Phát triển ngành phân phối Việt Nam: Chuyên gia góp ý phát huy vai trò chợ truyền thống

(PLVN) - Ngành phân phối Việt Nam hiện nay đang khá lệch lạc khi chỉ chú tâm vào phát triển các hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại mà quên đi mô hình chợ truyền thống. Hàng loạt chợ truyền thống “vang bóng một thời” ở Hà Nội đã đi vào quên lãng khi các mô hình trung tâm thương mại (TTTM) đang mọc lên ngày càng nhiều…
Các mô hình chợ truyền thống cần được “đánh thức” trở lại
Các mô hình chợ truyền thống cần được “đánh thức” trở lại

Mô hình bán lẻ hiện đại phát triển nóng…

Theo báo cáo của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), thị trường bán lẻ Việt Nam đã và đang có sự phát triển mạnh do lợi thế dân số đông trên 90 triệu người, trong đó người trẻ chiếm tỷ lệ cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2018 của Việt Nam đạt quy mô khoảng 4,4 triệu tỷ đồng (tương đương với 190 tỷ USD), với mức tăng trưởng là 11,7% so với năm 2017.

Cùng với sự hội tụ của công nghệ vào lĩnh vực bán lẻ, thị trường bán lẻ hiện đại tại Việt Nam ngày càng trở nên cạnh tranh và hấp dẫn hơn với sự xuất hiện những xu hướng mới như bán hàng trực truyến, bán hàng đa kênh (omni channel)... Do vậy, thị trường bán lẻ Việt Nam có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. 

Theo báo cáo Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI) được công bố bởi Công ty tư vấn A.T Kearney (Mỹ), Việt Nam xếp vị trí thứ 6 và nằm trong top 30 quốc gia đang phát triển có thị trường bán lẻ sôi động nhất thế giới. Trong đó, sự phát triển mô hình bán lẻ hiện đại đang ở vào giai đoạn mạnh mẽ nhất với hàng loạt các cửa hàng tiện ích mọc lên trong các ngõ ngách nhỏ. 

Việt Nam hiện đang có hơn 1,4 triệu cửa hàng bán lẻ, trong đó có khoảng 9.000 chợ truyền thống nhưng số phận chợ truyền thống đã gần như mờ nhạt khi các TTTM mọc lên như nấm. Thậm chí, ở một số tỉnh, thành, các TTTM còn mọc ngay sát cạnh chợ truyền thống, gây áp lực cạnh tranh mạnh với chợ truyền thống. Ở Hà Nội, một loạt chợ vang bóng một thời như chợ Mơ, chợ Hàng Da… đã “chết” trong “cơn lốc” chuyển đổi chợ truyền thống sang mô hình chợ - TTTM. Mặc dù Hà Nội đã dừng các dự án chuyển đổi này nhưng chợ truyền thống đã không thể lấy lại được thế mạnh vốn có của nó. 

Và mô hình chợ truyền thống sẽ dần rơi vào quên lãng nếu không có cảnh báo gần đây của một nhóm các nhà nghiên cứu từ Hàn Quốc và Việt Nam. Báo cáo nghiên cứu này nằm trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng năng lực nhằm phát triển toàn diện ngành công nghiệp phân phối của Việt Nam”, do Bộ Công Thương Việt Nam hợp tác với Viện Phát triển Cải cách Hàn Quốc thực hiện.  

Lợi thế theo tập quán tiêu dùng người Việt 

Báo cáo của nhóm các nhà nghiên cứu này cho thấy, cần phải có các chính sách hợp tác win - win (cùng chiến thắng) và đã đưa ra nhiều trường hợp cụ thể nhằm nâng cao cạnh tranh và phát triển trong ngành công nghiệp phân phối tại Việt Nam. Trong đó xác định các vấn đề khẩn cấp và nghiêm trọng nhất trong việc phát triển ngành phân phối Việt Nam có liên quan đến tốc độ phát triển thị trường phân phối Việt Nam. 

Dựa vào kết quả và kinh nghiệm của thị trường phân phối Hàn Quốc, các nhà nghiên cứu cho rằng xung đột giữa mô hình phân phối quy mô lớn, hiện đại và chợ truyền thống chính là vấn đề cốt lõi. Do vậy, để phát triển và quản lý ngành phân phối, bên cạnh việc tìm giải pháp dung hòa về tăng trưởng giữa khối DN đầu tư nước ngoài và DN nội địa, DN lớn và DN vừa và nhỏ, thì cần phát huy được vai trò của chợ truyền thống trong tập quán tiêu dùng của người Việt Nam.

Kiến trúc sư Stephen Davies (Mỹ), một chuyên gia quốc tế với hơn 40 năm kinh nghiệm nghiên cứu phát triển chợ truyền thống tại nhiều nước cho biết, ông đã chứng kiến, nhiều đô thị trên thế giới sau khi phá bỏ chợ truyền thống lại đang khôi phục những khu chợ này. Chính quyền các thành phố phải đầu tư vốn để nâng cấp các khu chợ truyền thống, coi đó là địa điểm giao thương và trung chuyển, tập trung rất nhiều hoạt động của thành phố.

Theo ông này, các chợ cần phải được hiện đại hóa, nhưng điều đó không có nghĩa là bị biến thành các TTTM hoặc đưa xuống tầng hầm của một TTTM như Hà Nội đã làm. Trên thế giới, người ta hiện đại hóa các khu chợ với những kết cấu, hạ tầng, tiện ích điện nước, quầy hàng và tiện ích cho khách hàng. Nhưng đó vẫn phải là những khu chợ và giữ được các chức năng hoạt động cơ bản và bản sắc. 

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cũng cho rằng, để phát triển toàn diện ngành phân phối tại Việt Nam, cần giải quyết 4 vấn đề cấp bách. Trong 4 vấn đề ông Đông đưa ra, có  2 vấn đề liên quan đến chợ truyền thống như cần giải quyết sự mâu thuẫn của phân phối hiện đại và phân phối truyền thống.

Ngoài ra, cần phát triển hài hòa giữa kinh doanh trực tuyến và phi trực tuyến. Theo ông Đông, các hoạt động trực tuyến, thương mại điện tử, dịch vụ truyền hình, điện thoại ngày càng phát triển với tốc độ rất cao. Vì vậy, cần có định hướng phát triển hài hòa giữa các hoạt động này để đảm bảo không có sự phát triển quá lệch lạc giữa các mô hình phân phối hiện đại và mô hình phân phối truyền thống.  

Đọc thêm