Quyết định gây sốc
Sau khi có báo cáo số 8444 ngày 1/11/2018 gửi Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết kiến nghị của Công ty TNHH Vipico liên quan đến việc UBND TP Đà Nẵng đòi hủy kết quả đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, ngày 16/11/2018, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành quyết định số 5443 hủy bỏ quyết định công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất đối với lô đất số 20A Võ Văn Kiệt, quận Sơn Trà mà Công ty cổ phần Vipico đã trúng đấu giá và nộp đủ tiền sử dụng đất.
Quyết định của UBND TP Đà Nẵng thực sự là gáo nước lạnh dội vào tâm huyết của nhà đầu tư. Đây là quyết định gây thiệt hại đến cả trăm tỷ cho nhà đầu tư, bởi ngoài số tiền đặt cọc bị TP “sung công” khoảng 60 tỷ đồng thì nhà đầu tư còn phải chịu thiệt hại hàng chục tỷ về lãi suất đối với khoản vốn đầu tư 653 tỷ đồng trong suốt thời gian hơn 1 năm qua.
Lô đất số 20A Võ Văn Kiệt, quận Sơn Trà được đem ra đấu giá có diện tích hơn 1,14 hecta, được giao đất theo hình thức đấu giá để thực hiện dự án đầu tư. Do vậy, phải nói rằng việc đấu giá quyền sử dụng đất công khai là một hình thức kêu gọi đầu tư vào TP Đà Nẵng. Khi doanh nghiệp đã trả giá cao hơn giá khởi điểm thì phải nói rằng đây là tâm huyết để doanh nghiệp đầu tư vào TP Đà Nẵng.
Việc TP Đà Nẵng hủy kết quả đấu giá đất, thu tiền đặt cọc của doanh nghiệp khiến cho việc đầu tư hơn 1 năm và mất cả trăm tỷ thực sự là một cú sốc đối với doanh nghiệp đã mong muốn đầu tư vào Đà Nẵng.
Trong quyết định hủy kết quả đấu giá, UBND TP Đà Nẵng tiếp tục cho rằng, Công ty cổ phần Vipico đã thực hiện không đúng cam kết tại phiếu đăng ký đấu giá, phương án đấu giá do doanh nghiệp này chậm nộp tiền đợt 2 là 52 ngày.
Quyết định của UBND TP Đà Nẵng cũng viện dẫn báo cáo của Kiểm toán nhà nước trong đó có nội dung, Công ty cổ phần Vipico chậm nộp tiền đợt 2 là 52 ngày nhưng TP chưa hủy kết quả đấu giá và thu hồi tiền đặt cọc là trái với các quyết định của TP về ban hành quy chế đấu giá.
Trong các văn bản của TP Đà Nẵng và cả phiếu đấu giá theo mẫu mà doanh nghiệp nộp khi tham gia đấu giá có quy định về thời hạn nộp tiền và người trúng đấu giá không nộp tiền đúng thời hạn thì hủy kết quả đấu giá. Do đó, UBND TP Đà Nẵng đã viện dẫn các văn bản trên làm cơ sở cho việc hủy kết quả và coi đó như là thỏa thuận hủy kết quả đấu giá chứ không phải là ý chí đơn phương của UBND TP Đà Nẵng khi ban hành một quyết định gây thiệt hại cảm trăm tỷ cho doanh nghiệp.
Đi tìm nguyên nhân
Nhưng lý do thật sự của việc hủy kết quả có đúng là do doanh nghiệp chậm nộp tiền đấu giá hay vì lý do khác? Bởi lẽ, nếu muốn không hủy kết quả đấu giá, TP Đà Nẵng có quá nhiều lý do để bảo vệ kết quả đấu giá quyền sử dụng đất mà mức giá bán gần gấp đôi giá khởi điểm này.
Trước hết, về căn cứ pháp luật, việc chậm nộp tiền đã được doanh nghiệp báo cáo và xin gia hạn do cuối năm 2017, việc thu xếp nguồn vốn chưa kịp tiến độ. Doanh nghiệp đề nghị chính quyền thành phố hỗ trợ gia hạn, điều mà chính quyền địa phương có chỉ số CPI cao như Đà Nẵng vẫn thường làm.
