Cùng dự có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Nguyễn Văn Chiến… và đông đảo các thành viên Hội đồng.
Có nhiều điểm nhấn, chuyển biến rõ nét
Báo cáo tại Phiên họp, Vụ trưởng Vụ PBGDPL (Bộ Tư pháp) Lê Vệ Quốc cho biết, năm 2019, Hội đồng các cấp đã tích cực tư vấn cho Chính phủ, UBND cùng cấp hướng dẫn, chỉ đạo về công tác PBGDPL trên toàn quốc; thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng trong ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện công tác PBGDPL và các Đề án về PBGDPL thuộc phạm vi quản lý; tổ chức phiên họp định kỳ, kiểm tra, sơ kết, đánh giá và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng.
Nhờ đó, công tác PBGDPL có sự chuyển biến tích cực, bắt kịp với xu thế phát triển, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh hiện nay, nhất là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL. Người dân mạnh dạn tham gia vào việc giám sát, quản lý nhà nước, đấu tranh bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền lợi chính đáng của công dân.
Vụ trưởng Lê Vệ Quốc báo cáo tại Phiên họp |
Tại Hải Phòng, nhờ làm tốt công tác PBGDPL đã giảm nhiều việc khiếu nại, tố cáo tại các dự án trọng điểm của thành phố. Tại Hà Nam, hình thức PBGDPL trên Trang thông tin điện tử đã được đẩy mạnh triển khai hơn so với năm 2018 (Sở Tư pháp đã giới thiệu 100% văn bản quy phạm pháp luật mới trên Trang thông tin điện tử của Sở).
Hội đồng cũng đã tham mưu tư vấn các nhiệm vụ về PBGDPL phù hợp với đối tượng, địa bàn và tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, xác định những nội dung pháp luật trọng tâm cần phổ biến. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL được chú trọng. Hội đồng các cấp được rà soát, củng cố, chất lượng từng bước được nâng lên, đặc biệt là cơ quan Tư pháp đã phát huy vai trò cơ quan thường trực Hội đồng trong tham mưu, tư vấn, nâng cao hiệu quả phối hợp của Hội đồng…
Nói chung, các hoạt động đề ra theo Kế hoạch cơ bản được thực hiện, nhiều hoạt động đã hoàn thành theo tiến độ, đảm bảo chất lượng, có nhiều điểm nhấn, chuyển biến rõ nét. So với năm 2018, năm nay đánh dấu sự vào cuộc tích cực của các thành viên Hội đồng trong thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, nhất là Hội đồng Trung ương đã chủ động tham mưu cho Chính phủ nhiệm vụ tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, qua đó tạo cơ sở, nghiên cứu các giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Toàn cảnh Phiên họp |
Tuy nhiên, thành viên Hội đồng của một số bộ, ngành, địa phương chưa phát huy hết vai trò tham mưu, tư vấn cho chính quyền để chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện công tác PBGDPL, nhất là trong tư vấn giải pháp tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách hỗ trợ về tài chính từ ngân sách Trung ương cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách. Công tác phối hợp giữa các thành viên Hội đồng còn hạn chế, chưa thường xuyên, tính chủ động chưa cao, các nhiệm vụ chủ yếu do cơ quan thường trực đề xuất và tổ chức thực hiện…
Vì vậy, trong năm 2020, Hội đồng sẽ tư vấn, tham mưu ban hành kế hoạch hoạt động của mình sát với yêu cầu thực tiễn, có sự đổi mới trong hoạt động chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, sơ kết tổng kết của Hội đồng; tiếp tục tư vấn trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách đối với công tác PBGDPL, trọng tâm là xây dựng văn bản mới thay thế Chỉ thị số 32.
