Phổ biến, giáo dục pháp luật phải là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị

(PLVN) - Ngày 20/9, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu chủ trì Hội thảo “Góp ý dự thảo Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư và đề xuất định hướng tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật” (PBGDPL).

Đề xuất thay thế Chỉ thị 32 bằng văn bản mới

Trình bày tóm tắt dự thảo Báo cáo, Phó Vụ trưởng Vụ PBGDPL (Bộ Tư pháp) Ngô Quỳnh Hoa nêu một số nội dung chính về công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện và kết quả đạt được trong thực hiện các nhiệm vụ Chỉ thị 32, Thông báo số 74-TB/TW, Kết luận số 04-KL/TW. Bà Hoa cũng điểm lại những khó khăn, tồn tại, vướng mắc và nguyên nhân, rút ra một số bài học kinh nghiệm.

Đặc biệt là đề xuất phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh công tác PBGDPL trong thời gian tới cũng như kiến nghị với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư, với Quốc hội, Chính phủ, với các bộ, ngành Trung ương và địa phương.

Theo đó, sau 15 năm, việc triển khai Chỉ thị 32 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác PBGDPL được nâng lên một bước; công tác quản lý nhà nước về PBGDPL được chú trọng và tăng cường hơn; công tác PBGDPL thực sự trở thành nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị; tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác PBGDPL được củng cố, kiện toàn và hoạt động ngày càng thiết thực, hiệu quả…

Toàn cảnh Hội thảo
Tuy nhiên, quá trình 15 năm thực hiện Chỉ thị vẫn có một số tồn tại như việc phối hợp trong công tác PBGDPL hiệu quả chưa cao, chất lượng của công tác này chưa đồng đều, nguồn lực bảo đảm cho công tác PBGDPL còn hạn chế…
Vì thế, trong thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị 32 và các Kết luận, Thông báo của Ban Bí thư; quan tâm nhiều hơn nữa đến việc củng cố, kiện toàn và nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội đồng phối hợp PBGDPL và thành viên của Hội đồng; chú trọng PBGDPL cho người dân ở cơ sở…
Một trong những kiến nghị đáng chú ý được nêu tại dự thảo Báo cáo là đề xuất Ban Bí thư ban hành văn bản mới thay thế Chỉ thị 32 nhằm nâng tầm và nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và bảo đảm cho công tác PBGDPL trong tình hình hiện nay.
Phó Vụ trưởng Vụ PBGDPL (Bộ Tư pháp) Ngô Quỳnh Hoa cho biết, sau 15 năm, việc triển khai Chỉ thị 32 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. 

Tập trung vào giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật 

Các đại biểu tham dự Hội thảo đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu để cùng nhau nhận diện, đánh giá những kết quả đạt được, những bất cập, vướng mắc và nhất là các giải pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác PBGDPL.

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Mai Thị Anh kỳ vọng việc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 32 sẽ giúp công tác PBGDPL tiếp tục được quan tâm, trong đó có vấn đề kinh phí để có thể triển khai các hoạt động. Từ đó, theo bà Mai Anh, nên đề xuất ban hành văn bản thay thế Chỉ thị 32, chứ không gộp chung với văn bản sau tổng kết Nghị quyết số 48-NQ/TW và Nghị quyết số 49-NQ/TW liên quan đến công tác xây dựng pháp luật, cải cách tư pháp.

Thứ trưởng Phan Chí Hiếu phát biểu tại Hội thảo

Kiến nghị trên của bà Mai Anh được nhiều đại biểu đồng tình. Mặt khác, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Lê Thanh Liêm lại tâm niệm, có thể ban hành văn bản mới hoặc lồng ghép nhưng quan trọng là phải có những chỉ đạo tiếp theo đối với công tác PBGDPL.

Một số ý kiến đề nghị nêu bật những mô hình hay, cách làm mới trong công tác PBGDPL. Đồng tình với các ý kiến này, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc Kim Thị Ánh đề xuất thêm, thời gian tới cần làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác PBGDPL thì mới nâng cao hiệu quả được, thậm chí có thể tính đến chế tài với người đứng đầu nếu không làm tốt công tác PBGDPL…

Ghi nhận, tổng hợp, đánh giá cao các phát biểu góp ý của đại biểu, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu điểm lại những kết quả nổi bật trong 15 năm thực hiện Chỉ thị 32. Đó là nhận thức của cấp ủy, chính quyền ngày càng được nâng lên, nhiều bộ, ngành, địa phương đã dành nguồn lực thỏa đáng cho công tác PBGDPL; thể chế về công tác PBGDPL được kiện toàn căn bản; công tác PBGDPL ngày càng đổi mới về nội dung, phong phú về hình thức, xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay; góp phần nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật.

Có điều, theo Thứ trưởng, hoạt động PBGDPL đang phân tán, cơ chế phối hợp lại chưa hiệu quả; nhận thức về công tác PBGDPL chưa đầy đủ, vẫn có nơi cho rằng đây là hoạt động của riêng ngành Tư pháp…

 Bởi thế, về phương hướng, nhiệm vụ, Thứ trưởng nhấn mạnh đến bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền, đề cao công tác tổ chức thi hành pháp luật, tiến tới Đại hội Đảng lần thứ XIII thì cần khẳng định tầm quan trọng của công tác PBGDPL, là một bộ phận cấu thành quan trọng của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; tiếp tục xác định công tác PBGDPL là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó Nhà nước giữ vai trò nòng cốt, huy động xã hội tham gia công tác PBGDPL; tập trung vào giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, người dân; thu hút nguồn lực, tìm mọi giải pháp tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL…

Riêng đối với việc ban hành văn bản mới thay thế Chỉ thị 32 hay không thì cần căn cứ vào nhận định, đánh giá tình hình thực hiện 15 năm qua. Tuy nhiên, Thứ trưởng cho rằng, trong tình hình mới hiện nay, phải tăng cường hơn sự lãnh đạo của Đảng, đòi hỏi có những phương pháp mới. Còn chỉ thị riêng hay tích hợp trong một nghị quyết, cần tham mưu các phương án cho Ban Chỉ đạo tổng kết để báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Đọc thêm