Đã thực hiện hơn 27 triệu việc công chứng
Luật Công chứng (sửa đổi) được Quốc hội khoá XIII thông qua ngày 20/6/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015. Sau hơn 08 năm triển khai thực hiện, Luật Công chứng đã đi vào cuộc sống, đạt nhiều kết quả cụ thể, tiếp tục đóng góp tích cực vào việc thực hiện chủ trương xã hội hoá hoạt động công chứng; đảm bảo tính an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, giá trị sử dụng bản dịch, góp phần tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi, tin cậy cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại và góp phần quan trọng vào tiến trình cải cách hành chính và cải cách tư pháp.
Luật Công chứng năm 2014 đã kế thừa những quy định còn phù hợp của Luật Công chứng năm 2006, đồng thời bổ sung một số quy định nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên, nâng cao chất lượng hoạt động của công chứng, hoàn thiện một bước thể chế công chứng theo định hướng xã hội hoá, góp phần bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức tham gia các hợp đồng, giao dịch, ổn định và phát triển kinh tế.
Với việc triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2014, đội ngũ CCV và TCHNCC ở nước ta đang phát triển với tốc độ khá cao (số lượng CCV tăng 2,7 lần, số lượng TCHNCC tăng hơn 2 lần so với thời điểm Luật Công chứng có hiệu lực thi hành). Không chỉ tăng lên về số lượng, chất lượng đội ngũ CCV cũng có những tiến bộ đáng kể, quy mô và tính chuyên nghiệp của TCHNCC cũng được nâng cao.
Theo số liệu của Bộ Tư pháp, trong thời gian qua, các TCHNCC trên cả nước đã thực hiện hơn 27 triệu việc công chứng và gần 60 triệu việc chứng thực; tổng số phí công chứng thu được hơn 8 nghìn đồng, phí chứng thực thu được gần 350 tỷ đồng; tổng số thù lao công chứng được hơn 1.360 nghìn tỷ đồng; tổng số tiền nộp thuế và nộp ngân sách nhà nước hơn 1.600 tỷ đồng. Chiếm tỷ lệ đáng kể (từ 70 – 80%) số việc công chứng và giá trị phí, thù lao công chứng nêu trên là các việc công chứng hợp đồng, giao dịch về đất đai, nhà ở và các bất động sản khác, qua đó bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch đối với những tài sản có giá trị lớn, đóng vai trò là phương tiện sản xuất cơ bản trong nền kinh tế, đồng thời là tài sản có giá trị quan trọng đối với các cá nhân, tổ chức.
Việc công chứng các hợp đồng, giao dịch về đất đai, nhà ở còn góp phần quan trọng trong công tác quản lý nhà nước đối với quá trình luân chuyển sở hữu nhà, quyền sử dụng đất, tránh thất thoát nguồn thu thuế, giảm gánh nặng cho cơ quan tiến hành tố tụng thông qua việc giảm thiểu số lượng và quy mô các tranh chấp phát sinh từ việc thực hiện các giao dịch liên quan.
Chất lượng CCV còn nhiều hạn chế
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn triển khai thực hiện Luật Công chứng năm 2014 cũng cho thấy hoạt động công chứng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần phải được khắc phục. Đặc biệt, chất lượng của một bộ phận CCV còn hạn chế, một bộ phận còn yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, chấp hành không nghiêm các quy định của pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Trong những năm gần đây, các vụ án tranh chấp hợp đồng, giao dịch do công chứng viên chứng nhận bị cơ quan Tòa án tuyên hủy và tuyên vô hiệu ngày càng nhiều, chủ yếu xuất phát từ những sai sót, sai phạm xảy ra trong quá trình hành nghề của CCV.
Việc phát triển đội ngũ CCV còn thiếu tính quy hoạch để đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu chứng nhận hợp đồng, giao dịch; việc phân bổ CCV cũng chưa đồng đều, tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố lớn, còn các địa phương khác thì tình trạng khan hiếm CCV vẫn thường xuyên diễn ra và chưa có giải pháp hữu hiệu. Tình trạng xin rút hợp danh, gia nhập Văn phòng công chứng của CCV còn dễ dãi, thiếu kiểm soát, thực tế đã phát sinh một số tranh chấp giữa các thành viên hợp danh.
Bên cạnh đó, việc phát triển các TCHNCC chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng và phân bố hợp lý. Các tỉnh, thành phố có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển thì số lượng Văn phòng công chứng vượt quá so với nhu cầu dẫn đến cạnh tranh gay gắt, trong khi các địa bàn vùng sâu, vùng xa thì vẫn duy trì tình trạng “trắng” TCHNCC.
Thêm nữa, một bộ phận công chứng viên còn chưa nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của nghề công chứng, thiếu tu dưỡng, rèn luyện về chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, có trường hợp cố ý làm trái, không tuân thủ đúng trình tự, thủ tục công chứng theo quy định của pháp luật.
Có hiện tượng công chứng “khống”, công chứng “treo” tiếp tay cho việc trốn thuế, vi phạm pháp luật. Có nhiều trường hợp cạnh tranh không lành mạnh, chạy theo lợi nhuận. Trích hoa hồng, chiết khấu phí công chứng cho người yêu cầu công chứng, hoặc người môi giới việc công chứng tại văn phòng công chứng để thu hút những người này sử dụng dịch vụ công chứng của tổ chức mình.
Ngoài ra, trình tự, thủ tục công chứng còn nhiều điểm không phù hợp; chất lượng hoạt động công chứng có nơi, có lúc chưa đáp ứng được yêu cầu; hoạt động công chứng chưa bắt kịp tiến bộ và ứng dụng công nghệ thông tin trong bối cảnh nền kinh tế đang chuyển đổi số; công tác quản lý nhà nước, tự quản của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của CCV còn hạn chế…
Hoàn thiện các quy định pháp luật về CCV
Có thể thấy, trong điều kiện hiện nay, khi lĩnh vực công chứng đã được đưa vào xã hội hóa thì cùng với sự phát triển về số lượng, những yêu cầu về chất lượng của các CCV tại các văn phòng công chứng cũng cần phải được quan tâm, trong đó giải pháp tiên quyết là hoàn thiện pháp luật về công chứng.
Vì vậy, thời gian tới, phải xác định lấy CCV làm trung tâm của hoạt động công chứng, theo đó số lượng và phân bổ CCV được xác định căn cứ vào nhu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch của từng giai đoạn, từng khu vực; số lượng CCV là nhân tố quyết định số lượng TCHNCC; chữ ký và con dấu cá nhân của CCV là điều kiện cần và đủ để văn bản công chứng có hiệu lực; bảo đảm chất lượng đội ngũ CCV từ giai đoạn đào tạo, tập sự, bổ nhiệm và trong cả quá trình hành nghề. Bên cạnh đó, CCV phải không ngừng trau dồi, nâng cao bản lĩnh, tri thức, trách nhiệm nghề nghiệp trong quá trình hành nghề; có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết yêu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức một cách nhanh chóng, kịp thời.
Nâng cao kỹ năng vận dụng kiến thức pháp luật và kỹ năng nghiệp vụ rất quan trọng đối với mỗi công chứng viên khi thực hiện việc chứng nhận các hợp đồng, giao dịch nhằm phát sinh hiệu lực và đảm bảo các giá trị của văn bản công chứng. Do đó, để văn bản công chứng không bị tranh chấp, không bị cơ quan Tòa án tuyên “vô hiệu” hay “hủy” thì việc cập nhật, vận dụng đúng kiến thức pháp luật, kỹ năng công chứng và kinh nghiệm hành nghề là vô cùng quan trọng đối với CCV.
Về TCHNCC, phải phát triển các TCHNCC có kiểm soát phù hợp với nhu cầu, số lượng và phân bổ CCV, gắn với địa bàn dân cư, bảo đảm đáp ứng đầy đủ, kịp thời yêu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức; không tập trung nhiều TCHNCC trên một khu vực; tiếp tục đổi mới các Phòng công chứng bảo đảm tinh gọn, cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, hoạt động hiệu quả, giữ vai trò chủ đạo, then chốt trong thị trường dịch vụ công chứng phục vụ nhiệm vụ chính trị.
Xây dựng cơ chế phối hợp về chuyên môn, nghiệp vụ giữa các tổ chức hành nghề công chứng với nhau, và với các cơ quan khác; thường xuyên cập nhật kịp thời, nhanh chóng, chính xác các dữ liệu công chứng trên phần mềm quản lý, khai thác và sử dụng thông tin công chứng, đảm bảo tính kịp thời cho các tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên khác cần khai thác đạt được hiệu quả cao nhất, tránh xảy ra tranh chấp về sau; thường xuyên tổ chức các chương trình hội thảo, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề về kỹ năng, kinh nghiệm giải quyết khó khăn, vướng mắc hoặc mời các báo cáo viên, chuyên gia hướng dẫn nhận biết giấy tờ, chữ viết, dấu vân tay giả hay “người giả” khi chứng nhận hợp đồng, giao dịch trong hoạt động công chứng.
Ngoài ra, phải quy định linh hoạt hơn về trình tự, thủ tục nhưng vẫn bảo đảm các nguyên tắc cơ bản của hoạt động công chứng nội dung; tạo lập nền tảng pháp lý cần thiết để triển khai việc chuyển đổi số trong hoạt động công chứng phù hợp với xu thế và yêu cầu của thời kỳ mới; phát huy trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của CCV phù hợp với quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế…