“Bùng nổ” gian hàng nước ngoài trên sàn TMĐT Việt Nam
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của internet trong những năm gần đây, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam cũng phát triển hơn, mở ra nhiều cơ hội cho các sàn, doanh nghiệp Việt và người tiêu dùng làm quen với phương thức kinh doanh mới. TMĐT Việt Nam ngày càng tăng trưởng nhanh với mức duy trì hơn 30% mỗi năm.
Theo báo cáo eConomy SEA 2019 do Google và Temasek công bố, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam đầu năm 2020 đạt 5 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng lên tới 81%. Đáng chú ý, Sách trắng TMĐT Việt Nam năm 2019 được Cục TMĐT và kinh tế số (Bộ Công Thương) phát hành cho thấy, tăng trưởng của thị trường TMĐT Việt Nam đang ở mức cao nhất trong 3 năm trở lại đây.
Đặc biệt, vai trò của TMĐT cũng trở nên quan trọng hơn khi tỷ trọng doanh thu từ TMĐT trên tổng mức bán lẻ hàng hóa cả nước năm 2019 đạt 4,2%, tăng 0,6% so với năm 2018. Số lượng người tham gia mua sắm trực tuyến trên các nền tảng TMĐT tăng vọt. Năm 2019, cả nước có 39,9 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến, tăng 11,8% so với năm 2018 và tăng gần gấp đôi chỉ sau 3 năm. Giá trị mua sắm trực tuyến bình quân đầu người đạt 202 USD, tăng 8,6%.
Đáng chú ý, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, khiến thói quen tiêu dùng của người dân thay đổi, mọi hoạt động trao đổi mua-bán được diễn ra sôi động trên internet và các kênh thương mại điện tử Việt Nam. Không chỉ các doanh nghiệp nội mà hiện nay trên các sàn TMĐT Việt Nam, các gian hàng ngoại cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Đơn cử như trên Shopee.vn, người tiêu dùng có thể dễ dàng nhận thấy các shop ngoại khi tìm kiếm một món đồ nào đó.
Là một tín đồ mua sắm, chị K.N.Q (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, gần đây chị thường chọn mua hàng trên một số trang hàng nước ngoài trên sàn thương mại điện tử vì thấy đồ khá đẹp, giá cả phải chăng, thậm chí còn rẻ hơn hàng trong nước. Hơn nữa, trên các gian hàng đó cũng có nhiều chương trình giảm giá và miễn phí vận chuyển không khác gì những gian hàng trong nước, nên chị rất hài lòng. Một điểm dễ nhận thấy các shop quốc tế là tên shop thường có tên gắn với đuôi “.vn”.
|
Để đảm bảo an toàn trong mùa dịch Covid-19, chị K.N.Q (Cầu Giấy, Hà Nội) đã chuyển từ mua sắm trực tiếp sang mua sắm trên các sàn TMĐT, đặc biệt các gian hàng nước ngoài trên TMĐT Việt Nam. |
Tuy nhiên theo chị Q, mua hàng ở shop nước ngoài thời gian giao hàng lâu hơn, thường mất khoảng 1 tuần, thậm chí lâu hơn trong thường hợp trục trặc như tắc biên hoặc vào dịp Lễ, Tết. “Mặc dù thời gian chờ đợi lâu, nhưng tôi thấy cũng khá thuận tiện vì không phải đặt hàng qua một bên trung gian là các công ty vận chuyển hàng order nên sẽ tiết kiệm một phần chi phí. Các gian hàng nước ngoài này chủ yếu là của Trung Quốc”, chị Q nói.
Tương tự, chị N.H.P (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, trước đây để đặt hàng từ nước ngoài về chị phải tự mày mò trên các trang website nội địa như Taobao.com, Tmall 1688 của Trung Quốc… hoặc thông qua một Công ty vận chuyển hàng order Trung Quốc để lên đơn hàng nhưng mất phí chênh lệch khá cao vì phải chi trả tiện vận chuyển và cân nặng cho họ, hơn nữa thời gian nhận hàng cũng khá lâu. Tuy nhiên, từ khi các sàn TMĐT Việt Nam cho phép các shop quốc tế kinh doanh, chị P có thể dễ dàng đặt hàng từ các shop nước ngoài với giá cả chênh lệch không nhiều, thậm chí có thể xem phần nhận xét sản phẩm từ nhiều người mua trước đó, trước khi quyết định “xuống hầu bao”.
