ thống chính trị và tiếp cận pháp, tiêu chí 18.5 về chuẩn tiếp cận pháp luật. Tính đến năm 2020, toàn tỉnh Sơn La có 164/204 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; 49 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Nhiều đầu sách pháp luật được bố trí tại các tủ sách.

Nhiều đầu sách pháp luật được bố trí tại các tủ sách.

Bà Trần Thị Minh Hòa, Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Để duy trì và khai thác hiệu quả các TSPL, Sở Tư pháp đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn xây dựng, quản lý, khai thác TSPL tại địa phương. Đồng thời, đề nghị Bộ Tư pháp sớm có văn bản hướng dẫn việc lựa chọn sách, tài liệu phù hợp, có giá trị để số hóa, cập nhật sách, tài liệu pháp luật... để đưa vào dữ liệu của TSPL điện tử quốc gia. Sớm đưa TSPL điện tử quốc gia vào vận hành, khai thác sử dụng, áp dụng thống nhất trong phạm vi cả nước; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức quản lý TSPL.

Với một tỉnh còn nhiều khó khăn như Sơn La việc xây dựng, quản lý và khai thác TSPL, là rất cần thiết. Để phù hợp với xu thế hiện nay, các ngành, địa phương cần quan tâm bổ sung kinh phí để mua các tài liệu liên quan đến pháp luật. Việc xây dựng, quản lý, khai thác hiệu quả TSPL ở Sơn La đã và đang góp phần tích cực trong công tác tuyên truyền đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với cán bộ, nhân dân; nâng cao nhận thức, hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Đọc thêm