Theo đó, Bộ Tư pháp yêu cầu kế hoạch công tác năm 2019 của Nhà xuất bản Tư pháp phải bám sát chức năng nhiệm vụ của đơn vị, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành và đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh của Nhà xuất bản Tư pháp; xác định công việc đảm bảo tính khả thi hiệu quả; tiếp tục khẳng định và nâng cao uy tín, thương hiệu của Nhà xuất bản Tư pháp.
Nhà xuất bản Tư pháp tiếp tục duy trì mục tiêu xuất bản phẩm đảm bảo chất lượng về nội dung, phong phú về hình thức; chủ động tiếp cận, cộng tác đặt hàng với các tác giả uy tín trong lĩnh vực luật học; xây dựng kế hoạch đề tài sách tự bán bảo đảm hiệu quả phát hành và thu hút bạn đọc. Kế hoạch cũng nêu rõ các yêu cầu trong công tác phát hành, giấy tờ, sổ hộ tịch và lý lịch tư pháp, công tác tài chính kế toán; tổ chức hành chính và tổ chức thực hiện.
Đối với Cục Công tác phía Nam, thực hiện các nhiệm vụ trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ thuộc khu vực phía Nam, tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý các lĩnh vực của Bộ tại khu vực. Trong đó, tham mưu, đề xuất với Bộ, các chủ trương, giải pháp về xây dựng và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của công tác tư pháp thi hành án dân sự (THADS) tại khu vực và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.
Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp tình hình tổ chức, hoạt động và các đề xuất của cơ quan tư pháp, THADS địa phương trong khu vực. Chủ trì, phối hợp thực hiện nhiệm vụ quản trị và công tác quản trị nội bộ; xây dựng đơn vị và thực hiện các hoạt động thông tin, hỗ trợ pháp luật.
Đối với Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật, các nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: Nghiên cứu chuyên sâu về công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật để tham mưu, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực này; Theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (lĩnh vực trọng tâm, liên ngành), thực hiện theo dõi tình hình thi hành pháp luật về hòa giải ở cơ sở và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo của Bộ, cơ quan ngang Bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh (lĩnh vực trọng tâm của Bộ Tư pháp); Chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành và các địa phương triển khai các nhiệm vụ nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật; Tăng cường tập huấn công tác xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, trong đó tập trung vào việc tổ chức triển khai tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành; tiếp tục triển khai thí điểm tập huấn chuyên sâu về pháp luật xử lý vi phạm hành chính có thu phí.