Phía sau dạy học thời online

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dạy và học online có lợi ích hơn dạy học truyền thống như: Có thể bảo vệ sức khỏe cho giáo viên và học sinh, không tốn thời gian chi phí đi lại, tăng tính tự học của học sinh, có thể học tập mọi lúc, mọi nơi…Tuy nhiên, vì khá mới mẻ, không ít giáo viên còn cảm thấy lúng túng, áp lực khi dạy học online khi mùa tựu trường đang tới gần.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đang dạy, học sinh bỗng “mất tích”

Mặc dù đã trải qua một năm với nhiều thay đổi, dạy học trực tuyến đã không còn là khái niệm xa lạ trong ngành giáo dục nhưng những khó khăn, thách thức khi triển khai không chỉ có những học sinh, phụ huynh mà còn của các thầy cô.

Cô giáo Phương Linh - chủ nhiệm môn Văn lớp 8 chia sẻ: “Tôi dạy học ở trường ngoại thành Hà Nội. Vì điều kiện kinh tế gia đình khác nhau nên tôi lo các học sinh lớp tôi năm mới không có đủ trang thiết bị công nghệ để học. Như năm trước, tôi dạy vài tháng online, có học sinh có máy tính, có học sinh lại không, hoặc máy điện thoại mượn bố mẹ phập phù, mạng hay bị lỗi. Vì vậy, chất lượng dạy và học giảm đi rất nhiều”.

Có nhiều việc bi hài khi một số giáo viên còn lúng túng khi áp dụng dạy học với công nghệ. Dù đã được tập huấn khá kỹ nhưng một số giáo viên khi “đứng lớp” vẫn xảy ra tình trạng mất tiếng, mất hình hoặc mất cả hình lẫn tiếng. Thậm chí, giáo viên ấn nhầm nút ngừng phát nhưng không biết vẫn giảng dạy hăng say. Lại có giáo viên hứng chí thế nào lại ấn nút “leave” (thoát) báo hại cho cả lớp bị “out” hết ra ngoài. Việc học các kỹ năng thiết kế bài giảng, xử lý công nghệ máy tính cũng khiến cho nhiều giáo viên “toát mồ hôi hột” thời gian dài, nhất là giáo viên lớn tuổi.

Chuyện dạy học bị đứt mạng hoặc học sinh bỗng “mất tích” là chuyện “thường ngày ở huyện”. Thầy giáo Thanh Tùng, giáo viên chủ nhiệm môn Toán cho hay, dạy online khi mạng bị lỗi gây ức chế cho thầy và trò, giảm chất lượng bài giảng. “Thời gian giảng bài 30 phút nhưng thầy trò chúng tôi phải kéo dài tới 45 - 60 phút. Nhiều phụ huynh phàn nàn tiết học lê thê, quá dài. Họ ngồi kèm con học mà thấy sốt ruột”. Thầy giáo Thanh Tùng cho rằng, việc kéo dài thời gian không phải vì giáo viên xây dựng bài giảng quá dài mà do thầy trò đều chưa quen với việc học trực tuyến. Nhiều khi chờ các em đăng nhập, điểm danh xong đã mất vài chục phút. Thậm chí, có học sinh khi vào được hệ thống, buổi học trực tuyến chỉ còn 5 - 10 phút thì kết thúc. Chưa kể, trong quá trình học còn trục trặc về kết nối mạng, học sinh bị “out”, “mất tích”. Thầy và trò lại “mỏi mắt tìm nhau”. Buổi học bị gián đoạn ít nhiều”.

Việc quản lý học sinh cũng khiến các thầy cô đau đầu. Nếu ở các lớp học trực tiếp, giáo viên chỉ cần đảo mắt là biết ngay việc học tập của học sinh có nghiêm túc hay không. Nhưng học online, giáo viên phải tập trung máy tính, mở powerpoint vừa giảng bài nên khó có thể quan sát 40 - 50 em học sinh. Có học sinh lấy lý do nhà hỏng camera, giáo viên càng khó để biết học sinh đó đang làm gì. Có học sinh dù mở “cam” nhưng vẫn có thể vừa nghe giảng, chat tán ngẫu với bạn, chơi game, xem phim, đọc báo… Việc quản lý này đều nằm ngoài sự quan sát của giáo viên.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Giảm nhiệt huyết khi bị nghe... tạp âm

Ngoài ra, những tạp âm ở bên ngoài khiến cho việc dạy và học vỡ trận. Thầy giáo Hùng Lâm (Gia Lâm, Hà Nội) cho hay, việc học của thầy trò thường xuyên bị gián đoạn bởi các tạp âm. “Có lần, tôi đang giảng thì bỗng nhiên ở trong máy, tiếng chửi bới nhau của đôi vợ chồng nào đó nghe inh tai, buốt óc. Sau khi tìm hiểu mới tả hỏa, đó tiếng của bố mẹ học sinh quên không tắt mic. Lại có phụ huynh nói chen vào khi con đang phát biểu: “Thầy Lâm ơi, giọng thầy ở màn hình cứng đơ thế thì con tôi làm sao hiểu được bài?”. Câu nói đó của phụ huynh khiến cả lớp xì xào, tôi thì tái mặt. Dạy online, không chỉ học sinh nghe mà cả gia đình học sinh cũng nghe, bình phẩm. Đúng là làm dâu trăm họ!” - thầy Lâm cảm thán.

