Cty CP Vận tải và Thương mại Đường sắt (Ratraco) đã tiên phong tìm đối tác lập ra Liên doanh đường sắt Logistics ITL và dự kiến sẽ chi gần 100 tỷ đầu tư bãi hàng này, với quyết tâm giành lại thị phần vận tải hàng hóa cho đường sắt Việt Nam (ĐSVN), vốn từ lâu đã “rơi rụng” vào tay các doanh nghiệp vận tải đường bộ…
Làm mới hình ảnh
Ga Yên Viên (Hà Nội) là một vị trí đầu mối, là điểm kết nối với tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, tuyến Bắc - Nam và tuyến đường sắt liên vận quốc tế với Trung Quốc. Từ đây, hàng hóa cũng có thể đi và đến các khu công nghiệp lớn trên địa bàn Hà Nội… Vì thế, Ratraco và đối tác là Cty Indo Tran tham vọng sẽ biến gần 2 héc ta mặt bằng hiện có tại ga này thành một trung tâm đường sắt logistics tầm cỡ khu vực phía Bắc.
“Bãi hàng này mới chỉ khai thác được khoảng 3.000m2, lưu lượng hàng hóa qua đây còn quá thấp. Nếu được đầu tư, bề mặt bãi sẽ chịu được những container lên đến 40 feet. Tương lai, nếu có thiết bị bốc xếp, nâng hạ hàng hiện đại thì mỗi ngày có thể sẽ xếp dỡ được 200 - 300 container. Xa hơn, sẽ hình thành tại đây một cảng cạn (ICD). Khi đó, doanh nghiệp có thể làm thủ tục hải quan ngay tại bãi hàng Yên Viên để xuất - nhập khẩu hàng hóa” – đại diện Liên doanh đường sắt Logistics ITL dự tính.
Theo tìm hiểu của PLVN, hiện mỗi ngày có khoảng 3.000 container hàng hóa từ Hải Phòng tỏa đi cả nước. Nhưng hiện tại, ĐSVN chỉ vận chuyển được một phần rất nhỏ (khoảng 40 container/ngày). “Cơ sơ hạ tầng thiếu đồng bộ, giá cước thiếu cạnh tranh… khiến ĐSVN gần như bị “trói buộc”, và đành chấp nhận đứng nhìn thị phần vận tải hàng hóa và cả hành khách của mình dần dần rơi vào tay các doanh nghiệp vận tải đường bộ, đường thủy” - một doanh nghiệp vận tải nhận xét.
Vì vậy, thông qua dự án bãi hàng này, ĐSVN mong muốn sẽ làm mới lại hình ảnh của mình sau nhiều năm bị chê là trì trệ, chậm đổi mới. Theo đó, khu vực ga Yên Viên sau khi được nâng cấp sẽ góp phần tăng tần suất tàu chạy của dịch vụ vận chuyển hàng hóa đường sắt thông qua ga này do năng lực xếp dỡ container, hàng hóa được dự báo sẽ tăng từ 3 - 5 lần.
Ngoài ra, việc áp dụng kết hợp Trung tâm logistics Yên Viên sẽ giúp chủ động giảm giá thành vận chuyển trọn gói bằng phương thức đường sắt, đường bộ, đường biển…, qua đó góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của đường sắt so với các phương tiện vận tải khác.
Đặc biệt, với việc tăng sản lượng vận tải qua đây, ĐSVN sẽ góp phần “chia lửa” cho vận tải hàng hóa qua đường bộ, hạn chế đáng kể tình trạng xe quá tải làm hư hỏng kết cấu hạ tầng trên các tuyến quốc lộ 5 và 18…
Đâu là “chìa khóa”?
