Tham dự có ông Nguyễn Chí Thiện, Chủ tịch Hiệp hội công chứng viên Việt Nam, đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp; đại diện Sở Tư pháp, Hội công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên các tỉnh, thành phố Trung ương, thành viên Tổ biên tập Dự án Luật Công chứng (sửa đổi) khu vực phía Bắc và một số cơ quan, đơn vị tổ chức có liên quan.
Phát biểu khai mạc, Cục trưởng Lê Xuân Hồng cho biết trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), Bộ Tư pháp đã tổ chức nhiều tọa đàm, hội thảo để lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên. Tuy nhiên dự thảo Luật vẫn còn một số vấn đề còn có có ý kiến khác nhau, cần tiếp tục thảo luận như: phạm vi, thẩm quyền công chứng; tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên; quản lý nhà nước về công chứng; công chứng số…
Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Lê Xuân Hồng phát biểu khai mạc. |
Từ nay đến khi Quốc hội cho ý kiến lần đầu đối với dự thảo Luật này, Bộ Tư pháp sẽ tổ chức các hoạt động để lấy ý kiến góp ý. Cục trưởng Lê Xuân Hồng mong muốn các đại biểu sẽ tích cực góp ý để Bộ Tư pháp tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật nhằm tăng cường quản lý nhà nước và phát triển nghề công chứng.
Một trong những quy định mới của dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) đó là giảm thời gian đào tạo nghề công chứng. Theo đó, để góp phần nâng cao chất lượng đầu vào của đội ngũ công chứng viên, dự thảo Luật quy định những đối tượng được miễn đào tạo nghề và tham gia bồi dưỡng nghề công chứng theo quy định của Luật Công chứng hiện hành sẽ tham gia đào tạo nghề nhưng được giảm thời gian đào tạo nghề công chứng từ 12 tháng xuống còn 6 tháng (khoản 3 Điều 9).
Đại diện Cục Bổ trợ tư pháp trình bày các điểm mới của dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) |
Tại Điều 10 dự thảo Luật quy định về thời gian tập sự hành nghề công chứng thống nhất là 12 tháng để giúp cho các đối tượng tập sự đủ thời gian để trải nghiệm, vận dụng các kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tiễn. Đồng thời, dự thảo Luật quy định rõ người tập sự hành nghề công chứng phải bảo đảm thời gian tập sự theo ngày, giờ làm việc của tổ chức hành nghề công chứng nhận tập sự để bảo đảm sự nghiêm túc, thực chất của việc tập sự, tránh tình trạng chỉ ghi danh tập sự; bổ sung quy định trong thời hạn 05 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận mà người đạt yêu cầu kiểm tra không đề nghị bổ nhiệm công chứng viên thì giấy chứng nhận hết hiệu lực.
Ông Nguyễn Mạnh Dương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình góp ý. |
Để nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp trong hoạt động công chứng, dự thảo Luật bổ sung quy định về độ tuổi hành nghề của công chứng viên là đến 70 tuổi (Điều 8, Điều 14, Điều 15); đồng thời để bảo đảm tính ổn định của hoạt động công chứng thì dự thảo Luật quy định chuyển tiếp đối với công chứng viên trên 70 tuổi đang hành nghề công chứng tại thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục hành nghề công chứng trong thời hạn tối đa là 02 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
Phát biểu tại Tọa đàm, ông Nguyễn Mạnh Dương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình bày tỏ đồng tình với các quy định nêu trên bởi như vậy sẽ góp phần nâng cao chất lượng đầu vào của đội ngũ công chứng viên. Đối với quy định về độ tuổi hành nghề của công chứng viên là đến 70 tuổi, ông Dương cho rằng như vậy là phù hợp với thông lệ chung, để vừa sử dụng và khai thác hiệu quả nguồn lực công chứng viên có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn, vừa đảm bảo chất lượng, hiệu quả của hoạt động công chứng.
TS. Hoàng Văn Hữu, Trưởng Văn phòng công chứng Gia Khánh, Hà Nội trao đổi. |
Chung quan điểm, TS. Hoàng Văn Hữu, Trưởng Văn phòng công chứng Gia Khánh, Hà Nội cho rằng tiêu chuẩn về độ tuổi bổ nhiệm Công chứng viên “không quá 70 tuổi” là một trong những điểm mới phù hợp với đa số sức khỏe, độ nhận thức của người Việt và thực tiễn pháp luật một số nước trên thế giới như Nhật Bản, Đức, Pháp… Từ đó, giúp cơ quan quản lý nhà nước về công chứng có lộ trình trong việc xây dựng đội ngũ “Công chứng viên kế cận”.
Ngoài ra, về nguyên tắc thành lập tổ chức hành nghề công chứng, do Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã được bãi bỏ từ ngày 1/1/2019 nên việc xác định thành lập tổ chức hành nghề công chứng nói riêng trong giai đoạn mới là cần thiết để đảm bảo phát triển đúng định hướng ổn định, bền vững. Theo đó, dự thảo Luật quy định nguyên tắc phát triển tổ chức hành nghề công chứng phải căn cứ vào điều kiện kinh tế-xã hội, diện tích, số lượng và mật độ phân bố dân cư, nhu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch trên địa bàn cấp huyện dự kiến thành lập.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Dương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình đánh giá quy định như dự thảo Luật là rất phù hợp nhằm tăng cường quản lý nhà nước về công chứng. Đáng chú ý, dự thảo Luật đã tập trung sửa đổi, bổ sung quy định làm rõ nội dung quản lý nhà nước về công chứng, quản lý đối với Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam. Bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp tỉnh trong quản lý nhà nước về công chứng tại địa phương nhằm tăng quyền chủ động quyết định phù hợp với điều kiện thực tế như ban hành Đề án quản lý, phát triển tổ chức hành nghề công chứng tại địa phương; tăng cường phân cấp quản lý cho Sở Tư pháp như quy định rõ trách nhiệm của Sở trong bổ nhiệm, miễn nhiệm Trưởng phòng Công chứng, đầu mối tiếp nhận hồ sơ đề nghị thành lập văn phòng Công chứng…
“Với những quy định trên sẽ tạo tính chủ động cho địa phương trong thành lập tổ chức hành nghề công chứng để đảm bảo phù hợp với đặc điểm, điều kiện của địa phương đồng thời thúc đẩy nghề công chứng phát triển bền vững, hạn chế cạnh tranh không lành mạnh”, ông Dương nói.
Một số hình ảnh đại biểu trao đổi tại Tọa đàm: