Phát triển du lịch y tế tại Việt Nam - Tại sao không?

(PLVN) - Du lịch y tế sẽ là một trong sáu xu hướng phát triển du lịch thế giới trong tương lai, cùng với xu hướng du lịch có trách nhiệm, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch thông minh và du lịch sáng tạo; đó là dự báo của tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO).
Phát triển du lịch y tế ở Việt Nam có nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức

Tìm ra “xương sống”

Du lịch y tế là một xu hướng đang bùng nổ trên thế giới. Cùng với những cường quốc như Anh, Mỹ, Canada; nhiều nước châu Á như Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc đã chọn đây là một trong những ngành xương sống để thu hút người nước ngoài đến khám chữa bệnh.

Đơn cử, năm 2015, Hàn Quốc được công nhận là thị trường phẫu thuật thẩm mĩ lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Mỹ và Brazil, có giá trị ước tính lên tới 5 nghìn tỷ won, chiếm một phần tư giá trị ngành trên toàn thế giới. Còn ở Nhật Bản, mô hình du lịch thường được ưa chuộng là du lịch chữa bệnh ung thư. 

Du lịch y tế ở Việt Nam hiện đang ở giai đoạn bắt đầu

Tại Việt Nam, theo thống kê, trong năm 2018, đã có khoảng 300.000 người nước ngoài đến khám nội trú và 57.000 người được điều trị nội trú. Chỉ riêng TP HCM đã chiếm khoảng 40% thị phần này, với các xu hướng y học cổ truyền, nha khoa và thẩm mỹ. Theo đó, lượng khách nước ngoài đến Việt Nam chữa bệnh kết hợp du lịch tăng dần qua các năm, doanh thu đạt tới 2 tỷ USD. 

Để khai thác tiềm năng phát triển du lịch y tế, Sở Du lịch và Sở Y tế TP HCM đã có nhiều chương trình phối hợp cùng thực hiện như năm 2018 xây dựng cẩm nang du lịch y tế, năm 2019 tạo app để tra cứu các dịch vụ khám cữa bệnh giúp du khách đễ dàng truy cập tìm hiểu thông tin, đăng ký các dịch vụ qua internet.

Theo đó, các bệnh viện trên địa bàn TP đã giới thiệu những sản phẩm du lịch y tế dành cho du khách như ứng dụng y học cổ truyền trong làm đẹp thẩm mỹ, với kĩ thuật cấy chỉ trong chăm sóc da và làm đẹp dành cho khách du lịch; tầm soát ung thư phụ khoa và điều trị hiếm muộn dành cho du khách; sàng lọc các bệnh lý về tim mạch và hướng điều trị chuyên sâu dành cho du khách; giới thiệu các gói dịch vụ nha khoa dành cho du khách. 

Bệnh viện Bumrungrad (Thái Lan) được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, đạt tiêu chuẩn quốc tế về du lịch y tế

Đơn cử, bác sĩ có thể giao tiếp thành thạo bằng nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp, Hàn Quốc… là yếu tố thu hút người nước ngoài đến khám chữa bệnh của Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP.HCM. Không chỉ răng hàm mặt, y học cổ truyền, thụ tinh nhân tạo đang là những sản phẩm y tế thu hút du khách. Đặc biệt với lượng lớn ca thụ tinh nhân tạo thành công, thụ tinh nhân tạo của Việt Nam đang trở thành sản phẩm thu hút người nước ngoài đến khám chữa bệnh.

Đến nay, nhiều bệnh viện tại TP HCM đã có quy trình khám chữa bệnh riêng dành cho khách nước ngoài, các gói dịch vụ riêng kèm theo giá cụ thể, tạo thuận lợi cho các công ty lữ hành giới thiệu, chào bán tour cho du khách về các sản phẩm du lịch y tế.

Cần một “nhạc trưởng”

Việc triển khai du lịch y tế sẽ góp phần thu hút thêm khách nước ngoài, tăng từ 10 - 20% tại các bệnh viện. Tuy nhiên, trong khi con số du khách nước ngoài đến Việt Nam có thể nắm bắt dễ dàng, thì số người nước ngoài khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế trong nước lại khó thống kê. 

Đơn cử, những bệnh nhân người Campuchia khám bệnh ở bệnh viện đại học Y dược vì những bệnh mà nước họ chưa chữa được hoặc chữa bệnh chưa hiệu quả thì có được coi là khách du lịch y tế hay không còn là câu hỏi khó. 

Trong số những bệnh nhân này, bao nhiêu người sang khám chữa bệnh rồi du lịch thưởng ngoạn như một du khách y tế thật sự. Do đó, nhiều ý kiến nhận định du lịch y tế Việt Nam mới chỉ dừng ở phát tờ rơi quảng bá. 

So với Thái Lan và Malaysia được đánh giá làm du lịch y tế rất bài bản, trở thành ngành mũi nhọn du lịch. Các bệnh viện của họ mở văn phòng đại diện ở các nước, tiếp thị quảng bá qua nhiều kênh, đón khách chu đáo từ sân bay rồi đưa đến bệnh viện, tổ chức lưu trú và tham quan.

Trên thực tế, có rất nhiều rào cản khiến các cơ sở y tế Việt Nam khó làm du lịch y tế, như nhân viên y tế không đủ ngoại ngữ giao tiếp, chữa bệnh không được bảo hiểm y tế nước ngoài thanh toán, và khó khăn nhất vẫn là các cơ sở y tế công lập muốn làm mô hình này phải có chứng nhận chất lượng quốc tế để xây dựng uy tín với du khách. 

Bệnh viện quốc tế Bumrungrad (Thái Lan) nổi tiếng thế giới về du lịch y tế, là bệnh viện tư nhân. Nhưng thành công của họ không thể thiếu sự hỗ trợ về chủ trương và chính sách của nhà nước. Đồng quan điểm, theo các chuyên gia Hàn Quốc, du lịch y tế Việt Nam cần sự kết nối, phải được xác định là ngành chủ lực. Tại Busan, Hàn Quốc, một đơn vị là Hiệp hội Du lịch Y tế đã được lập ra, đóng vai trò kết nối du khách cho các bệnh viện và quảng bá ngành y tế của nước nhà ra nước ngoài.

Quả thực, đối với loại hình này, tiềm năng ở Việt Nam đã có. Tuy nhiên, phải chăng vẫn còn thiếu một “nhạc trưởng” để đánh thức sản phẩm du lịch này, hoà nhịp với xu hướng chung của thế giới./.