Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội dự lễ Khai mạc triển lãm sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP, sinh vật cảnh năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Tối 17-6,  tại huyện Thạch Thất (Hà Nội) đã diễn ra lễ khai mạc Triển lãm giới thiệu các sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP, sinh vật cảnh năm 2023; chào mừng kỷ niệm 15 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội. Dự lễ khai mạc có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội - bà Nguyễn Thị Tuyến.
Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm.
Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm.

Dự lễ khai mạc Triển lãm giới thiệu các sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP, sinh vật cảnh năm 2023; chào mừng kỷ niệm 15 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội - tại huyện Thạch Thất, cùng với bà Nguyễn Thị Tuyến - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, còn có ông Hoàng Trọng Quyết - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy; Ông Phạm Quí Tiên - Phó Chủ tịch HĐND thành phố; Ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND thành phố; cùng đại diện các sở, ban, ngành của Thành phố Hà Nội.

Đặc biệt, tham dự lễ Khai mạc, còn có ông Vũ Văn Tiến - Trưởng ban Tuyên giáo TƯ Mặt trận tổ quốc Việt Nam.

Tiết mục văn nghệ của các học sinh trường THPT Thạch Thất chào mừng Triển lãm.

Tiết mục văn nghệ của các học sinh trường THPT Thạch Thất chào mừng Triển lãm.

Triển lãm Giới thiệu các sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP, sinh vật cảnh năm 2023 được diễn ra trong bối cảnh kỷ niệm 75 năm Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc; đặc biệt là kỷ niệm 15 năm điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Đảng bộ huyện, huyện Thạch Thất.

Triển lãm Giới thiệu các sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP, sinh vật cảnh huyện Thạch Thất năm 2023 có hơn 200 gian hàng, hàng nghìn sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm công nghiệp, đồ gia dụng, hơn 2000 sinh vật cảnh đặc sắc đến từ các tỉnh thành trong cả nước và các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Huyện của Thành phố, sản phẩm OCOP có chất lượng, giá trị kinh tế, giá trị sử dụng cao, thân thiện với môi trường.

Bà Nguyễn Thị Tuyến - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cùng các đại biểu tham gian trưng bày đồ gỗ của làng nghề xã Canh Nậu.

Bà Nguyễn Thị Tuyến - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cùng các đại biểu tham gian trưng bày đồ gỗ của làng nghề xã Canh Nậu.

Phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm, ông Nguyễn Mạnh Hồng - Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất cho biết:

"Thạch Thất là vùng đất cổ mang đậm nét đặc trưng của văn hóa xứ Đoài, với 101 di tích đã được Nhà nước xếp hạng, trong đó, chùa Tây Phương được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt, có 34 pho tượng Phật được công nhận là Bảo vật Quốc gia. Thạch Thất cũng là quê hương của Trạng Bùng - Phùng Khắc Khoan, Lương y Nguyễn Tử Siêu…

Huyện đã vinh dự được đón Bác Hồ chọn là nơi ở và làm việc trong 19 ngày đêm trên đường Người dời Thủ đô Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc (từ ngày 13-1 đến ngày 2-2-1947). Trong đấu tranh cách mạng bảo vệ Tổ quốc, người Thạch Thất anh dũng chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc, lập nên những chiến công hiển hách, lịch sử còn lưu danh những tên đất, tên người, như: Hạ Bằng quật khởi, Núi Nứa anh hùng, Cẩm Bào mồ chôn giặc Pháp.

Huyện Thạch Thất có 59 làng với 50 làng có nghề, trong đó có 10 làng nghề được tỉnh Hà Tây và thành phố Hà Nội công nhận làng nghề truyền thống gồm: Làng nghề đồ Mộc Canh Nậu - Dị Nậu - Hương Ngải, làng nghề cơ kim khí Phùng Xá, Mộc - may Hữu Bằng; Mây tre giang đan Bình Phú; Bánh chè lam Thạch Xá; Chè kho Đại Đồng...

Ông Nguyễn Mạnh Hồng - Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất

Ông Nguyễn Mạnh Hồng - Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất

Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất cũng cho biết: Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Thạch Thất đạt được nhiều kết quả. Năm 2013, xã Đại Đồng là xã đầu tiên của huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đến năm 2018, huyện có 100% số xã đạt xã nông thôn mới và năm 2020, huyện Thạch Thất vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Không dừng ở kết quả đạt được, huyện tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Đến hết năm 2022, Thạch Thất đã có 1 xã nông thôn mới nâng cao, 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người đạt 91 triệu đồng/người/năm - là một trong những địa phương có mức thu nhập bình quân đầu người cao tốp đầu khối huyện trên địa bàn thành phố.

Với việc tổ chức Triển lãm - Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất hy vọng sẽ là cơ hội tạo chuỗi liên kết giữa 4 nhà, Nhà sản xuất - Nhà quản lý - Nhà khoa học và Nhà phân phối, tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng phục vụ những nhu cầu thiết thực của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đồng thời cũng giúp du khách có những trải nghiệm phong phú, thú vị, về về văn hóa, sản vật, con người huyện Thạch Thất.

Đọc thêm