Phổ biến giáo dục pháp luật hiệu quả từ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin

(PLVN) - Qua 05 năm thực hiện Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) giai đoạn 2017 – 2021 theo Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ, việc đổi mới nội dung, hình thức cũng như ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL đã giúp thay đổi nhận thức, tạo phương thức làm việc mới trong công tác PBGDPL theo tiêu chí nhanh chóng, phù hợp, tiết kiệm và chi phí thấp nhất.
Đẩy mạnh hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL (ảnh minh họa).
Đẩy mạnh hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL (ảnh minh họa).

Cụ thể, nội dung PBGDPL trọng tâm hằng năm tập trung vào các lĩnh vực công tác xây dựng, thi hành, bảo vệ pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp; các luật, pháp lệnh, văn bản mới thông qua, ban hành; các quy định có liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp; các sự kiện chính trị, pháp lý lớn của đất nước như: việc ban hành Hiến pháp năm 2013, bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân...; chính sách, quy định mới trong dự thảo văn bản luật; vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội.

Hoạt động PBGDPL cũng đã được thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, sáng tạo, phù hợp với từng vùng, miền, từng nhóm đối tượng, quan tâm hơn đến nhóm đối tượng đặc thù. Các hình thức PBGDPL truyền thống tiếp tục được lựa chọn thực hiện như: tổ chức PBGDPL thông qua các hội nghị, hội thảo, qua phương tiện thông tin đại chúng, truyền thanh cơ sở; Câu lạc bộ pháp luật, đội nòng cốt; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật; biên soạn tài liệu pháp luật; hoạt động hòa giải ở cơ sở; tư vấn pháp luật; trợ giúp pháp lý; khai thác tủ sách pháp luật; phiên tòa lưu động, hưởng ứng Ngày Pháp luật...

Nhiều hình thức phổ biến pháp luật đã được đổi mới, hiệu quả được nâng lên như: Giới thiệu văn bản bằng trình chiếu kết hợp hình ảnh, phim tư liệu; sân khấu hóa; lồng ghép trong các phong trào, biểu diễn văn hóa văn nghệ, hội trại, diễn đàn; phát thanh trên hệ thống phát thanh nội bộ; đối thoại chính sách, giải đáp vướng mắc pháp luật; đổi mới phương pháp giảng dạy pháp luật chính khóa, hoạt động ngoại khóa, ưu tiên kỹ năng thực hành, kỹ năng sống; xây dựng bài giảng điện tử, các mô hình trực quan, tình huống pháp lý thực tiễn trong giảng dạy...

Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các hoạt động PBGDPL cũng được quan tâm, chú trọng hơn, mang lại hiệu quả tích cực như: Xây dựng Công Trang thông tin điện tử PBGDPL, thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến, tổ chức đối thoại, tư vấn pháp luật trực tuyến; triển khai các văn bản mới ban hành theo hình thức hội nghị trực tuyến; giải đáp pháp luật qua hộp thư điện tử; giải đáp vướng mắc của doanh nghiệp và người dân trên Cổng Thông tin điện tử, qua điện thoại.

Không những thế, 100% bộ, ngành, đoàn thể, địa phương đều thực hiện việc đăng tải công khai các văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo văn bản để lấy ý kiến lên Cổng hoặc Trang Thông tin điện tử; PBGDPL qua mạng xã hội cũng được các địa phương tích cực triển khai.

Trong thời gian qua, các chuyên trang, chuyên mục pháp luật trên các loại hình báo chí ở trung ương và địa phương đều được cải tiến, tăng về số lượng, nâng cao chất lượng. Ở địa phương, Đài Phát thanh và Truyền hình cấp tỉnh, cơ quan báo chí đã phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể trong việc xây dựng và thực hiện các chuyên mục pháp luật ngày càng chặt chẽ và hiệu quả như chuyên mục “Pháp luật và cuộc sống, chuyên mục “Cải cách hành chính Nhà nước”, chuyên mục “Trả lời bạn nghe đài”, chuyên mục “vì chủ quyền an ninh biên giới”, chuyên mục “Điểm nhấn 365”, “Bàn tròn pháp luật”; PBGDPL thông qua gameshow pháp luật hấp dẫn, gần gũi, dễ hiểu, dễ tiếp cận hơn…

Có thể thấy, chuyển biến tích cực trong thời gian qua là việc tổ chức, cá nhân tự nhận thức được trách nhiệm trong tự tìm hiểu, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật, người dân cũng được tham gia đóng góp ý kiến trong quá trình xây dựng và thực hiện pháp luật. Vì vậy, để công tác PBGDPL thực sự phát huy được hiệu quả trong thời gian tới, cần đẩy mạnh việc thực hiện chuyển đổi số trong PBGDPL, vận hành có hiệu quả Cổng Thông tin điện tử PBGDPL quốc gia, thiết lập các ứng dụng, phần mềm có tính năng trực tuyến, tương tác và ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Tập trung xây dựng Hệ thống thông tin, nền tảng số về PBGDPL để cung cấp thông tin pháp luật trên môi trường mạng, đáp ứng nhu cầu tự học tập, tìm hiểu pháp luật của người dân; mở rộng các kênh thông tin pháp luật trên các nền tảng mạng xã hội, ứng dụng trên thiết bị di động.

Đọc thêm