Trong cuộc họp bầu chọn Ban phu huynh, bà Đào Thị Hồng Phượng, Tân Hội trưởng Hội Cha mẹ học sinh trường tiểu học Chu Văn An, Hoàng Mai, TP Hà Nội năm học 2019-2020 phát biểu: “Chúng ta nên chọn những người có kinh tế và thời gian nuôi dạy con tốt, chăm lo gia đình đầm ấm hạnh phúc để làm hình ảnh tốt cho con của mình trước đã. Chúng ta không nên bầu những người có gia đình khiếm khuyết, vợ không có chồng hoặc chồng không có vợ.
Hãy để người ta đi lo hạnh phúc của người ta, của bản thân người ta đi đã, và khi người ta chưa hạnh phúc thì không bao giờ con người ta được hạnh phúc...những người như thế chưa đủ tư cách thì không thể nằm trong Ban phụ huynh (BPH). Hãy chọn gia đình gương mẫu, có văn hóa, có tri thức và tôi kính mong BGH ở đây hãy xem xét về trích lục của bố mẹ như thế nào thì hãy để trong BPH được. Chứ còn lệch bố lệch mẹ không ổn một chút nào”.
Luật sư Hoàng Tùng bày tỏ: “Với phát biểu của chị Đào Thị Hồng Phượng như trên đã xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của một số phụ huynh có hoàn cảnh đơn thân.
Luật sư Hoàng Tùng cho rằng bà Phượng đã có thái độ kỳ thị, xúc phạm người khác. |
Chị Đào Thị Hồng Phượng đã cho rằng những phụ huynh có hoàn cảnh đơn thân, chưa hạnh phúc thì không bao giờ có con được hạnh phúc.... do đó chưa đủ tư cách nằm trong BPH. Hành vi này của chị Đào Thị Hồng Phượng đã xâm phạm đến quyền được pháp luật bảo vệ về danh dự, nhân phẩm, uy tín.
Quyền này là quyền cơ bản của công dân đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013 tại khoản 1 Điều 20: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.
Hơn nữa, bà Đào Thị Hồng Phượng còn phân biệt đối xử giữa một số phụ huynh có hoàn cảnh đơn thân với các phụ huynh, gia đình có điều kiện về kinh tế và thời gian nuôi dạy con tốt, chăm lo gia đình đầm ấm hạnh phúc.
Điều này cũng đã xâm phạm đến quyền cơ bản của công dân được quy định cụ thể trong Hiến pháp năm 2013 tại Điều 16: “1.Mọi người đều bình đẳngtrước pháp luật; 2.Không ai bị phân biệtđối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 34 BLDS năm 2015 thì danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Theo đó, danh dự, nhân phẩm, uy tín của các phụ huynh đều được pháp luật bảo vệ.
Cũng tại khoản 2 và Điều 34 này, khi các phụ huynh có hoàn cảnh đơn thân thấy rằng phát biểu của bà Đào Thị Hồng Phương xâm phạm đến danh sự, nhân phẩm, uy tín của mình thì các phụ huynh này hoàn toàn có quyền: yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh sự, nhân phẩm, uy tín của mình; yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.
“Ngoài ra, với hành vi của bà Đào Thị Hồng Phương xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác còn bị xử phạt vi phạm hành chính theo điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Theo đó, với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Việc xử lý hành chính đối với vi phạm này, Chủ tịch UBND phường sẽ tiến hành việc lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Điều 71 và khoản 1 Điều 67 của Nghị định số 167/2013/NĐ-CP”. Luật sư Hoàng Tùng nhấn mạnh.