Phát triển tổ chức hành nghề công chứng gắn với nhu cầu xã hội

(PLVN) -Một thời gian, sự phát triển được coi là “ồ ạt” của các Văn phòng công chứng (VPCC), không căn cứ vào nhu cầu, điều kiện phát triển kinh tế xã hội của địa phương đã đặt ra nhiều vấn đề cho cơ quan quản lý nhà nước.

Cả nước có hơn 1 ngàn Văn phòng chông chứng

Tổ chức hành nghề công chứng (gồm Phòng công chứng và VPCC), trước thời điểm Luật Công chứng 2006 được ban hành và có hiệu lực, cả nước chỉ có hệ thống các Phòng công chứng. Bắt đầu từ ngày 1/7/2007, Luật Công chứng 2006 có hiệu lực, bên cạnh hệ thống các Phòng Công chứng Nhà nước là hệ thống VPCC. Các VPCC lần đầu tiên được thành lập  với các điều kiện cụ thể, rõ ràng.

Việc ra đời của các VPCC là một tất yếu nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của xã hội, trong điều kiện Phòng công chứng nhà nước thời điểm đó rơi vào quá tải do còn phải kiêm cả chứng thực bản sao. Tuy nhiên, sau một thời gian việc lập các VPCC đã xuất hiện những bất hợp lý.

Khi sửa Luật công chứng 2006, cơ quan có thẩm quyền đã nhìn nhận bên cạnh những kết quả đạt được trong 2 - 3 năm đầu thực hiện Luật công chứng, chưa có quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng, các VPCC phát triển quá nhanh, có địa bàn quá nóng, trong khi đó nhiều địa bàn, nhất là ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa lại không có tổ chức hành nghề công chứng để cung cấp dịch vụ này cho người dân.

Ngày 20/6/2014, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật công chứng số 53/2014/QH13 đã sửa đổi nhiều quy định, trong đó quy định về việc thành lập tổ chức hành nghề công chứng, bao gồm Phòng công chứng và VPCC

Ngày 19/11/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 172/NQ-CP về chính sách phát triển nghề công chứng trong đó chỉ rõ: Triển khai thi hành Luật Công chứng, Quyết định số 2104/QĐ-TTg ngày 29/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020”, đến nay Hiệp hội công chứng viên Việt Nam và 55 Hội công chứng viên đã được thành lập với 2.709 công chứng viên đang hành nghề tại 1.186 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó có 1.068 VPCC. Hoạt động công chứng được xã hội hóa mạnh mẽ, cơ bản đáp ứng nhu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Không tập trung nhiều tổ chức hành nghề công chứng trên cùng một địa bàn cấp huyện

Tuy nhiên, theo Nghị quyết, thời gian gần đây đã xuất hiện tình trạng, hiện tượng chưa phù hợp với chính sách của Nhà nước về phát triển nghề công chứng, cụ thể là: VPCC được thành lập không căn cứ vào nhu cầu công chứng; việc chuyển trụ sở VPCC từ các huyện vào trung tâm các quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, gây ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của nghề công chứng, tiềm ẩn nguy cơ vi phạm pháp luật của một số tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên, đồng thời không đáp ứng được nhu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch của cá nhân, tổ chức tại các huyện, các vùng xa trung tâm….

Từ thực tiễn nêu trên, căn cứ quy định của Luật Công chứng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch, nhằm bảo đảm sự ổn định, bền vững của nghề công chứng, Chính phủ quyết nghị ban hành chính sách phát triển nghề công chứng, trong đó một trong những nội dung quan trọng là “Phát triển tổ chức hành nghề công chứng có kiểm soát gắn với địa bàn dân cư, bảo đảm đáp ứng đầy đủ, kịp thời yêu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức; không tập trung nhiều tổ chức hành nghề công chứng trên cùng một địa bàn cấp huyện’....đồng thời “nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với nghề công chứng, bảo đảm vai trò định hướng, điều tiết của Nhà nước trong việc hỗ trợ phát triển nghề công chứng; gắn trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về công chứng tại địa phương trong việc kiểm soát phát triển tổ chức hành nghề công chứng”...

Đặc biệt, Nghị quyết nêu rõ, phát triển tổ chức hành nghề công chứng bảo đảm ổn định, bền vững gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội theo địa bàn cấp huyện.

Theo đó, ban hành tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập VPCC theo quy định của Luật Công chứng. Tiêu chí phải đánh giá được sự cần thiết thành lập VPCC gắn với nhu cầu công chứng, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội theo địa bàn cấp huyện và bảo đảm tính khả thi, hoạt động ổn định, bền vững của VPCC sau khi được thành lập. Việc cho phép thành lập VPCC mới hoặc thay đổi địa điểm trụ sở VPCC từ địa bàn cấp huyện này sang địa bàn cấp huyện khác phải phù hợp với Tiêu chí đã được ban hành, quy định của pháp luật và định hướng phát triển tổ chức hành nghề công chứng quy định tại Nghị quyết này.

Bên cạnh đó, thực hiện chặt chẽ công tác thẩm tra hồ sơ đề nghị thành lập VPCC, hồ sơ thay đổi địa điểm trụ sở của VPCC từ địa bàn cấp huyện này sang địa bàn cấp huyện khác, bảo đảm thực hiện đúng Tiêu chí đã được ban hành, phù hợp với định hướng của Nghị quyết.

Những giải pháp mạnh mẽ, căn cơ mà Chính phủ đề ra nhằm phát triển nghề công chứng ổn định, bền vững nhằm tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức tiếp cận dịch vụ công chứng, bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch, phòng ngừa tranh chấp, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức; đổi mới hoạt động công chứng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và cải cách tư pháp. 

Đọc thêm