Phát triển bóng đá trẻ để hướng tới World Cup

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Muốn tham dự World Cup 2030 và những World Cup sau đó, đội tuyển nam Việt Nam phải xây dựng tốt nền móng. Đó là phát triển giải Vô địch quốc gia và bóng đá trẻ.
Công tác đào tạo trẻ phải được chú trọng đặc biệt. (Ảnh minh họa: VFF)
Công tác đào tạo trẻ phải được chú trọng đặc biệt. (Ảnh minh họa: VFF)

World Cup 2026, bóng đá Việt Nam không có cơ hội tiếp cận. Nghĩ xa hơn là World Cup 2030, thậm chí là 2034..., nguồn lực để tham dự ngày hội bóng đá tầm cỡ đó phải được đào tạo, xây dựng ngay từ bây giờ. Các lứa cầu thủ 17 tuổi đến 20 tuổi (tính ở thời điểm năm 2023) khi đến thời điểm tổ chức World Cup 2030 và 2034 các cầu thủ này ở lứa tuổi từ 24 - 28 là lứa tuổi “vàng” cho bóng đá đỉnh cao.

Trong thông điệp đầu năm 2025, Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn nhấn mạnh rằng, xu thế tăng cường sử dụng cầu thủ nhập tịch đang diễn ra mạnh mẽ tại cả châu Âu và châu Á, góp phần nâng cao sức mạnh cho các đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, việc này được cân nhắc cẩn trọng, nhằm bảo đảm vừa giữ gìn bản sắc dân tộc, vừa phát huy tối đa sức mạnh tập thể để hướng đến những mục tiêu lớn hơn. Việc sử dụng cầu thủ nhập tịch trong đội tuyển quốc gia không chỉ tuân theo các quy định của FIFA mà còn dựa trên nguyện vọng của cầu thủ và sự phù hợp với tiêu chí chuyên môn, văn hóa.

Ông Tuấn cho rằng, công tác đào tạo trẻ phải được chú trọng đặc biệt và không thể trông đợi quá nhiều từ lực lượng nhập tịch. Từ các giải đấu trẻ U9, U11, U15, U17 đến U21, VFF đã chú trọng đặc biệt vào các lứa tuổi từ U15 đến U21 - giai đoạn “vàng” để các cầu thủ hoàn thiện tài năng và tích lũy kinh nghiệm. Các đội tuyển trẻ Việt Nam đã có cơ hội tập huấn và thi đấu giao hữu tại Nhật Bản, Qatar, Trung Quốc, Uzbekistan và nhiều quốc gia khác. Năm 2024 vừa qua, tất cả các đội trẻ, từ U16 đến U19 đều được tham gia các giải đấu giao hữu chất lượng cao, đối đầu với những đội mạnh như Uzbekistan, Nhật Bản và Hàn Quốc. “Với những nỗ lực đầu tư mạnh mẽ và chiến lược đúng đắn, bóng đá trẻ Việt Nam không chỉ tạo được một nền móng vững chắc mà còn bảo đảm sự ổn định và phát triển lâu dài cho đội tuyển quốc gia trong tương lai”, Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn khẳng định.

Để xây dựng một nền bóng đá phát triển bền vững, một trong những yếu tố cốt lõi là tạo ra các cơ chế hỗ trợ cho các câu lạc bộ, doanh nghiệp và các trung tâm đào tạo bóng đá trẻ trong việc hoàn thiện cơ sở vật chất. “Bởi lẽ, chỉ khi có cơ sở vật chất tốt, chúng ta mới có điều kiện phát triển tài năng thể thao, đáp ứng các tiêu chí và tiến độ phát triển dài hạn. Hiện nay, tại một số địa phương, vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là vấn đề sân bãi và quỹ đất dành cho bóng đá. Điều này đòi hỏi sự quan tâm và hỗ trợ từ các cấp chính quyền, từ Trung ương đến địa phương, để các câu lạc bộ có điều kiện phát triển ổn định và bền vững”, ông Tuấn chia sẻ quan điểm.

Ông Trần Anh Tú, Phó Chủ tịch VFF đặt vấn đề, để thực hiện được mục tiêu đưa bóng đá Việt Nam tới World Cup, trong công tác huấn luyện bóng đá cũng cần ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ, y học thể thao hiện đại trong tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng bóng đá. Việc hoàn thiện các mục tiêu như trong chiến lược đề ra cũng đòi hỏi phải có các giải pháp như phát triển các hoạt động kinh tế, dịch vụ trong lĩnh vực bóng đá; chuyên nghiệp hóa ở trình độ cao bóng đá ở cấp đội tuyển quốc gia, câu lạc bộ về cấu trúc, tổ chức, nhân sự, chuyên môn, thương mại, pháp lý, dịch vụ chăm sóc y tế. Đồng thời, Nhà nước cần đầu tư, thực hiện cơ chế xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT), hình thức đầu tư đối tác công - tư (PPP) để nhanh chóng phát triển và hoàn thiện cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ hoạt động bóng đá; sẵn sàng đăng cai tổ chức các giải bóng đá châu lục và thế giới.

Cùng với đó, VFF và các đối tác tập trung phát triển thị trường kinh doanh, dịch vụ bóng đá, đa dạng hóa các nguồn thu cho hoạt động bóng đá chuyên nghiệp; đối với bóng đá phong trào, bóng đá cộng đồng, bóng đá giải trí, Nhà nước khuyến khích và cần có cơ chế ưu đãi về thời hạn giao sử dụng đất, chính sách khuyến khích về thuế để vận động các nguồn lực xã hội tham gia phát triển, trong đó lưu ý tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng trẻ em tiếp cận với các cơ sở vật chất để tập luyện bóng đá; hoàn thiện hệ thống thi đấu theo mô hình hiện đại, tiếp cận và đạt tiêu chuẩn nhóm 10 quốc gia có nền bóng đá phát triển hàng đầu ở châu Á, đặt mục tiêu có mặt vòng chung kết FIFA World Cup trong giai đoạn 2030 - 2045.