Phát triển chợ truyền thống thành điểm du lịch đặc sắc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Mang giá trị văn hoá – đời sống của mỗi vùng miền, nhiều chợ truyền thống với tiềm năng phát triển thành điểm du lịch hấp dẫn đã được khai thác. Tuy nhiên, để trở thành điểm du lịch nổi bật, các khu chợ truyền thống vẫn còn nhiều vấn đề cần cải tạo.
Nhiều tiềm năng khi phát triển chợ truyền thống thành điểm du lịch. (Ảnh minh họa)
Nhiều tiềm năng khi phát triển chợ truyền thống thành điểm du lịch. (Ảnh minh họa)

Chợ truyền thống đã đủ sức hấp dẫn?

Tại nước ta, mỗi vùng miền đều có những địa chỉ chợ nổi tiếng thu hút khách du lịch. Nếu Hà Nội nức tiếng bởi chợ Đồng Xuân, xứ Huế đậm đà với chợ Đông Ba thì chợ Bến Thành lại là biểu tượng du lịch quen thuộc của TP HCM…

Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, nói đến chợ là nói đến một nét văn hóa dân gian, là biểu trưng của sự hội tụ và chắt lọc, vừa dung dị, hồn hậu lại vừa mới mẻ, tươi vui bởi sự sôi động, ồn ào. Cũng vì vậy mà chợ dân sinh truyền thống luôn có sức hút không chỉ với cư dân địa phương mà còn với cả du khách trong, ngoài nước. Nhiều người đi du lịch thường tranh thủ ghé vào các chợ địa phương, có khi mua bán thì ít mà thăm thú thì nhiều. Ra chợ là cách nhanh nhất để cảm nhận một không khí mang đậm bản sắc của vùng, miền. Hàng hóa ở chợ luôn tươi mới, phong phú, người dân thuận tiện mua bán, thoải mái mặc cả.

Tuy nhiên, trái ngược với sự hào hứng khi nghe đến danh tiếng chợ, nhiều khách du lịch cho biết khá thất vọng khi trải nghiệm du lịch tại chợ truyền thống. Bên cạnh một số ưu điểm thì sự khác biệt về văn hoá mua bán, chất lượng chưa tương xứng với giá cả hay những hình ảnh rác thải, mất vệ sinh bên trong khu chợ truyền thống phần nào làm mất đi hình ảnh trong mắt khách du lịch.

Chợ truyền thống cũng tồn tại nhiều bất cập về hình thức quản lý, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm của hàng hóa cũng như vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ và an ninh trật tự. Cơ sở hạ tầng của nhiều chợ đã xuống cấp không đảm bảo mỹ quan, vệ sinh an toàn, vẫn có tình trạng nâng giá vô tội vạ, bắt chẹt khách lạ, ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng.

Cùng với đó, hàng hóa được bày bán lộn xộn, thiếu khoa học. Trong đó, thực phẩm sống, chín bày bán lẫn lộn, không được che đậy, bảo quản đúng yêu cầu… gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Tình trạng trà trộn đưa hàng nhái, hàng không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc vào buôn bán trong chợ, nhất là ở các chợ nông thôn xa trung tâm, người dân thiếu kinh nghiệm trong khi công tác quản lý còn nhiều hạn chế, yếu kém.

Để chợ truyền thống thành tiềm năng du lịch

Thực tế, chợ truyền thống hoàn toàn có thể thay đổi được để tồn tại, phát triển mạnh mẽ với sự đầu tư về hạ tầng và tầm nhìn mang tính chiến lược lâu dài nhằm thu hút người dân, nhất là thị phần khách du lịch đến tham quan, mua sắm, ăn uống... Trên thế giới, nhiều quốc gia đã rất thành công trong việc “tạo hình” chợ truyền thống để thực sự đáp ứng được sự phát triển của xã hội.

Đơn cử như tại Hàn Quốc, các chợ truyền thống được phát triển hết sức mạnh mẽ không chỉ ở ngoài đời thực, mà còn trên cả màn ảnh nhỏ qua những bộ phim nổi tiếng. Hình ảnh những khu chợ được quy hoạch gọn gàng, sạch đẹp với rất nhiều sản phẩm hấp dẫn, cửa hàng truyền thống xen lẫn hiện đại, dịch vụ đi kèm thuận tiện đã thu hút người dân, du khách khi tới tham quan, mua sắm. Mỗi khu chợ ở Hàn Quốc đều nhộn nhịp và lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống lâu đời, vốn có. Khi tới Hàn Quốc, du khách sẽ không thể không ghé qua những khu chợ này, như: Dongdaemun, Namdaemun, Gwangjang, Tongin, Sinpo…

Các chợ truyền thống tại Việt Nam, nếu được quan tâm và tu bổ theo hướng phát triển du lịch cũng hứa hẹn tiềm năng lớn hút khách. Tại TP HCM, chợ Bến Thành đã hoạt động liên tục trong suốt một thế kỷ qua từ khi khánh thành - khu chợ cổ truyền thống đã được cải tạo và tu sửa vào năm 1985, những kiến trúc cơ bản vẫn được giữ lại nguyên vẹn. Nét kiến trúc đặc trưng của chợ Bến Thành là toà tháp với 4 chiếc đồng hồ ở 4 mặt phía trên cổng chính, cổng của 3 mặt còn lại có kiến trúc đơn giản hơn. Trên mỗi cổng đều có những bức phù điêu gốm vô cùng đặc sắc. Ngày nay chợ Bến Thành đã trở thành một điểm đến thu hút du khách trong và ngoài nước. Nơi đây thu hút khách bằng những mặt hàng phong phú, ẩm thực đa dạng và những màn “trả giá” độc đáo mang dấu ấn người Việt xưa và nay.

Nổi tiếng hơn trong thời gian gần đây, tại Đà Lạt, chợ truyền thống vốn là điểm đến hấp dẫn được nhiều người lựa chọn khi có thể mua được những sản phẩm đặc trưng với mức chi phí phải chăng.

Trong định hướng phát triển du lịch gắn với chợ cổ truyền, các trải nghiệm văn hoá được chú trọng. Trong đó, yếu tố tập quán mua bán của người dân được quan tâm hơn. Việc định hướng kết nối du lịch với một số chợ này hoàn toàn có cơ sở, bởi thực tế, chính hoạt động trải nghiệm không gian chợ truyền thống - trải nghiệm ẩm thực địa phương mới là yếu tố thu hút khách du lịch.

Tại khu phố cổ Hà Nội, phố Hàng Bè, từng là khu chợ tạm, nhưng nay vẫn bán nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống luôn là địa chỉ hấp dẫn với khách nước ngoài. Tại tỉnh Quảng Ninh, hiểu được giá trị du lịch chợ truyền thống, tỉnh đã chủ trương thu hút du khách về tham quan, thưởng thức ẩm thực tại chợ truyền thống. Đây là lợi thế, tiềm năng vô cùng lớn, “chìa khóa” để mở ra cơ hội thay đổi, phát huy lại những nét văn hóa đặc sắc của chợ truyền thống trong xu thế hội nhập.