Phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: Huy động sức mạnh tổng hợp, tạo chuyển biến rõ rệt

(PLVN) -  Yêu cầu trên được Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh tại Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, diễn ra hôm qua (22/6).
Các đồng chí lãnh đạo Trung ương và thành phố Hà Nội chủ trì Hội nghị.
Các đồng chí lãnh đạo Trung ương và thành phố Hà Nội chủ trì Hội nghị.

Chủ trì Hội nghị còn có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải. Tham dự Hội nghị có hơn 34.000 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ban, ngành, một số tỉnh, thành phố, các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội... tại các điểm cầu.

Sớm hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý phát triển Thủ đô

Phát biểu kết luận và chỉ đạo Hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên Thường trực Ban Bí thư chủ trì tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện một nghị quyết về phương hướng, phát triển Thủ đô, cho thấy ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết.

Nêu một số ý kiến có tính gợi mở trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết, Thường trực Ban Bí thư yêu cầu, các cấp ủy, tổ chức đảng trong cả nước, nhất là Đảng bộ thành phố Hà Nội phải tổ chức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nghiên cứu, học tập, quán triệt sâu sắc nội dung Nghị quyết; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, thiết thực, phát huy vai trò các cơ quan báo chí, truyền thông trong tuyên truyền nội dung Nghị quyết và kết quả thực hiện. Qua đó, nâng cao và thống nhất nhận thức về vị trí, vai trò quan trọng, yêu cầu, nhiệm vụ phát triển Hà Nội trong những năm tới, huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, kết hợp với nguồn lực của cả nước và nguồn lực quốc tế, xây dựng và phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế; động lực có tính dẫn dắt, lan tỏa đối với vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu tại Hội nghị.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu tại Hội nghị.

Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp, đặc biệt là Hà Nội phải hết sức coi trọng, tập trung, quyết liệt, chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết. Ngay sau Hội nghị hôm nay, phải tập trung xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án… với nội dung cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng và lộ trình để thực hiện Nghị quyết, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đã đề ra, tạo bước chuyển biến rõ rệt về sự phát triển của Thủ đô; định kỳ hằng năm kiểm tra, đánh giá việc thực hiện, kịp thời báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đề nghị Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ sớm chỉ đạo cụ thể hóa nội dung Nghị quyết, hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở hành lang pháp lý phát triển Thủ đô toàn diện, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế. “Cần lưu ý rằng, việc thực hiện Nghị quyết không chỉ của riêng Hà Nội, mà còn là trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương trong cả nước. Trong đó, các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các tỉnh, thành phố Vùng Đồng bằng Sông Hồng, Vùng Thủ đô, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ có liên quan nhiều đến sự phát triển Thủ đô cần xác định rõ trách nhiệm của mình, tích cực, chủ động phối hợp với thành phố Hà Nội để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết” - ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.

Giữ gìn bản sắc văn hóa với phát triển kinh tế

Từ nay đến năm 2030 chỉ còn 8 năm, vì thế Thường trực Ban Bí thư lưu ý Hà Nội phải chọn việc, chọn điểm, quyết tâm hoàn thành, làm cho bằng được, tạo chuyển biến thực sự diện mạo Thủ đô, nhất là Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm trật tự, an toàn đô thị, môi trường xanh - sạch - đẹp, xây dựng được một số công trình văn hóa tiêu biểu, hạ tầng giao thông hiện đại… tạo niềm tin trong nhân dân. Đặc biệt, phát triển Hà Nội nhanh, bền vững đòi hỏi phải kết hợp đồng bộ giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường với bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; giữa giữ gìn bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến với phát triển kinh tế, giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa.

Ông Võ Văn Thưởng đề nghị các đại biểu đặc biệt quan tâm nội dung xây dựng con người Hà Nội thanh lịch - một đặc điểm, nét văn hóa riêng của Hà Nội từ ngàn xưa. Đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, đòi hỏi phải tiến hành thường xuyên, liên tục, kiên trì; phấn đấu xây dựng con người Hà Nội “hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hoá, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam” như Nghị quyết đã nêu, không chỉ trong một vài năm mà phải kiên trì, dài hơi.

Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, giải pháp có tính quyết định trong thực hiện Nghị quyết 15 là phải tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị Thủ đô thật sự đoàn kết, trong sạch, vững mạnh toàn diện; đồng thời hoàn thiện tổ chức bộ máy chính quyền theo hướng tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, liên thông phù hợp với vai trò, vị trí và yêu cầu phát triển quản lý Thủ đô trong giai đoạn mới. Hà Nội cần tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có năng lực, trình độ cao, chuyên nghiệp, có bản lĩnh, phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có ý chí vươn lên; luôn gần gũi quần chúng, bám sát cơ sở, kịp thời tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở...

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng yêu cầu, bên cạnh tuyên truyền giáo dục phải kết hợp chặt chẽ, đi đôi với bảo đảm trật tự, kỷ cương xã hội. Người dân ở bất cứ địa phương nào, khi đã sống và làm việc ở Hà Nội phải tuân thủ quy định, nếp sống, lối sống đô thị Hà Nội; không thể sống theo thói quen của địa phương mình. Người dân Hà Nội phải là tấm gương về lối sống, nếp sống đẹp cho cả nước noi theo, trong đó và trước hết, đòi hỏi sự nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên hiện đang sống ở Hà Nội.

Đọc thêm