Phát triển thêm xe buýt nhanh (BRT) ở Hà Nội: Tránh lặp lại thất bại

(PLVN) - Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng TP Hà Nội vừa kiến nghị UBND thành phố và Sở Giao thông Vận tải Hà Nội ưu tiên triển khai 14 tuyến đường dành riêng cho xe buýt. 
BRT Hà Nội chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng.
BRT Hà Nội chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng.

Tuy nhiên, với hoạt động như hiện nay, xe buýt nhanh (BRT) ở Hà Nội chưa đem lại hiệu quả cao như kỳ vọng, lượng khách thưa thớt gây lãng phí hạ tầng giao thông. Nhiều ý kiến cho rằng việc đầu tư và phát triển thêm những làn đường riêng dành cho loại hình phương tiện này là thiếu khả thi.

Hiệu quả không cao

Trong số 14 tuyến đường được Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng TP Hà Nội đề xuất ưu tiên triển khai có 4 tuyến đường trục chính đủ điều kiện đã được nghiên cứu trong giai đoạn 2019-2020, gồm: Nguyễn Trãi - Trần Phú (Hà Đông) đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Trắng (Hà Đông) dài 5km; tuyến đường Pháp Vân - Giải Phóng - Đại Cồ Việt dài 4,7km; tuyến đường Nguyễn Văn Cừ - Ngô Gia Tự 5,9km; tuyến đường Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Linh Đàm dài 9,6km.

Còn lại 10 tuyến thực hiện theo Kế hoạch số 201/KH-UBND của UBND TP Hà Nội ban hành ngày 16/10/2020 về phát triển vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố giai đoạn từ năm 2021-2030.

Hà Nội là địa phương có tuyến BRT đầu tiên trên cả nước. Khởi công xây dựng từ năm 2013 và đưa vào sử dụng từ năm 2017, dự án BRT Hà Nội có lộ trình Bến xe Kim Mã - Bến xe Yên Nghĩa với tổng chiều dài khoảng 14,7km và chiều rộng mặt đường dành riêng cho loại hình này là khoảng 3,75m gồm 21 nhà chờ xe buýt nằm trên dải phân cách giữa đường. Trên các tuyến phố trong lộ trình sẽ có làn đường chỉ dành riêng cho xe buýt nhanh.

Được đầu tư trên 1.000 tỷ đồng từ vốn vay ODA của Ngân hàng thế giới nhưng sau khoảng 4 năm đi vào sử dụng, ngoài việc “chiếm dụng” 1/3 diện tích đường, buýt nhanh BRT thuộc Dự án Phát triển giao thông đô thị Hà Nội do Sở Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư còn được đánh giá là kém hiệu quả, không đáp ứng kỳ vọng.

Với một đô thị có quy mô dân số lớn như Hà Nội, yêu cầu về một loại phương tiện giao thông công cộng có sức chuyên chở lớn, vận hành liên tục, có khả năng thay thế phương tiện cá nhân, là điều bắt buộc để giải quyết ùn tắc giao thông.

BRT với làn đường riêng, có thể xuyên qua thành phố như một đoàn tàu, với lợi thế về sự an toàn cũng như tốc độ, trong khi đầu tư dễ dàng hơn đường sắt, hiển nhiên là lựa chọn số một.

Nhưng sau hơn 3 năm vận hành chỉ có trung bình hơn 10.000 lượt người sử dụng mỗi ngày, con số quá nhỏ trên một trục đường hướng tâm của thành phố gần chục triệu dân. Theo PV ghi nhận, tuyến đường có BRT lại thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng.

Đây là những tuyến đường có lưu lượng phương tiện lưu thông tương đối lớn tuy nhiên diện tích mặt đường dành cho các phương tiện còn hạn chế. Các phương tiện di chuyển gặp rất nhiều khó khăn, xe ô tô, xe máy đi hỗn hợp trên làn đường hẹp. Do ùn tắc giao thông, xe máy đi cả lên vỉa hè để thoát ra khỏi khu vực, một số phương tiện thì lấn vào làn BRT. 

Tháng 9/2018 Thanh tra Chính phủ có Kết luận số 1468/KL-TTCP về quá trình khảo sát, thiết kế, thẩm định phê duyệt kế hoạch cũng như đầu tư xây dựng của dự án xe buýt nhanh BRT (Hà Nội) hợp phần 1 có nhiều sai phạm gây thất thoát ngân sách cần phải được làm rõ.

