Phát triển SCIC trở thành tổ chức đầu tư tài chính có quy mô vốn chủ sở hữu hàng đầu tại Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau 17 năm hoạt động, lần đầu tiên Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển với định hướng trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp của Chính phủ…
Hội nghị triển khai Quyết định 1336/QĐ-TTg. (Nguồn ảnh: SCIC).
Hội nghị triển khai Quyết định 1336/QĐ-TTg. (Nguồn ảnh: SCIC).

Đầu tư vốn nhà nước hiệu quả

Cùng với việc đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước (NN) tại các doanh nghiệp (DN), đầu tư kinh doanh vốn NN là một trong 2 chức năng của SCIC. Chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/8/2006, trong hơn 17 năm qua, SCIC đã tiếp nhận 1080 DN (bao gồm 25 tập đoàn, tổng công ty) với tổng vốn NN hơn 32.339 tỷ đồng; Đã triển khai bán vốn thành công tại 1.054 DN (bán hết vốn tại 950 DN, bán bớt vốn 104 DN, bán quyền mua tại 19 DN), tổng giá trị thu về 51.668 tỷ đồng, gấp 4,1 lần giá vốn.

Từ việc tích tụ, tập trung vốn thông qua cổ phần hoá, tái cơ cấu, bán vốn NN tại các DN thuộc ngành, lĩnh vực NN không cần nắm giữ vốn, SCIC đã đầu tư trở lại vào các DN, dự án, các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế mà NN cần nắm giữ, chi phối hoặc định hướng đầu tư. Qua hơn 17 năm hoạt động, SCIC đã tạo ra tổng doanh thu 110.432 tỷ đồng, tổng lợi nhuận 85.863 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân trong cả giai đoạn 13%/năm, nộp ngân sách nhà nước 92.245 tỷ đồng.

Đáng chú ý, “siêu” Tổng công ty đã triển khai thành công bước đầu mô hình DNNN thực hiện chức năng đầu tư, kinh doanh vốn NN vào nền kinh tế với tổng vốn đã giải ngân đến thời điểm hiện nay là hơn 37.600 tỷ đồng, kết quả ĐT bảo toàn vốn và đạt hiệu quả tốt.

Một số khoản đầu tư đạt kết quả tốt như trở thành cổ đông chiến lược của Ngân hàng Quân đội (MB) với hiệu quả thu được ước tính là 5.775 tỷ đồng; đầu tư 1.600 tỷ đồng mua cổ phiếu phát hành thêm của Vinaconex (VCG) và đã thoái toàn bộ vốn tại VCG, thu về khoản lãi 4.800 tỷ đồng…

Ngoài ra, SCIC cũng mua trái phiếu Chính phủ, trái phiếu DN với 6.850 tỷ đồng thu về 2,318 tỷ đồng trái tức (trái tức bình quân của trái phiếu đầu tư 17%); đầu tư theo chỉ định của Chính phủ 7.936 tỷ đồng (hiện đã rút vốn thành công 1.036 tỷ đồng theo chỉ đạo của Chính phủ).

Đáng chú ý, SCIC đã từng bước thực hiện tốt chức năng xúc tiến đầu tư, hợp tác với các Quỹ, tổ chức tài chính quốc tế như hợp tác với Cơ quan ĐT Oman (OIA) thành lập Công ty đầu tư Việt Nam - Oman và đã thu hút vốn và giải ngân được 250 triệu USD; đã tiếp xúc, làm việc trực tiếp với các Quỹ đầu tư Chính phủ của một số nước Vùng Vịnh như Qatar, Kuwait, Abu Dhabi… và nghiên cứu đề án thành lập quỹ đầu tư vào các DN tư nhân Việt Nam (PE Fund) với các nhà đầu tư Hàn Quốc (Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc - KDB, Mirae Asset…).

Chặng đường mới

Chủ tịch Hội đồng Thành viên SCIC Nguyễn Chí Thành khẳng định, đầu tư là lĩnh vực hoạt động kinh doanh cốt lõi, quyết định thành công của mô hình SCIC, giúp SCIC thể hiện rõ vai trò nhà đầu tư của Chính phủ, đồng thời tăng cường mối liên kết với những DN thuộc diện nắm giữ vốn lâu dài và các đối tác trong và ngoài để tận dụng các cơ hội thị trường.

“Điều này càng đặc biệt có ý nghĩa với SCIC khi giai đoạn từ 2025 trở đi nhiệm vụ tiếp nhận, cổ phần hoá, tái cơ cấu, bán vốn tại các DNNN không cần nắm giữ vốn cơ bản đã hoàn thành và danh mục DN chuyển giao về SCIC được dự báo sẽ giảm dần cả về số lượng và giá trị, đòi hỏi SCIC phải chuyển trọng tâm nhiệm vụ sang hoạt động đầu tư kinh doanh vốn” - ông Thành nhấn mạnh.

Ngày 10/11/2023, Thủ tướng đã có Quyết định 1336/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035 (Chiến lược phát triển); Kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn đến 2025 (Kế hoạch 5 năm) của SCIC.

Chiến lược nêu rõ, củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của SCIC để thực hiện tốt và có hiệu quả vai trò là định chế, công cụ của Chính phủ để hỗ trợ, thúc đẩy tiến trình cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới DNNN; thực hiện đầu tư kinh doanh vốn theo cơ chế thị trường và nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; từng bước chuyển đổi mô hình hoạt động của SCIC theo mô hình tổ chức đầu tư chuyên nghiệp, định hướng sau năm 2025 SCIC trở thành tổ chức đầu tư tài chính có quy mô vốn chủ sở hữu hàng đầu tại Việt Nam.

Chiến lược đặc biệt nhấn mạnh việc củng cố SCIC để bảo đảm đủ các nguồn lực tài chính, quản trị để tập trung thực hiện nhiệm vụ đầu tư kinh doanh vốn, đầu tư và phát triển các dự án có quy mô lớn, quan trọng, điều hành và định hướng phát triển các công ty con theo chiến lược phát triển của SCIC; hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo từng giai đoạn.

Đồng thời thực hiện đầu tư kinh doanh vốn theo cơ chế thị trường và nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; từng bước chuyển đổi mô hình hoạt động của SCIC theo mô hình tổ chức đầu tư chuyên nghiệp, định hướng sau năm 2025 SCIC trở thành tổ chức đầu tư tài chính có quy mô vốn chủ sở hữu hàng đầu tại Việt Nam.

“SCIC sẽ triển khai nghiên cứu xây dựng “Đề án chuyển đổi mô hình hoạt động của SCIC thành tổ chức đầu tư tài chính chuyên nghiệp để thực hiện tốt vai trò nhà đầu tư của Chính phủ” với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước; trên cơ sở hợp tác với các tổ chức tư vấn tài chính quốc tế có uy tín báo cáo các cơ quan có thẩm quyền và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để triển khai thực hiện…” - ông Thành cho hay.

Đọc thêm