Phim kinh dị Việt hút khán giả

(PLVN) - Phim kinh dị Việt Nam đang được lòng khán giả khi lấy bối cảnh quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày cùng với màu sắc u ám, trầm uất khiến ai cũng phải sợ hãi, kích thích sự tò mò. Không thua kém các bom tấn kinh dị nước ngoài, phim kinh dị Việt Nam đã và đang chứng minh được sức hút của mình nhận được đông đảo sự quan tâm của giới mộ điệu.
Bối cảnh ma mị, liêu trai hù dọa khán giả ở những bộ phim kinh dị. (Ảnh minh họa)
Bối cảnh ma mị, liêu trai hù dọa khán giả ở những bộ phim kinh dị. (Ảnh minh họa)

Lần đầu tiên có phim kinh dị cổ trang

Lần đầu tiên tại Việt Nam, phim truyền hình có một tác phẩm kinh dị cổ trang, được chuyển thể từ tiểu thuyết ăn khách mang tên “Tết ở làng Địa Ngục” với sự tham gia của dàn sao đa thế hệ từ hai miền Bắc - Nam như Quang Tuấn, Nguyên Thảo, Võ Tấn Phát, Lan Phương, NSND Ngọc Thư, NSƯT Phú Đôn, NSƯT Văn Báu…

“Tết ở làng Địa Ngục” được đạo diễn Trần Hữu Tấn chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên từng gây sốt trong năm 2022 của nhà văn Thảo Trang gồm 12 tập phim sẽ được phát sóng trên kênh truyền hình K+ vào tháng 10/2023. Bộ phim xoay quanh những cái chết kỳ dị, man rợ xuất hiện ngày càng nhiều ở làng Địa Ngục - nơi nương náu hiện giờ của con cháu băng cướp khét tiếng một thời trong quá khứ. Mỗi ngày trôi qua, hàng loạt điềm báo, án mạng bi thảm không ngừng xảy đến với những người dân làng vô tội.

Phải chăng hậu duệ của băng cướp giờ đây đang đối mặt với nghiệp dữ do tội ác cha ông họ để lại, hay mọi chuyện đều do một hình nhân thế mạng đứng phía sau, thao túng và đang lên kế hoạch tận diệt từng sinh mạng dân làng vô tội bằng loại quỷ thuật điên rồ chẳng ai ngờ tới? Với nội dung kịch tính và nhiều nút thắt, người xem dễ dàng bị cuốn theo từng vụ án mạng trong ngôi làng. Hai yếu tố trinh thám và kinh dị được đạo diễn tập trung sử dụng để tạo ra không gian hoang vu cùng các tình tiết bí ẩn, gây tò mò. Nhiều nút thắt xoay quanh lời nguyền từ tổ tiên để lại, khán giả khó có thể đoán ra ai là nạn nhân tiếp theo hay thủ phạm thật sự, đứng ngồi không yên để theo dõi trọn vẹn 12 tập phim.

Ngoài ra, “Tết ở làng Địa Ngục” cũng là bộ phim hiếm hoi khai thác chất liệu văn hóa dân gian Việt Nam theo cách độc lạ với nhiều hình ảnh mang tính biểu tượng. Phim xây dựng một bầu không khí vừa quen vừa lạ với cảnh núi rừng Đông Bắc âm u, hùng vĩ. Sự tương quan giữa bối cảnh và chuyện phim càng góp phần củng cố chất ly kỳ, rùng rợn đặc biệt của series kinh dị dài tập này. Trong đó, ngôi làng Sảo Há (Hà Giang) - nơi được chọn làm bối cảnh phim - hoang sơ mang vẻ đẹp ma mị nay càng thêm huyền bí thông qua những góc máy toàn cảnh, ghi trọn sự hùng vĩ của rừng tre, ruộng ngô hay làm đậm thêm chất liệu dân gian với những ngôi làng cổ.