Bên cạnh đó, tư vấn thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ tại Chương trình PBGDPL giai đoạn 2017 – 2021 và các Đề án về PBGDPL, trọng tâm là Đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL; quan tâm bố trí đủ nguồn lực bảo đảm cho công tác PBGDPL, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn…
Đề cao hơn sự chủ động tìm hiểu pháp luật của người dân
Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Nguyễn Văn Chiến quan niệm, hoạt động PBGDPL là nhiệm vụ trọng tâm, càng cần thiết hơn ở địa phương để pháp luật kịp thời đến với người dân. Hơn nữa, trong bối cảnh tình hình vi phạm pháp luật diễn biến phức tạp hiện nay thì càng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền vì điều này liên quan đến quyền lợi của người dân.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Nguyễn Văn Chiến đề nghị phân định rõ đối tượng của công tác PBGDPL |
Theo ông Chiến, cần phân định việc tuyên truyền, PBGDPL giữa cán bộ, công chức các cơ quan Nhà nước với người dân và trong công tác này, phải tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông.
Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam Nguyễn Song Phi cho rằng, đối với công tác PBGDPL, Bộ Tài chính phải đảm bảo kinh phí chứ không phải chỉ dừng lại ở mức quan tâm vì cần khẳng định PBGDPL là nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền địa phương; nếu được bố trí kinh phí mà không làm được thì phải kiểm điểm. Ngoài ra, các thành viên Hội đồng cần có phương thức, cách làm phù hợp; tăng cường kiểm tra hoạt động của địa phương để biểu dương những nơi làm tốt, kiểm điểm những nơi làm chưa tốt; chỉ đạo cơ sở tăng cường bồi dưỡng; PBGDPL cho các đối tượng đặc thù.
Một số đại biểu đề nghị tiếp tục đẩy mạnh hình thức thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật, đẩy mạnh phổ biến thông qua chương trình truyền hình hay sân khấu hóa và điện ảnh là gần gũi nhất với người dân (qua VOV, VTV, mạng xã hội theo kiểu “hỏi nhanh - đáp gọn”). Có thành niên phân tích, còn hiện tượng vi phạm pháp luật nhiều, khiếu nại nhiều thì nguyên nhân là chưa làm tốt công tác PBGDPL nên việc PBGDPL cần phù hợp với địa bàn, đối tượng…
Bộ trưởng Lê Thành Long yêu cầu phải bổ sung nhiều nội dung mới vào văn bản thay thế Chỉ thị số 32-CT/TW |
Kết luận Phiên họp, Bộ trưởng Lê Thành Long biểu dương các kết quả đạt được năm 2019 của Hội đồng. Trong đó, Bộ trưởng đánh giá cao các hoạt động được tiến hành toàn diện, tương đối đồng bộ, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương.
Nổi bật có Hội đồng phối hợp PBGDPL Bộ Quốc phòng đã xác định được 6 chuyên đề, triển khai thường xuyên mô hình mỗi ngày 1 câu hỏi, 1 điều luật; Tổng Liên đoàn duy trì giải đáp pháp luật cho công nhân… Điểm lại một số hạn chế, Bộ trưởng thẳng thắn cho rằng có những hạn chế đã được nhìn nhận thức từ lâu nhưng vẫn chưa hành động để giải quyết được, cần phải tiếp tục cố gắng khắc phục trong năm 2020.
Về kế hoạch 2020, Bộ trưởng nhấn mạnh đến nhiệm vụ xây dựng văn bản mới thay thế Chỉ thị 32. Theo đó, cần tham mưu bổ sung các nội dung mới để khẳng định công tác PBGDPL là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó cấp ủy là chủ công, chủ lực của công tác này; quan tâm nhiều hơn đến giáo dục pháp luật và đề cao hơn sự chủ động tìm hiểu pháp luật của người dân, không thể đem thiếu hiểu biết pháp luật để bào chữa cho việc vi phạm pháp luật.
Bộ trưởng cũng đồng tình trong PBGDPL phải quan tâm đến truyền thông nhưng tới đây cần tính toán thêm đến nguồn lực, có cách thức xã hội hóa. Nhắc đến năm 2020 là năm có nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, Bộ trưởng mong các thành viên Hội đồng thể hiện được vai trò nòng cốt của mình trong công tác PBGDPL ở các bộ, ngành, địa phương.