“Giờ lên các sàn TMĐT Việt Nam mình tiện lắm, gì cũng có, chỉ cần tìm hiểu kỹ là có thể biết lựa chọn các hàng chính hãng, hàng từ shop nước ngoài, nhiều khi còn được nhận mã miễn phí ship, giảm giá… cũng khá hời”, chị P cho hay.
Thực tế, theo khảo sát của PV, hiện nay người dùng có thể dễ dàng lên các sàn thương mại điện tử như shopee, Tiki, Sendo, Lazada… để giao dịch mua hàng từ gian hàng nước ngoài từ quần áo, phụ kiện đến đồ dùng gia đình, nhà bếp... Và càng ngày càng có nhiều người tiêu dùng cũng có xu hướng lựa chọn đặt mua hàng từ các shop quốc tế hơn. Đây có thể là “bước đệm” cho sự bùng nổ của TMĐT Việt Nam trong thời gian tới, khi mà các doanh nghiệp ngoại ngày càng “ưa chuộng” sàn TMĐT Việt Nam hơn.
Áp đảo top 10 sàn thương mại điện tử Đông Nam Á
Quả thực, có thể tự tin vào sự phát triển của TMĐT Việt Nam khi mới đây, cổng thông tin TMĐT iPrice phối hợp cùng SimilarWeb, AppsFlyer công bố báo cáo tác động của đại dịch lên ngành thương mại điện tử Việt Nam năm 2020. Trong đó, 5/10 sàn thương mại điện tử có lượng truy cập trung bình cao nhất năm 2020 tại Đông Nam Á là các doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm: Thế Giới Di Động, Tiki, Sendo, Bách Hoá Xanh và FPT Shop.
Năm đại điện còn lại trong danh sách có hai “ông lớn” Shopee, Lazada và ba startup “kỳ lân” của Indonesia là Tokopedia, Bukalapak và Blibli. Tuy nhiên, cách biệt về lượt truy cập của top 3 dẫn đầu so với các doanh nghiệp còn lại (bao gồm 5 doanh nghiệp Việt Nam), vẫn còn khá cao.
|
Top 10 sàn thương mại điện tử có lượng truy cập website trung bình năm 2020 lớn nhất Đông Nam Á. (Nguồn và đồ họa: iPrice). |
Thế Giới Di Động giữ thứ hạng 5 trong các website thương mại điện tử Đông Nam Á với lượt truy cập trung bình năm là 28,6 triệu, chỉ cách Bukalapak 7 triệu lượt. Nếu tính riêng thị trường trong nước, Thế Giới Di Động là doanh nghiệp nội địa nằm ở vị trí thứ hai trong suốt cả năm 2020.
Nằm ở vị trí thứ 6, Tiki vượt qua Blibli trở thành điểm sáng của doanh nghiệp Việt với 22,5 triệu lượt truy cập trong bảng xếp hạng lượt truy cập trung bình trong khu vực. Theo sau đó là Sendo với 14,3 triệu lượt truy cập và xếp hạng thứ 8. Ở báo cáo quý II/2019, tất cả doanh nghiệp Việt Nam đều nằm ở top dưới trong danh sách.
Như vậy, năm 2020 đã chứng kiến việc cải thiện rõ rệt của các sàn Việt Nam.
Đồng thời, “Bản đồ Thương mại điện tử Đông Nam Á” còn ghi nhận Việt Nam là thị trường lớn thứ hai trong khu vực chỉ sau Indonesia, xét về lượng truy cập. Theo đó, tổng lượt truy cập website trung bình năm 2020 của Việt Nam gấp 4 lần so với Malaysia, 3 lần so với Philippines và 2 lần với Thái Lan.
Điều này càng khẳng định mạnh mẽ tiềm năng phát triển của các doanh nghiệp nội địa trong khu vực và kích cỡ của thị trường thương mại điện tử Việt Nam.
Trước đó, theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company, thị trường TMĐT Việt Nam đứng thứ 3 Đông Nam Á về quy mô, đạt 7 tỷ USD vào năm 2020, theo sau Indonesia (32 tỷ USD) và Thái Lan (9 tỷ USD). Tuy nhiên, Google dự đoán, thương mại điện tử Việt Nam đến năm 2025 có thể đạt mức tăng trưởng cao nhất khu vực với 34%.