Tết ở làng Địa Ngục - phim kinh dị cổ trang. (Ảnh minh họa)

Tết ở làng Địa Ngục - phim kinh dị cổ trang. (Ảnh minh họa)

“Tết ở làng Địa Ngục” cũng mong muốn không chỉ hút khách Việt mà còn có thể “đốn tim” những khán giả ngoại quốc như bộ phim “Trại hoa đỏ” của đạo diễn Victor Vũ. “Trại hoa đỏ” đã chính thức phát sóng trên gần 200 nước qua nền tảng Netflix. Đây không chỉ là niềm vui của nam đạo diễn mà còn là niềm vui chung của phim Việt. Đạo diễn Victor Vũ cho biết “Trại hoa đỏ” là dự án phim dài tập có thể loại hiếm hoi của phim Việt khai thác đề tài trinh thám, kinh dị, mang đậm tính quốc tế và được đầu tư chỉn chu theo chất lượng phim điện ảnh. Lấy cảm hứng từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả Di Li, bộ phim “Trại hoa đỏ” đã đem đến cho người xem những giây phút hồi hộp bởi những tình huống gay cấn.

“Trại hoa đỏ” gồm 8 tập, mỗi tập 60 phút, xoay quanh chuyến nghỉ dưỡng của đôi tình nhân sắp cưới. Lưu (diễn viên Quốc Huy) - doanh nhân lĩnh vực du lịch đưa Vỹ (diễn viên Trâm Anh) - vợ chưa cưới và con trai riêng của cô đến “Trại hoa đỏ” để giám sát xây dựng khu nghỉ dưỡng. Từ lúc đặt chân đến đây, Vỹ liên tục nằm mơ thấy ác mộng, đồng thời bị quấy phá bởi nhiều hiện tượng kỳ lạ. Một ngày nọ, một xác chết nổi lên giữa hồ khiến những người có mặt trong “Trại hoa đỏ” đều trở thành nghi phạm...

Đẩy khán giả vào không khí âm u của vùng núi hoang sơ nhuốm màu tâm linh kỳ bí, “Trại hoa đỏ” tạo ra thế giới riêng biệt và đặc sắc trên màn ảnh. Bộ phim duy trì nhịp kể lôi cuốn, dẫn khán giả qua nhiều khúc cua, khéo léo gieo tò mò ở cuối mỗi tập. Phim nhiều căng thẳng về tâm lý, gây sợ hãi vì yếu tố tâm linh, nhưng sau cùng tạo nên những khoảnh khắc xúc động về tình thân và lòng người.

Phim kinh dị Trại hoa đỏ đã đốn tim những khán giả trong và ngoài nước. (Ảnh trong phim)

Phim kinh dị Trại hoa đỏ đã đốn tim những khán giả trong và ngoài nước. (Ảnh trong phim)

Chất “liêu trai” thấm đẫm trong phim

Phim kinh dị theo nghĩa gốc, là những tác phẩm điện ảnh có nội dung liên quan đến những kẻ nổi loạn, những cuộc phiêu lưu và huyền bí gây cảm xúc kinh hoàng. Phim kinh dị thường rất chú trọng phần âm thanh sống động tâm trạng gây lo lắng, sợ hãi, phấn khích đồng thời tạo ra một bầu không khí, tạo ra một sự căng thẳng tinh thần cho người xem. Đây là loại phim không dành cho những khán giả yếu tim.

Phim kinh dị luôn là món ăn tinh thần giúp khán giả thoát ly hoàn toàn khỏi thế giới thực tại, quên bẵng đi những căng thẳng, vất vả thường nhật, dù chỉ là trong chốc lát. Nó đã khuấy động những sợ hãi tiềm thức của người xem. Đơn giản con người ta luôn muốn thấy những thứ mà mình sợ, càng sợ càng muốn xem mà tò mò vốn là thứ bản năng lâu đời nhất của con người. Các nhà làm phim Việt từ lâu cũng đã chú ý đến dòng phim này, và khán giả trong nước cũng đã từng được xem một số tác phẩm chất lượng.

Phim kinh dị Việt Nam đã xuất hiện vào những năm 70 của thế kỷ 20. Khi đó, từng có một vài bộ phim thực sự kéo người xem đến rạp như “Lệ đá” (1971), “Con ma nhà họ Hứa” (1973). Vào đầu thập niên 1990, khán giả yêu điện ảnh Việt bắt đầu được chứng kiến sự trở lại của thể loại phim kinh dị với “Ngôi nhà oan khốc” và “Chiếc mặt nạ da người” của đạo diễn Nguyễn Chánh Tín.

