“Phép màu Việt Nam” trong cuộc chiến chống Covid-19

(PLVN) - Tờ The Conversation cho biết, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển có biên giới đất liền rộng lớn với Trung Quốc và dân số 97 triệu người. Thế nhưng tính đến 28/4, Việt Nam ghi nhận 270 trường hợp mắc Covid-19, với 222 người đã hồi phục hoàn toàn.
Một pa nô phòng chống Covid-19 trên đường phố Việt Nam.
Một pa nô phòng chống Covid-19 trên đường phố Việt Nam.

Kiểm soát, xét nghiệm, cách ly

Theo tạp chí trên, lý do tại sao Việt Nam đã giữ được cho bệnh nhân khỏi cửa tử là một chiến lược của Chính phủ. Những chính sách này đang chứng minh là cần thiết để ngăn chặn đại dịch. Phần đầu tiên là kiểm tra thân nhiệt và xét nghiệm.

Ngay từ đầu tháng 2, tất cả những người đến sân bay ở các TP lớn của Việt Nam đều phải trải qua kiểm tra nhiệt độ cơ thể bắt buộc và tự khai báo sức khỏe, nêu chi tiết các tiếp xúc cũng như lịch sử đi lại và sức khỏe. Những biện pháp này tính đến ngày 21/4 là bắt buộc với tất cả mọi người tới các TP lớn và một số tỉnh, thành bằng đường bộ, cũng như những người vào các tòa nhà trong cơ quan nhà nước hoặc bệnh viện.

Những người nhiệt độ cơ thể trên 38 độ C sẽ được đưa đến cơ sở y tế để kiểm tra kỹ lưỡng hơn. Những người được chứng minh nói dối trong việc tự khai báo, hoặc chống lại việc khai báo, có thể bị buộc tội hình sự. 

Các doanh nghiệp, ngân hàng, nhà hàng và khu chung cư cũng thực hiện các quy trình sàng lọc riêng. Các thử nghiệm chuyên sâu cũng được tiến hành trên toàn quốc. Các trung tâm xét nghiệm đã được thiết lập khắp các TP. Các khu dân cư sống gần các trường hợp được xác nhận nhiễm bệnh, đôi khi là toàn bộ một tuyến đường phố hoặc một ngôi làng, được nhanh chóng xét nghiệm và cách ly.

Từ ngày 5/3, Việt Nam đã có 3 bộ thử nghiệm khác nhau, mỗi bộ có giá dưới 25 USD, cho kết quả trong vòng 90 phút. Tất cả đều được sản xuất tại Việt Nam. Chi phí xét nghiệm là vấn đề ở khắp các nước, đặc biệt quan trọng ở các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam. Nhưng những bộ dụng cụ thử nghiệm giá cả phải chăng này đã hỗ trợ cho chiến lược xét nghiệm chuyên sâu của Chính phủ.

Nhánh thứ 2 trong cách tiếp cận của Việt Nam là cách ly. Kể từ giữa tháng 2, người Việt Nam từ nước ngoài trở về phải cách ly trong 14 ngày và xét nghiệm Covid-19. Chính sách tương tự cũng đã được áp dụng cho người nước ngoài đến Việt Nam.

Bất cứ ai đã tiếp xúc trực tiếp với người bị nhiễm bệnh đều được cách ly. Vào tháng 3, Việt Nam bắt đầu cách ly toàn bộ các TP và một số khu vực cụ thể. Việc đi lại giữa các TP sau đó bị hạn chế rất nhiều. Tại Đà Nẵng, bất cứ ai không phải là cư dân có hộ khẩu tại đây nhưng muốn tới đây, phải cách ly 14 ngày tại một cơ sở được chính quyền phê duyệt.

Hình ảnh cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân ở Hạ Lôi, Vĩnh Phúc trên báo nước ngoài.
  Hình ảnh cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân ở Hạ Lôi, Vĩnh Phúc trên báo nước ngoài.

Một số ngôi làng có tới 10 ngàn người đã phải phong tỏa vì các trường hợp nhiễm bệnh được phát hiện. Bạch Mai, một bệnh viện nổi tiếng tại Hà Nội, cũng là một trung tâm điều trị Covid-19 hàng đầu của Việt Nam, thậm chí đã bị phong tỏa vào cuối tháng 3, sau khi một nhân viên hợp đồng của công ty bên ngoài có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19. 

Liên lạc liên tục

Truyền thông liên tục cũng là một yếu tố quan trọng trong chiến lược chống dịch thành công của Việt Nam. Từ đầu tháng 1, Chính phủ đã truyền đạt rộng rãi tới người dân về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh. Các thông điệp được truyền tải rất rõ ràng: Covid-19 không chỉ là một bệnh cúm tệ hại mà là một căn bệnh cực kỳ nghiêm trọng, vì vậy mọi người được khuyên không nên tự gây nguy hiểm cho bản thân hoặc người khác. 

Chính phủ cũng đã sáng tạo trong các phương thức truyền thông. Mỗi ngày, các bộ phận khác nhau của Chính phủ, từ Thủ tướng, đến Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông và chính quyền các tỉnh đã nhắn tin cho công dân. Chi tiết về các triệu chứng và biện pháp bảo vệ được truyền đạt qua văn bản đến điện thoại di động trên cả nước. 

Chính phủ cũng đã hợp tác với các nền tảng nhắn tin, như Zalo, để gửi các bản cập nhật về tình hình dịch bệnh. Điều này được kết hợp với nghệ thuật tuyên truyền trên cả nước và tem được thiết kế mới để phổ biến hơn nữa các thông điệp y tế công cộng về virus. Các TP được trang trí bằng các áp phích nhắc nhở người dân về vai trò của họ trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus.

