Phổ biến, giáo dục pháp luật cần giải pháp đột phá

 Sau 5 năm thực hiện Chương trình hành động quốc gia phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) và nâng cao ý thức chấp hành PL cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn giai đoạn từ năm 2005-2010 (Chương trình 212), công tác PBGDPL đã đạt được những mục tiêu cơ bản, nhưng vẫn cần có các giải pháp mang tính đột phá để phát huy hiệu quả trong thời gian tới.

Sau 5 năm thực hiện Chương trình hành động quốc gia phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) và nâng cao ý thức chấp hành PL cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn giai đoạn từ năm 2005-2010 (Chương trình 212), công tác PBGDPL đã đạt được những mục tiêu cơ bản, nhưng vẫn cần có các giải pháp mang tính đột phá để phát huy hiệu quả trong thời gian tới. Kết luận trên được đưa ra tại Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình 212 tổ chức hôm qua (17/8) tại Quảng Bình.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường phát biểu tại Hội nghị Tổng kết
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường phát biểu tại Hội nghị Tổng kết

“Khoán trắng” PBGDPL cho ngành Tư pháp

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền – Phó trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 212 TƯ - đánh giá, việc thực hiện Chương trình 212 (gồm 4 Đề án do Bộ TT&TT, UB MTTQ VN, Thanh tra Chính phủ và Bộ Tư pháp chủ trì) thời gian qua đã bám sát các mục tiêu đặt ra, nhìn chung đạt được các mục tiêu cơ bản. Qua đó, có nhiều tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương và đất nước.

Bước đầu, Chương trình đã xây dựng thành công mô hình điểm về chấp hành PL ở 27 xã, phường, thị trấn và 2.651 khu dân cư, tập trung tại các địa bàn trọng điểm. Qua thực tế triển khai Chương trình có thể khẳng định, việc phát huy vai trò gương mẫu chấp hành PL của cán bộ, công chức, đảng viên và của các cá nhân tiêu biểu ở cộng đồng dân cư trong phổ biến, vận động nhân dân chấp hành PL có ý nghĩa hết sức quan trọng, đặc biệt là vai trò của cán bộ tư pháp – hộ tịch cấp xã.

Song “thẳng thắn thấy rằng việc thực hiện Chương trình vẫn còn những tồn tại, hạn chế”. Biểu hiện rõ nét qua thực trạng hiểu biết PL, ý thức tôn trọng PL và chấp hành PL của cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn chưa tạo chuyển biến căn bản như mục tiêu đề ra, tình hình vi phạm PL, tội phạm tệ nạn xã hội giảm chưa đáng kể, một số hình thức PBGDPL mang tính “hấp dẫn” chưa có điều kiện tổ chức rộng rãi, thường xuyên nên chưa thu hút, tạo quan tâm của đông đảo cán bộ, nhân dân ở cơ sở…

Nguyên nhân có thể xác định là do sự bất cập trong cơ chế phối hợp, thiếu sự gắn kết giữa các bộ, ngành chủ trì và phối hợp thực hiện các Đề án trong Chương trình, chính quyền một số địa phương chưa quan tâm đúng mức, có nơi “khoán trắng” cho ngành Tư pháp, hạn chế từ chính đội ngũ cán bộ cơ sở - đối tượng và cũng là lực lượng chủ yếu thực hiện nội dung Chương trình 212…

Tích cực tạo đột phá cho công tác PBGDPL

Từ kết quả 5 năm thực hiện Chương trình 212, Ban Chỉ đạo Chương trình xác định phải coi trọng công tác PBGDPL “là một bộ phận của công tác giáo dục, chính trị tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền từ TƯ đến địa phương”. Thực tiễn triển khai Chương trình 212 cho thấy, để đạt tính bền vững, hiệu quả cần phải gắn việc PBGDPL với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội chủ yếu, tuyên truyền các văn kiện Đại hội Đảng, các chương trình, mục tiêu phát triển chung, các cuộc vận động như toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới…

Hoàn thiện thể chế, cơ chế phối hợp trong công tác PBGDPL với việc trình Quốc hội xem xét, ban hành Luật PBGDPL (dự kiến vào kỳ họp cuối năm 2011) để tạo cơ sở pháp lý điều chỉnh thống nhất, toàn diện, cơ bản về công tác PBGDPL, trong đó xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các đoàn thể và tổ chức kinh tế trong việc triển khai thực hiện công tác PBGDPL. Đặc biệt, “tạo những bước đột phá cho công tác PBGDPL trong tình hình mới, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN đã đề ra tại Đại hội Đảng XI” – như hy vọng của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 212.

Với ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình và đặc điểm tình hình kinh tế - xã hội hiện nay ở nước ta, Ban Chỉ đạo cũng kiến nghị Chính phủ phê duyệt và cho triển khai thực hiện Chương trình giai đoạn 2012-2016. Đồng thời, cần có sự quan tâm và đầu tư cho công tác PBGDPL của các Bộ, ngành và UBND các cấp, huy động toàn bộ hệ thống chính trị thực hiện đồng bộ, tích cực các biện pháp nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng đã trao tặng Bằng khen cho 21 tập thể có thành tích xuất sắc trong việc triển khai Chương trình 212.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường – Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 212 TƯ: “PBGDPL là hoạt động quan trọng trong xây dựng và phát triển đất nước, góp phần xây dựng hệ thống PL, đổi mới quản lý nhà nước và xã hội. Đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn đông đảo, nếu tăng nhận thức và ý thức PL cho đội ngũ này thì sẽ góp phần đáng kể vào việc giữ gìn an ninh chính trị, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Trong điều kiện Đại hội Đảng XI mở ra thời kỳ phát triển mới với nhiều cơ hội và thách thức, PBGDPL được xác định là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nên cần được thực hiện triệt để hơn và bằng các giải pháp đột phá để đạt được mục tiêu tổng thể của Chương trình 212, tạo chuyển biến căn bản, bền vững, hiệu quả trong công tác PBGDPL ở cấp cơ sở, nhất là để PBGDPL là công cụ hữu hiệu, góp phần thực hiện thành công các văn kiện của ĐH Đảng XI”.

Hương Giang

Đọc thêm