Đầu những năm thế kỷ XXI, những bộ phim kinh dị đua nhau “trình làng” để hù dọa người xem. Có thể điểm tên: “Khi yêu đừng quay đầu lại”, “Mười”, “Suối oan hồn”, “Lời nguyền huyết ngải”, “Giữa hai thế giới”, “Ngôi nhà trong hẻm”, “Giao lộ định mệnh”, “Biết chết liền”, “Bóng ma học đường”, “Cột mốc 23”, “Scandal- Bí mật thảm đỏ”, “Đoạt hồn”, “Scandal - Hào quang trở lại”, “Mất xác”, “Bẫy cấp ba”, “Chung cư ma”, “Thám tử Hênry”, “Ngủ với hồn ma”, “Oan hồn”, “Ma dai”, “Hợp đồng bắt ma”, “Con ma nhà họ Vương”, “Chết lúc nửa đêm”, “Bẫy cấp 3”, “Những con búp bê”, “Mùa Noel năm ấy”, “Cô hầu gái”, “Linh Duyên”, “Lời nguyền gia tộc”, “Thang máy”, “Bắc Kim Thang”, “Thất sơn tâm linh”, “Pháp sư mù”, “Nhà không bán”, “Chuyện ma gần nhà”, “Cô gái từ quá khứ”… Các bộ phim kinh dị vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Điểm mặt tất cả các phim, có thể thấy chất “liêu trai” thấm đẫm trong hầu hết các chuyện tình giữa ma và người, cộng thêm một vài linh hồn oan khuất lởn vởn đòi nợ máu; những cảnh ma trong phim đều hiện lên giữa một không gian với những ngọn nến leo lét, ánh trăng mờ ảo, không khí lạnh lẽo, âm u... kèm theo những tiếng gào thét, tiếng rên la ghê rợn. Đó chỉ là yếu tố, còn sử dụng chúng như thế nào để tạo nên logic cho câu chuyện và cảm giác sợ hãi thật sự cho khán giả là cái tài của mỗi nhà làm phim.

Tết ở làng Địa Ngục có nhiều tình tiết ly kỳ, hấp dẫn những khán giả ưa mạo hiểm. (Ảnh trong phim)

Tết ở làng Địa Ngục có nhiều tình tiết ly kỳ, hấp dẫn những khán giả ưa mạo hiểm. (Ảnh trong phim)

Đối với các nhà sản xuất, phim kinh dị chưa bao giờ là dễ làm. Cái khó đầu tiên là truyền được nỗi sợ hãi đến với khán giả vì xem phim kinh dị mà không sợ là thất bại. Có nhiều cách để làm, chẳng hạn như hiệu ứng quay phim, cách kể chuyện, diễn xuất của diễn viên, thắt nút các sự kiện…

Để qua cửa kiểm duyệt, các phim kinh dị gần đây cho thấy đều có một con ma “ngang nhiên” tồn tại trên phim, nhưng để giải quyết đến cùng câu chuyện thì nhà làm phim luôn phải chấp nhận rằng con ma ấy là sản phẩm của sự ám ảnh, của nỗi khiếp sợ, hoặc trong giấc mơ chứ không hề có thật. Chọn cách này có lẽ cũng là cách nửa vời của cái sợ, nửa vời hù dọa.

Cái khó nữa là một phim kinh dị không chỉ là truyền nỗi sợ hãi mà còn gây xúc động bởi thông điệp và nội dung của bộ phim. Dù rất khó khi qua cửa ải kiểm duyệt, nhưng các đạo diễn thích làm phim kinh dị bởi đó là dòng phim… hút khách. Làm phim kinh dị không quá tốn tài chính hay phức tạp về bối cảnh như phim về chiến tranh, lịch sử… Một phim kinh dị, nếu đạo diễn giỏi, hóa trang tốt, một kịch bản thông minh thì với mức kinh phí khiêm tốn cũng có thể làm cả rạp phim... gào lên vì sợ! Có thể thấy phim kinh dị đang là mảnh đất màu mỡ của các nhà sản xuất hứa hẹn phá vỡ kỷ lục doanh thu phòng vé và xuất ngoại.

Sự cộng hưởng từ nhu cầu thưởng thức và tinh thần cầu tiến của các nhà phim sẽ là điểm sáng giúp cho phim kinh dị “made in Vietnam” thu hút hàng triệu khán giả Việt và sớm “định vị” trên bản đồ điện ảnh thế giới.

Đọc thêm