Trao đổi với PLVN, đại diện Liên doanh đường sắt Logistics ITL cho hay, dự án trên sẽ được chia làm hai giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 sẽ được triển khai từ tháng 7/2015 đến tháng 1/2016, với mức đầu tư 60 tỷ đồng; giai đoạn 2 sẽ được đầu tư thêm 30 tỷ và kéo dài đến hết tháng 6/2016. Theo đó, phần đường sắt tại ga Yên Viên, cảng Chùa Vẽ (Hải Phòng), bãi hàng, hệ thống chiếu sáng, máy móc… sẽ phải được đầu tư xây mới để tăng năng lực vận tải, luân chuyển hàng hóa.
Tuy nhiên, để “phát súng mở màn” này được giòn giã, nhà đầu tư kiến nghị ít nhiều cần phải có sự can dự của Nhà nước. Vì thế, cần phân định cụ thể việc nào nhà đầu tư chi tiền, việc nào Nhà nước đứng ra hỗ trợ thì mới dễ triển khai trên thực tế.
“Chẳng hạn TCty ĐSVN cần đứng ra kết nối kỹ thuật đường H1 vào trục đường chính tuyến nhằm giảm thời gian tác nghiệp; xây dựng kết nối kỹ thuật đường sắt và các đường xếp dỡ tại các cảng biển Cái Lân, Tân Cảng, Lạch Huyện đến ga Yên Viên; đề xuất chấp thuận cơ chế hải quan giám sát cho hàng hóa xuất, nhập tại đây…” - Liên doanh đường sắt Logistics ITL đề xuất sự hỗ trợ từ Nhà nước.
Một vấn đề cũng không kém phần quan trọng, thậm chí được ví như chiếc “chìa khóa”, quyết định mức độ thành công của dự án xã hội hóa đầu tiên của ngành Đường sắt đó chính là vấn đề sức kéo. Bởi với đặc thù của vận tải đường sắt, ngoài hệ thống cầu đường, kho bãi… trung tâm logistic này chỉ phát triển được khi chủ động được sức kéo đối với đoàn tàu trong khi các doanh nghiệp thuộc ngành Đường sắt lại muốn “ôm” hệ thống đầu máy để phục vụ hoạt động kinh doanh của mình, đồng thời phân phối kinh doanh sức kéo khi trung tâm logistics này có nhu cầu vận tải hàng hóa.
Về lý, các doanh nghiệp vận tải của ĐSVN đưa ra phương án như vậy là không sai bởi họ cũng muốn có sức kéo để duy trì, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là sau khi cổ phần hóa. Nhưng trong bối cảnh Nhà nước kêu gọi xã hội hóa đầu tư thì nên có phương án để làm sao vừa thúc đẩy được sự phát triển của ngành Đường sắt nhưng đồng thời cũng đủ sức kích các nhà đầu tư ngoài ngành “đổ” vốn vào ĐSVN.
Về vấn đề này, một số ý kiến đề xuất nên tham khảo một số nước châu Âu, với mô hình một đơn vị trung gian đứng ra kinh doanh, cung cấp sức kéo cho các đơn vị kinh doanh vận tải khi có nhu cầu. Cách này được cho là sẽ nâng cao tính chuyên nghiệp đối với hoạt động của các doanh nghiệp thuộc hai lĩnh vực trên, đồng thời ngăn ngừa nguy cơ thâu tóm nguồn cung sức kéo có thể xảy ra…
Như đã nêu, dự án trên đến nay tuy vẫn còn một vài vấn đề cần xác định rõ cơ chế, nhưng về tổng thể nó vẫn được đánh giá là có tính khả thi cao. Vì thế, TCty ĐSVN kỳ vọng Dự án bãi hàng ga Yên Viên - “phát súng mở màn” cho hoạt động xã hội hóa đầu tư ngành Đường sắt sẽ thành công giòn giã trong năm nay, qua đó làm “mồi” thu hút các “ông lớn” ngoài ngành tham gia vào những dự án lớn hơn, như xây dựng tổ chức kinh doanh kết cấu hạ tầng, nhượng quyền khai thác tại một số tuyến đường sắt trọng điểm trong phạm vi cả nước.