Phim tài liệu Việt Nam và ước mơ ra rạp thương mại

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trước sự phát triển mạnh mẽ của phim truyền hình cũng như sự phong phú của các thể loại phim nước ngoài, phim tài liệu Việt Nam đang “loay hoay” tìm cách thu hút khán giả, nhất là tại rạp chiếu thương mại.
Hình ảnh trong phim “Những đứa trẻ trong sương”.
Hình ảnh trong phim “Những đứa trẻ trong sương”.

Hàng loạt bộ phim đạt giải thưởng cao

Những năm qua, phim tài liệu Việt Nam đã giành một số giải thưởng quốc tế. Phim tài liệu “Người đừng khóc cuối đường” đã vinh dự giành giải xuất sắc tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế Không biên giới DWBIFF năm 2024. “Những đứa trẻ trong sương” đã thắng nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim thế giới. Tiêu biểu như giải Đạo diễn xuất sắc tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế Amsterdam (Hà Lan), phim tài liệu Đông Nam Á xuất sắc tại Liên hoan phim Balimakarya (Indonesia), Giải thưởng Lớn tại Liên hoan phim giáo dục (Pháp), lọt top 15 Oscar…

“Lên thành phố” với những câu chuyện đời của nữ lao động trẻ nhập cư trên địa bàn Hà Nội đã được trao giải thưởng tại Liên hoan phim “Những thành phố tốt đẹp hơn” năm 2020 tại Mỹ. Phim tài liệu 5 tập “Không lùi bước” xuất sắc đoạt giải A Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư năm 2022 - 2023.

Ngoài ra, công chúng được biết tới những bộ phim tài liệu Việt Nam đạt giải thưởng “Cánh diều vàng” và các giải thưởng của truyền hình như: “Hai đứa trẻ”; “Nhật kí của ba”, “Mẹ ơi con đã về”, “Muốn về nhà”. “Giọt nước giữa đại dương”; “Những người giữ biển”, “Những người chốt giữ thành cổ”, “Từ trái tim đến trái tim”, “Mộ gió”, “Ánh sáng tháng mười”, “Bản tình ca của đá”, “Hành trình bất tận”, “Miền đất hứa”, “Về quê hương mẹ”…

Các phim đều đề cập đến những vấn đề bức xúc của cuộc sống, hoàn thành vai trò người chép sử bằng hình ảnh. Các tác giả đã bám sát thực tế và phản ánh nhiều khía cạnh đa dạng, đa chiều về hoàn cảnh, về cuộc sống của người dân lao động từ miền núi, vùng sâu, vùng xa đến biên giới hải đảo. Có thể nhận thấy bước chuyển trong tư duy sáng tạo của nhiều tác giả trẻ. Một số phim có cách làm mới như không có lời bình của tác giả mà chỉ có lời tự sự, phỏng vấn nhân vật. Một số phim có độ dài vượt khung truyền thống 30 phút, kéo dài với dung lượng từ trên 50 phút đến 86 phút nhưng vẫn bảo đảm sự cuốn hút từ đầu đến cuối.

Làm gì để hết “loay hoay” tìm khán giả?

Dù phim tài liệu có nhiều bước tiến, thế nhưng, để thu hút nhiều khán giả xem, nhất là phim chiếu rạp thương mại là điều không hề dễ dàng. Bộ phim tài liệu điện ảnh: “Những đứa trẻ trong sương”, “Người giữ thời gian”, “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”, “Lửa thiện nhân”, “Chuyện ngày hôm qua” là số ít phim ra rạp thương mại thu hút một lượng khán giả nhất định.

NSND Nguyễn Như Vũ lý giải, khán giả xem phim ngoài rạp chủ yếu độ tuổi từ 15 - 25. Không phải ai cũng thích xem phim tài liệu. Cộng thêm thói quen ra rạp xem phim tài liệu của khán giả lâu nay vẫn ì trệ. Các rạp chiếu phim e ngại sắp xếp suất chiếu. Cùng đó, phim tài liệu ở Việt Nam muốn ra rạp phải biết chọn đề tài, đối tượng và thời điểm. Ví như phim “Chuyện ngày hôm qua” ra rạp đúng dịp tròn một năm ngày mất của Trần Lập, nên nhận được sự quan tâm khán giả. Ông Vũ chia sẻ thêm, phim tài liệu là một thể loại phim khó làm, khó sản xuất và khó kinh doanh. Hiếm có nhà đầu tư nào bỏ tiền ra để làm phim tài liệu. Và việc ra rạp bán từng suất vé không hề đơn giản. Đây là thực tế ở trên toàn thế giới chứ không riêng ở Việt Nam.

Khi hệ thống rạp chiếu thương mại hoặc có vốn đầu tư nước ngoài chiếm đa số trong thị trường chiếu bóng Việt, họ sẽ chọn những phim giải trí hoặc phim nước ngoài chiếu bởi những tác phẩm đó bảo đảm yếu tố doanh thu. Phim tài liệu, dù xuất sắc đến đâu, nhưng việc trình chiếu ngoài rạp là một rủi ro lớn cho nhà phát hành, đặt trong bối cảnh thị trường chiếu bóng khó lường hiện nay.

Thế nên, dù phim tài liệu được giới chuyên môn đánh giá cao và đạt giải thưởng ở quốc tế hay Bông Sen vàng, Cánh Diều vàng… thì việc đưa nó ra rạp vẫn là ước mơ của nhiều nhà làm phim. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên từng cho rằng, người làm phim không thể kêu gọi khán giả hoặc bắt khán giả đến xem phim tài liệu. Thay vào đó, người làm phim nên tạo dựng sự đam mê cho khán giả, bắt đầu từ những người trẻ. Có thể bắt đầu từ việc tạo điều kiện để các em học sinh phổ thông biết đến phim tài liệu, học cách làm phim tài liệu, hướng dẫn các em cách thức làm phim tài liệu như thế nào, phong cách, trường phái để các em có sự lựa chọn…

“Để thu hút khán giả, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, ngoài việc phát trên sóng truyền hình, Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương nên mở rộng diện phủ sóng của các phim được sản xuất trên Youtube hay một vài kênh, mạng xã hội…” - NSND Nguyễn Như Vũ chia sẻ. Nghệ sĩ Ưu tú Trịnh Quang Tùng, Phó Tổng Giám đốc Hãng Phim tài liệu và khoa học Trung ương cho rằng cần có cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhà làm phim thể loại tài liệu được mệnh danh “khô - khó - khổ”. Cụ thể, việc hỗ trợ kinh phí sản xuất, phát hành trên hệ thống rạp, quảng bá, giới thiệu phim, đặc biệt với những nhà làm phim tài liệu độc lập... là rất cần thiết.

Đọc thêm