Do vậy, chuyện nôp chậm 52 ngày không phải là quá chậm. Doanh nghiệp cũng đã nộp tiền chậm nộp. Mọi việc đã xong và doanh nghiệp hoàn toàn có quyền tiến hành các bước đầu tư tiếp theo, hà cớ gì phải hủy kết quả đấu giá. Nếu doanh nghiệp chậm nộp mà chưa nộp thì việc hủy kết quả đấu giá là một nhẽ khác.
Về ý kiến các Bộ, ngành cũng đã nêu rất rõ, không có cơ sở pháp lý để hủy kết quả đấu giá. Trong đó, ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường (quản lý về đất đai), ý kiến của Bộ Tư pháp (quản lý nhà nước về đấu giá tài sản), ý kiến của Bộ Tài chính (quản lý nhà nước về thu ngân sách) đều cho rằng không có cơ sở hủy kết quả đấu giá. Các Sở như Tài chính, Tư pháp, Tài nguyên môi trường cũng nêu rõ không có cơ sở hủy kết quả đấu giá.
Với ý kiến và quan điểm về áp dụng pháp luật của các Bộ, các Sở càng là cơ sở pháp lý vững chắc cho việc nói “không” đối với quyết định hủy kết quả đấu giá đất.
Vậy tại sao TP Đà Nẵng lại quyết hủy kết quả đấu giá đất? Có lẽ cần nhìn dưới góc độ lợi ích. Đây là một lô đất đẹp, “đất vàng” mà qua đấu giá, đã rơi vào tay một doanh nghiệp xa lạ như Công ty Vipico, chứ không phải một doanh nghiệp của Đà Nẵng có thể là một nguyên nhân.
Nhìn vào danh sách tham gia đấu giá, các cái tên rất thân quen với Đà Nẵng gồm ông Thân Quý Phái, đại diện cho Công ty cổ phần đầu tư xây dựng công trình 577 (CIENCO 577).
Ba cái tên còn lại là ông Nguyễn Toàn, ông Phạm Viết Thắng và ông Đinh Ngọc Lộc đều là đại diện cho các doanh nghiệp có trụ sở tại TP Đà Nẵng. Đặc biệt, trong quá trình đấu giá, ông Phạm Viết Thắng và ông Đinh Ngọc Lộc đã “đấu giá” với mức giá rất thấp. Ông Thắng trả giá đúng bằng giá khởi điểm, ông Đinh Ngọc Lộc trả cao hơn 2,6 triệu đồng/m2.
Trong “thủ thuật” của nghề đấu giá, việc nhiều doanh nghiệp tham gia đấu giá và trả giá “loanh quanh” quá khởi điểm nhằm hai mục đích là “ghìm giá” và thứ hai là “tạo mầu” cho đơn vị trả cao hơn để đạt mục tiêu “trúng đúng đối tượng”. Với các mức giá được đưa ra trong phiên đấu giá lô đất A20 Võ Văn Kiệt, có dấu hiệu cho thấy những đơn vị trả giá thấp không có ý mua lô đất này mà tham gia với mục đích khác.
Ngược lại, Vipico là doanh nghiệp từ Hà Nội vào, có mục đích đầu tư thực sự và trả giá cao nhất là 56,8/m2 triệu đồng, cao hơn người liền kề gần 13 triệu đồng/m2 và cao hơn giá khởi điểm gần 23 triệu đồng/m2. Việc Công ty Vipico đưa ra mức giá cao như trên là bất ngờ với 4 doanh nghiệp còn lại, khiến cho cả 4 doanh nghiệp này thất bại trong kế hoạch thâu tóm đất vàng với giá “hợp lý”. Nhóm các doanh nghiệp có liên quan đến Đà Nẵng tham gia đấu giá là “4” hay là “1” thì chỉ nhóm này biết và nhóm doanh nghiệp này có thể sẽ được lợi nếu kết quả đấu giá bị hủy bỏ.
Việc đưa ra quyết định hủy kết quả đấu giá rõ ràng là thiếu thuyết phục nhưng vấn đề "nhóm lợi ích" mới thực sự cần được làm rõ trong vụ việc này. Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về sự việc trong các số báo tiếp theo./.