Áp lực lớn nhất vẫn là trăn trở của giáo viên làm thế nào dạy học trực tuyến đảm bảo được mục tiêu kép giúp học sinh được học tập trong điều kiện an toàn nhưng vẫn đảm bảo phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh. Một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng dạy học là cảm hứng và nhiệt huyết của giáo viên. Việc tạo các hình huống kích thích sáng tạo cho các em cũng khó thực hiện hơn như trong lớp truyền thống… Khi giảng bài trực tiếp, nhìn vào ánh mắt học sinh, thầy cô sẽ biết được chỗ nào học sinh đã hiểu, chỗ nào chưa để điều chỉnh. Nhưng online, giáo viên khó làm được điều đó. Tương tác với trò thông qua mạng phần nào hạn chế. Và khi học sinh không hiểu bài, không dám hỏi giáo viên lại càng dễ chán học.

Việc chuyển đổi bài giảng để trình chiếu khiến khối lượng công việc của giáo viên cũng nhiều thêm. Trong buổi học cần làm nhiều hoạt động tương tác khác nhau, xen kẽ cách nhau khoảng 20 phút, bằng cách dùng thêm các ứng dụng online khá phức tạp. Ngoài việc chấm bài, các giáo viên phải nhanh chóng phản hồi bình luận và trợ giúp về kĩ thuật cho học sinh, phụ huynh qua tin nhắn: Viber, Zalo, Facebook...

Có một thực tế, dạy học trực tuyến tại mỗi trường, giáo viên chủ yếu dựa vào điều kiện của mình mà triển khai. Chính vì vậy, dạy học trực tuyến vẫn bị động, thiếu sự thống nhất về chương trình, nội dung, thời lượng… giữa các địa phương, nhà trường.

Cô giáo Hoàng Lan (Mỹ Đình, Hà Nội) đưa ra gợi ý để việc dạy online có hiệu quả. Theo đó, các giáo viên kiểm tra cẩn thận tất cả các thiết bị, dịch vụ cần thiết như internet, máy tính, nguồn điện… trước khi dạy học online. Giáo viên nên quay clip ngắn các bài giảng với nội dung mới mẻ, sáng tạo. Khi đã có clip, vào tiết học, giáo viên phát clip ấy. Sau đó, giáo viên và học sinh dành thời gian trực tuyến để tương tác, trao đổi những phần bài học sinh không hiểu. Giáo viên có thể yêu cầu học sinh bất kỳ giơ vở trước camera hoặc gọi trả lời câu hỏi giáo viên đưa ra để kiểm tra việc ghi chép cũng như học sinh có hiểu bài, lắng nghe giảng hay không.

Giáo viên tăng cường khuyến khích học sinh, sinh viên đưa ra những câu hỏi hoặc những nghi ngờ liên quan đến chủ đề của bài học. Bên cạnh đó bạn có thể thiết lập một diễn đàn thảo luận trực tuyến cho việc này. Giáo viên cần có kênh liên lạc, nhóm chat bằng Zalo hay Facebook để thông báo kịp thời cho phụ huynh về sự học bất thường của học sinh.

Với khẩu hiệu “Tạm dừng đến trường, nhưng không ngừng việc học”, hiện các trường tăng cường tập huấn kỹ năng, phương pháp dạy học trực tuyến cho giáo viên. Các trường cũng đang tăng cường cơ sở vật chất, tận dụng tối đa các phương tiện để hỗ trợ cho giáo viên khi dạy học trực tuyến. Các trường tiến hành định hướng, thiết kế nội dung, chương trình dạy học cần phù hợp và phát huy sự tương tác với học sinh. Gia đình học sinh có trách nhiệm hỗ trợ, giám sát, phối hợp, tạo điều kiện cho học sinh tham gia quá trình học tập trực tuyến, hoàn thành nhiệm vụ và nộp bài tập cho giáo viên.

Mới đây, trên trang cá nhân, Vương Đan Linh có đăng tải câu chuyện khiến cư dân mạng được phen cười ra nước mắt “Câu chuyện diễn ra mỗi ngày, trong khi con gái thân yêu của mẹ còng cả lưng để làm PowerPoint cho mẹ thì cứ trung bình 30s/lần mẹ sẽ gọi í ới bên cạnh: “Móm ơi, cứu mẹ quả này con ơi! Ôi Móm ơi, loa của nó ở đâu! Ôi Móm ơi, mẹ copy đoạn này không được. Ôi Móm ơi, cái này tự dưng nó bị bé lại! Ôi Móm ơi, sao mẹ không đổi được màu hả con!” và 7749 những câu gọi tương tự như vậy nữa...

Xong mẹ bảo: “Con ơi con up cho mẹ cái đề lên Teams”, mình cũng làm ngay lập tức. Cứ tưởng chỉ up cái file lên thôi, nhưng không, sự thật là phải nhập từng câu hỏi vào như làm Google Form... Sau khi nhập gần đủ 20 câu hỏi, mỗi câu 4 đáp án lên cái công cụ kia theo hướng dẫn của mẹ, mẹ lại gọi đồng nghiệp nhờ trợ giúp cài đặt đáp án đúng.

Hóa ra là không phải up thẳng lên Teams mà phải điền qua Google Form trên Office 365, sau đó mới up qua Teams. Tóm tắt lại là gì? Là mình phải nhập lại 20 câu hỏi cộng 4 đáp án, mỗi câu vào một cái Form khác, gõ 3 lần. Mẹ mình còn cười hề hề, mẹ quên con ạ”.

Đọc thêm