Phim Việt đang thừa “cảnh nóng”?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhiều bộ phim Việt ra rạp gần đây được quảng bá mạnh, lấy yếu tố “cảnh nóng” để hút khách, nhưng vẫn không đạt kết quả như ý, khó chinh phục khán giả.
Nhiều “cảnh nóng” trong phim “Người vợ cuối cùng” được nhận xét là không cần thiết cho mạch phim. (Ảnh: NSX)
Nhiều “cảnh nóng” trong phim “Người vợ cuối cùng” được nhận xét là không cần thiết cho mạch phim. (Ảnh: NSX)

Quá nhiều cảnh “táo bạo”

Hai phim vừa ra rạp là “Người vợ cuối cùng” (đạo diễn Victor Vũ) và “Chiếm đoạt” (đạo diễn Thắng Vũ) được nhiều khán giả nhận xét có điểm chung là quá nhiều “cảnh nóng”.

Phim “Người vợ cuối cùng” lấy bối cảnh thời phong kiến, đầu tư không gian, phục trang rất chỉn chu, dàn diễn viên chất lượng, nhưng một trong những cái “sạn” được khán giả nhắc đến là phim “ngập cảnh nóng”. Ngoài cảnh giữa nhân vật Linh (vợ ba quan huyện) và quan huyện, còn có cảnh của Linh và Nhân (người yêu cũ của Linh) được thực hiện với tần suất dày đặc, thiếu logic, nhiều phân cảnh “không biết để làm gì”. Nhận xét của khán giả là nhiều “cảnh nóng” trong phim thiếu tính nghệ thuật, đơn điệu và khá nhạy cảm, không đóng góp thêm giá trị cho bộ phim.

Chia sẻ với báo chí, đạo diễn Victor Vũ từng nói, lần đầu tiên anh thấy những “cảnh nóng” này thật sự cần thiết trong phim của mình. Tất cả “cảnh nóng” trong phim để xây dựng tình cảm sâu đậm của nhân vật Linh và người yêu cũ, khi họ sống trong xã hội mà vấn đề tình yêu không được xem trọng. Con người gần như phải chôn giấu, dồn nén mọi cảm xúc và khát vọng hạnh phúc phía sau những định kiến về đạo đức.

Tuy nhiên, nhiều khán giả không đồng tình với ý kiến này. Trên các diễn đàn điện ảnh, “cảnh nóng” trong phim bị chê nhiều hơn là khen, thậm chí điều này còn ảnh hưởng đến tâm lý những khán giả đang cân nhắc muốn ra rạp.

Về phim “Chiếm đoạt”, “cảnh nóng” trong phim đã được xuất hiện ở khâu quảng bá, trong các phần hình ảnh, trailer được hé lộ. Nhưng nhiều khán giả bày tỏ thất vọng vì bộ phim đầy những drama, bạo lực, cảnh giường chiếu được khắc họa quá lố, có thể thấy rõ mục tiêu “câu khách” của nhà sản xuất.

Gần đây, một số bộ phim Việt khác cũng “nổi tiếng” nhờ “cảnh nóng” nhưng không được khán giả ủng hộ nhiều, như “Bẫy ngọt ngào” (đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư), trong đó có cảnh nhân vật gần như khỏa thân. Phim “Người tình” (đạo diễn Lưu Huỳnh) cũng nhiều cảnh ân ái “nghẹt thở” giữa các nhân vật, những cảnh khỏa thân trần trụi, đến mức nhiều khán giả phải ngạc nhiên vì hiện nay phim Việt “táo bạo” quá. Thậm chí nhiều người còn đặt ra câu hỏi về sự “lỏng tay” của cơ quan kiểm duyệt phim.

Phản cảm nếu lạm dụng “cảnh nóng”

“Cảnh nóng”, một khi nằm trong phạm vi kiểm duyệt không phải là sai trái. Nếu làm hay, “cảnh nóng” sẽ trở nên thu hút hơn, khắc họa nhân vật tốt hơn, tạo dựng nút cao trào cho phim, cũng như nâng tầm giá trị bộ phim. Có thể thấy được điều này trong rất nhiều bộ phim kinh điển trên thế giới.

Tuy nhiên, một khi cảnh này bị lạm dụng, thừa thãi sẽ trở nên phản cảm, không giúp ích được cho phim mà còn mang lại “tác dụng ngược”. Nhiều nhà sản xuất hay mặc định về những “chiêu” hút khách cũ, có thể kể đến như drama, chiêu trò của diễn viên, hay quảng bá cho những cảnh “nhạy cảm” nhằm thu hút sự tò mò. Tuy nhiên, giờ đây, những “bài” ấy đã trở nên cũ kĩ. Cái khán giả cần ở điện ảnh là chất lượng, là tính nghệ thuật, là sự đầu tư chỉn chu cho nội dung, cho diễn xuất. Tiếc là điều này vẫn thiếu ít nhiều trong các bộ phim “ngập cảnh nóng” gần đây. “Người vợ cuối cùng” mặc dù nhận được sự quan tâm mạnh mẽ của khán giả ngay từ khi có thông tin về dự án phim, nhưng rút cục doanh thu cũng chỉ ở mức “tầm tầm” 85 tỉ đồng, không cao so với mức đầu tư. Phim đã có thể hay hơn nếu biết tiết chế các “cảnh nóng”, tập trung sâu hơn vào tâm lý nhân vật, có nhiều điểm nhấn hơn, không để nội dung bị “đuối” về cuối phim.

Tương tự, “Chiếm đoạt”, “Bẫy ngọt ngào” hay “Người tình” đều có doanh thu thấp hơn kì vọng, rời rạp sớm vì không nhận được sự ủng hộ của đông đảo khán giả. Điều đọng lại trong khán giả sau khi coi phim chỉ là những “cảnh nóng” bạo liệt. Còn lại, phim nhạt nhòa trôi cùng với những “hạt sạn” dễ thấy trong phim thị trường Việt Nam, như ồn ào, thiếu logic, diễn viên diễn xuất chưa tới hay đài từ nhân vật khó nghe.

Không thể phủ nhận được nỗ lực của nhà sản xuất khi cố gắng đem lại cho điện ảnh Việt các “làn gió mới”. Đồng thời, có thể hiểu được áp lực “thu hồi vốn” mà người làm phim phải gánh trên vai để đi đến quyết định đưa vào những chi tiết có thể “câu khách” đến rạp. Chỉ tiếc là việc lạm dụng “cảnh nóng” chưa thích hợp và nhiều bộ phim hoàn toàn có đủ chất liệu để được nâng tầm, trở thành sản phẩm nghệ thuật chất lượng cao, được khán giả đón nhận nếu được làm chỉn chu hơn, sâu sắc hơn.

Đọc thêm