Đồng thời, Chính phủ cũng tiết lộ chi tiết về những người mắc Covid-19 hoặc trốn cách ly dù tên người đó không được công khai. Theo bài viết, “không có nghi ngờ gì về việc cách tiếp cận của người Việt đã có hiệu quả trong việc làm giảm sự lây lan của virus Corona chủng mới”. 

Tổng hợp các biện pháp này giúp Việt Nam chưa trải qua bất kỳ sự bùng phát cộng đồng quy mô lớn nào, mà nếu xảy ra sẽ nguy cơ tàn phá một TP như TP HCM với dân số 11 triệu người và khiến hệ thống chăm sóc y tế cộng đồng của đất nước bị quá tải. 

Theo tạp chí trên, 3 mũi nhọn trong chiến lược của Việt Nam đang phát huy hiệu quả. Hệ thống chăm sóc sức khỏe có thời gian để điều trị cho từng bệnh nhân. Việt Nam đã cung cấp những bài học quan trọng cho các nơi khác vì dịch bệnh này dự kiến sẽ lan rộng hơn nữa trên khắp các quốc gia đang phát triển.

Những bước đi bài bản 

Trên trang web của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) mới đây, bà Amy Searight, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á cũng nhấn mạnh việc Việt Nam đã hành động sớm để ứng phó ngay từ khi dịch Covid-19 mới bùng phát. 

Theo bà Searight, Việt Nam đã dựa vào việc huy động nguồn lực nhân dân, cách ly xã hội để khống chế dịch bệnh lây lan. Bà Searight cũng nhận định, một yếu tố quan trọng giúp Việt Nam khống chế dịch tốt là nhờ một mạng lưới rộng lớn những người cung cấp tin tức, giúp xác định danh tính cũng như cách ly những người bị nghi nhiễm và những người đã tiếp xúc với họ.

Áo nước ngoài đánh giá chủ trương đặt người dân lên trên lợi ích kinh tế là một trong những yếu tố giúp Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh.
 Áo nước ngoài đánh giá chủ trương đặt người dân lên trên lợi ích kinh tế là một trong những yếu tố giúp Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh.

Việt Nam cũng đã huy động các bác sỹ và y tá đã nghỉ hưu, sinh viên y khoa cùng tham gia cuộc chiến chống virus, trong khi một số doanh nghiệp đã mở những “ATM gạo” để giúp đỡ những người mất việc, gặp khó khăn do đại dịch. Nhờ đó mà Việt Nam đã chống dịch thành công.

Hãng tin Sputnik của Nga đánh giá cao Việt Nam chủ động thực hiện cách ly toàn xã hội nhằm chế ngự sớm dịch bệnh. Theo các chuyên gia, Việt Nam đã có những bước đi bài bản trong lộ trình phòng chống và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Bài học từ cách phản ứng mau lẹ và dứt khoát của Việt Nam là điều mà các nước khác có thể học hỏi.

Việc Việt Nam truyền thông rõ ràng và minh bạch thông tin cũng được đánh giá là một “bí quyết” đưa đến thành công ban đầu. Theo thống kê của Project Syndicate , từ ngày 9/1 đến ngày 15/3, trung bình mỗi ngày có 127 bài báo về chủ đề Covid-19 đăng tải trên 13 trong số các trang báo điện tử phổ biến nhất của Việt Nam, khiến “tin giả gần như không còn đất sống”. Do đó, người dân Việt Nam không coi Covid-19 chỉ là cúm mùa mà là một căn bệnh nguy hiểm như dịch SARS năm 2003, từ đó sớm cảnh giác và luôn sẵn sàng tinh thần chống dịch. 

Tờ FAZ của Đức cho rằng việc huy động sức mạnh của người dân thông qua các chiến dịch quần chúng, qua tin nhắn và mạng truyền thông, để truyền những thông điệp như: “Ở yên trong nhà chính là yêu nước!” đã phát huy hiệu quả. 

Tờ Financial Times (Anh) gọi cuộc chiến chống Covid-19 tại Việt Nam là “cuộc tổng tấn công” với sự tham gia của cả xã hội, bao gồm từ đội ngũ y, bác sĩ và quân đội và cả sự ủng hộ của người dân. Hãng tin Đức DPA đánh giá một phần lớn thành công của Việt Nam trong ứng phó với đại dịch là nhờ sự đoàn kết một lòng của toàn xã hội.

Trang Project Syndicate tổng kết rằng bí quyết chống dịch thành công của Việt Nam là “một ban lãnh đạo quyết tâm, phản ứng nhanh chóng, thông tin chính xác, minh bạch và sự đoàn kết giúp người dân bảo vệ chính mình và bảo vệ cộng đồng”. 

Tạp chí The Diplomat khẳng định, trong cuộc chiến chống dịch bệnh, Việt Nam đã luôn quan tâm, đặt sinh mạng, sức khỏe và cuộc sống của người dân lên hàng đầu, từ đó có được niềm tin của người dân. Còn trang liberationnews.org của Mỹ khẳng định thành công của Việt Nam trong phòng chống dịch Covid-19 “không đơn giản là một phép màu” mà là kết quả của một Chính phủ đặt người dân lên trên lợi ích kinh tế. 

Financial Times cũng đánh giá cao chiến lược chống dịch “chi phí thấp” của Việt Nam. Theo đó, thay vì xét nghiệm hàng loạt như Hàn Quốc, Việt Nam đã tập trung vào việc cách ly người mắc và truy tìm mọi mối tiếp xúc từ người bệnh để tập trung chống dịch.