Phát triển hạ tầng giao thông: “Điểm sáng” năm 2022 của Bộ Giao thông vận tải

(PLVN) - Năm 2022, Bộ Giao thông vận tải đã quyết liệt thực hiện hiệu quả các dự án, công trình hạ tầng giao thông. Đây được cho là một trong những “điểm sáng” của Bộ này trong năm qua.
Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy báo cáo tổng kết năm 2022 của Bộ GTVT
Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy báo cáo tổng kết năm 2022 của Bộ GTVT

Tham mưu xử lí nhiều vấn đề phức tạp

Chiều nay 13/1, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023 của ngành GTVT. Theo ông Nguyễn Danh Huy – Thứ trưởng Bộ GTVT, năm 2022, đơn vị này đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.

Một trong những “điểm sáng” rất quan trọng của Bộ GTVT trong năm qua là công tác đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Ngay từ đầu năm, Bộ GTVT đã thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư các dự án khởi công mới giai đoạn 2021-2025. Đây là giai đoạn mà Quốc hội, Chính phủ tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn lực lớn để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó ưu tiên các dự án quan trọng có tính chất động lực phục vụ phát triển kinh tế xã hội, với mục tiêu đến năm 2025 cả nước ta sẽ có khoảng 3.000 km đường bộ cao tốc và cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau; hoàn thành giai đoạn 1 Cảng hàng không Quốc tế Long Thành; chuẩn bị đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và triển khai một số dự án nâng cấp, đầu tư mới các cảng hàng không, cảng biển, luồng hàng hải - đường thủy nội địa quan trọng khác.

“Với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm, ngay từ đầu năm 2022, Bộ GTVT đã tập trung nguồn lực, chỉ đạo các cơ quan tham mưu làm việc không kể ngày đêm, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để lần đầu tiên trong một năm đã trình và được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư 6 dự án quan trọng quốc gia. Bên cạnh đó, Bộ đã kịp thời trình, phê duyệt chủ trương đầu tư 54 dự án nhóm A, B, C”, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy báo cáo tại Hội nghị.

Cũng theo lãnh đạo Bộ GTVT, năm qua, công tác quản lý chất lượng, tiến độ các dự án cũng đã đạt được những kết quả quan trọng. Đặc biệt, để tháo gỡ khó khăn đối với các dự án quan trọng quốc gia, Bộ GTVT đã tập trung rà soát, kịp thời tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, xử lý nhiều vấn đề quan trọng, phức tạp. Trong đó, đã tham mưu thành lập Ban chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT; tham mưu ban hành 02 Nghị quyết của Chính phủ về việc áp dụng cơ chế đặc thù bảo đảm nguồn vật liệu thi công; tham mưu Chính phủ chỉ đạo công bố kịp thời giá và chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng hằng tháng, xử lý nghiêm hành vi đầu cơ, nâng giá, ép giá vật liệu xây dựng, hướng dẫn việc điều chỉnh giá hợp đồng do ảnh hưởng của biến động giá…

Quang cảnh hội nghị tổng kết công tác năm 2022 của Bộ GTVT

Quang cảnh hội nghị tổng kết công tác năm 2022 của Bộ GTVT

Thực hiện tốt nhiều dự án

Năm 2022, Bộ GTVT đã khởi công 18 dự án, hoàn thành đưa vào khai thác 22 dự án. Việc quản lý, thực hiện các dự án giao thông trong năm qua được lãnh đạo Bộ này cho rằng đã thực hiện tốt. Cụ thể, với đường bộ, Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đã hoàn thành đưa vào khai thác đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, đoạn Cam Lộ - La Sơn và thông xe kỹ thuật 3 đoạn là Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây. Đầu năm 2023 đã khởi công 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025. Ngoài ra, Bộ này đã phê duyệt dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để phê duyệt các dự án đường bộ cao tốc khác thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vào đầu năm 2023.

Về hàng không, Bộ GTVT đã hoàn thành đưa vào khai thác trước 30/4/2022 Dự án đường cất hạ cánh và đường lăn tại Cảng HKQT Nội Bài và Tân Sơn Nhất; đã khởi công nhà ga hành khách T3, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất; các cơ quan, đơn vị đang triển khai quyết liệt Dự án Cảng HKQT Long Thành (giai đoạn 1) theo đúng kế hoạch; đang tích cực thực hiện các dự án Cảng hàng không Điện Biên, Cát Bi, Côn Đảo…

Về đường sắt, hoàn thành đưa vào khai thác 2 dự án thuộc nhóm các dự án đường sắt quan trọng, cấp bách trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh; đã quyết định đầu tư 5 dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; tiếp thu, hoàn chỉnh hồ sơ theo ý kiến của Hội đồng thẩm định Nhà nước đối với Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Phối hợp với UBND TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đường sắt đô thị, phấn đấu cơ bản hoàn thành đoạn trên cao Nhổn - Ga Hà Nội trong năm 2022, hoàn thành dự án Bến Thành - Suối Tiên vào cuối năm 2023 để đưa vào vận hành năm 2024.

Với hàng hải và đường thủy nội địa, Bộ này đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành một số Dự án như Dự án luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu (giai đoạn 2), Dự án nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo (giai đoạn 2), Dự án kênh nối Đáy - Ninh Cơ đang triển khai thi công bám sát tiến độ hoàn thành năm 2023…

Kế hoạch năm 2023, Bộ GTVT đặt mục tiêu hoàn thiện thủ tục đầu tư để khởi công 23 dự án mới, hoàn thành 29 dự án. Phấn đấu giải ngân tối thiểu 90% kế hoạch năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao (được giao khoảng 94.161 tỷ đồng).

Năm 2022 giải ngân gần 48.000 tỷ đồng

Tính đến 31/12/2022, Bộ GTVT giải ngân được 47.905 tỷ đồng, khoảng 87% kế hoạch bao gồm cả phần vốn mới được giao bổ sung vào tháng 10/2022; dự kiến hết năm tài chính, sẽ giải ngân được 95,7% tổng kế hoạch được giao.

Đọc thêm