Trước đây nếu người được chào không trả lời là người mời rời đi. Nhưng nay có khi người được chào phải lắc đầu, thậm chí lên tiếng “tui không mua” thì người bán mới rời đi.
Thời gian qua, một số tờ báo cũng đã có một số bài điều tra, phản ánh tình trạng ngày càng có nhiều người mất việc từ các TP lớn trở về quê và chuyển sang nghề bán vé số dạo. Thực tế đó dẫn đến việc nhiều đại lý từ chối người bán mới, tình trạng phải “cạnh tranh” để có vé bán giữa những người bán vé số xảy ra. Tiếp đó một số đại lý ra “luật ngầm”, chỉ chấp nhận vé trả vào 12h trưa; người nào trả nhiều thì lần sau sẽ không được lấy nhiều vé nữa; thậm chí từ chối nhận lại vé số ế; và cắt thêm phần trăm hoa hồng của người bán trực tiếp. Đó là lý do dẫn đến việc người bán vé số dạo càng phải bán “quyết liệt” hơn, thậm chí chấp nhận “ôm” vé số ế.
Hôm qua (24/7), tại Hội nghị Xổ số kiến thiết (XSKT) khu vực miền Nam lần thứ 130 (tổ chức ở TP Cần Thơ), đại diện Hội đồng XSKT khu vực miền Nam cho biết, 6 tháng đầu năm doanh số phát hành xổ số truyền thống đạt 69.920 tỉ đồng, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm 2022.
Doanh thu đạt 68.843 tỉ đồng, tăng 16,41% với tỉ lệ tiêu thụ bình quân khu vực đạt 98,46%, trong đó có nhiều Cty XSKT đạt 100%. Lợi nhuận đạt 8.784 tỉ đồng, tăng 10,45%.
Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch Hội đồng giám sát XSKT Cần Thơ nhận định, mặc dù kinh tế khó khăn, doanh nghiệp gặp khó nhưng lĩnh vực xổ số của TP không ảnh hưởng nhiều. Sáu tháng đầu năm Cty XSKT Cần Thơ nộp ngân sách đạt 55%, các chỉ tiêu về doanh số, tỉ lệ tiêu thụ, lợi nhuận các mức tăng trưởng đạt rất khá.
Theo báo cáo của Hội đồng XSKT khu vực miền Nam, tỉ lệ tiêu thụ bình quân trên 98%, “nói chín mươi mấy phần trăm chứ thật ra 100%, ở đây bán chưa tới giờ xổ, chưa tới ngày đã hết vé rồi”, ông Hồng nói. “Theo báo cáo của Cty XSKT Cần Thơ, các Cty cũng mong muốn phát hành tăng vé số, tăng lượng phát hành lên vì doanh số, đạt lợi nhuận rất cao”.
Tại Hội nghị, đại diện Hội đồng XSKT khu vực miền Nam cho biết, ghi nhận xuất hiện yếu tố có thể làm mất ổn định; có chuyện đại lý tăng giá vé, không cho trả vé ế. Tại một số nơi ở Cần Thơ, người bán dạo tràn xuống lề đường chào mời bán vé số nguy cơ mất an toàn giao thông. Tuy nhiên, đơn vị này đã có văn bản gửi Bộ Tài chính xin tăng doanh số phát hành từ 1/10.
Vẫn biết do làm ăn ngày càng khó khăn, một số người bỏ tiền ra mua vé số để cầu may, hy vọng đổi đời. Vẫn biết bán hay mua vé số là quyền tự do chứ không ai bắt ép. Vẫn biết tâm lý thói quen của mỗi vùng miền địa phương đều phải được tôn trọng. Nhưng câu chuyện người bán vé số ngày càng bị “o ép” mới kiếm được miếng ăn, là điều khiến chúng ta thấy xót xa.