Đánh giá xe buýt BRT được bố trí làn đường riêng chiếm 1/3 mặt cắt ngang của các trục đường hiện có nhưng tốc độ chưa đạt yêu cầu, trong khi hiện trạng lưu lượng giao thông trên tuyến rất lớn, nên thường xuyên gây ùn tắc trong giờ cao điểm. Theo kết luận thanh tra, dù được đầu tư với số tiền rất lớn nhưng dự án chưa đạt được hiệu quả như mong đợi, chưa đạt mục tiêu đề ra và có nhiều vấn đề trong suốt quá trình khảo sát, đầu tư xây dựng dự án.

Thất bại có lặp lại?

Xe buýt nhanh BRT là một trong ba hợp phần của Dự án Đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội được phê duyệt với tổng vốn đầu tư cả nghìn tỉ đồng, nhằm kỳ vọng sẽ giải bài toán ùn tắc giao thông. Nhưng kể từ khi vận hành vào năm 2017, nhiều tuyến buýt nhanh vẫn đìu hiu, vắng khách, trong khi chiếm dụng hạ tầng giao thông lớn cho thấy dự án không đạt hiệu quả, lãng phí. Nhiều chuyên gia khẳng định, đây là một cái giá quá đắt cho một cuộc thử nghiệm thất bại đau đớn.

Ông Bùi Danh Liên nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội cho rằng, với lý do tắc đường, tốc độ xe buýt chậm... đề xuất xây dựng đường riêng cho xe buýt được thực hiện. Tuy nhiên nhìn vào điều kiện hạ tầng, mật độ phương tiện giao thông hiện nay của Hà Nội đề xuất này không khả thi.

Tuyến BRT đầu tiên của Hà Nội sử dụng phần đường cũ trên tuyến đường vốn đã tắc, nhiều đoạn qua cầu vượt BRT lại đi chung với phương tiện khác. Bởi đường hẹp, lại ùn tắc nên mặc dù có đường riêng cho BRT nhưng xe cá nhân vẫn lấn vào làn này.

Ngoài ra, đặc điểm đường phố của Hà Nội là hẹp, phương tiện cá nhân nhiều, tổ chức giao thông trên hầu hết các tuyến phố hiện nay theo hình thức hỗn hợp, xe máy đi chung làn với ô tô, xe buýt. Nếu làm đường dành riêng cho xe buýt thì các phương tiện khác đi vào đâu? Sự thất bại của tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa là bài học nhãn tiền.

Còn TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải khẳng định, trong điều kiện hiện nay hoặc 5 - 7 năm nữa Hà Nội chưa nên nhân rộng loại hình này. Nguyên nhân phải kể đến 50 - 60% các tuyến đường của thủ đô có mặt cắt từ 6 - 11 mét.

Trong khi đó, mặt đường phù hợp cho buýt BRT phải 25 - 30 mét trở lên. Nếu học tập nước ngoài, các cơ quan quản lý cũng phải có những vận dụng phù hợp với những đặc điểm đường sá, thói quen đi lại, khí hậu... của Việt Nam.

TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, sở dĩ tuyến BRT 01 không phát huy hiệu quả như mong đợi là do thành phố đã áp dụng máy móc mô hình từ nước ngoài mà không dựa trên điều kiện giao thông thực tế của Hà Nội.

Nhiều chuyên gia cũng bày tỏ quan điểm, hiện các điểm dừng đón trả khách của xe buýt tại Hà Nội đang còn cách quá xa khu vực dân cư, các ngõ ngách của thành phố. Xe buýt Hà Nội còn chậm, chưa đúng giờ, chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của hành khách...

Nhìn rộng ra, người dân đến nay vẫn chưa mặn mà với phương tiện công cộng trong đó có xe buýt là do chất lượng xe buýt cũng như chất lượng phục vụ chưa cao, dù các doanh nghiệp kinh doanh loại hình này đã có nhiều nỗ lực và hàng năm Thành phố vẫn chỉ hơn 1.300 tỷ đồng để trợ giá cho xe buýt. Vì vậy trước khi tính làm làn đường riêng cho xe buýt cần nâng cao chất lượng xe buýt trước để thu hút người dân.

Người dân Thủ đô đã và đang phải chịu đựng tình trạng ùn tắc giao thông  trong một thời gian nữa khi hạ tầng chưa bắt kịp với sự phát triển. Khi các dự án giao thông công cộng, đường sắt đô thị phát triển, phương tiện cá nhân giảm bớt thì đường mới thông thoáng hơn, lúc đó xây dựng làn đường dành riêng cho xe buýt mới có thể hiệu quả.

Đọc thêm