Hải Dương: Nghi vấn đất của gia đình liệt sỹ bị thu, chia cho người khác

Mảnh đất của gia đình liệt sỹ được nhiều người dân và cán bộ thôn xã ngày đó xác nhận nhưng đã bị đem chia cho người khác canh tác. Nay con liệt sỹ yêu cầu được trả lại đất hương hỏa để làm nơi thờ tự nhưng chính quyền địa phương không chấp thuận.
Báo Tài nguyên & Môi trường nhận được đơn phản ánh của ông Lương Công Phượng (ở xã Hồng Hưng, Gia Lộc, Hải Dương) khiếu nại về việc đất ở nhiều đời của gia đình ông bị cán bộ thôn xã tự ý biến thành đất nông nghiệp chia cho người khác. Bố ông là liệt sỹ trong kháng chiến chống Mỹ nhưng nay ông Phượng muốn về mảnh đất hương hỏa làm nơi thờ cúng cho bố thì chính quyền địa phương không chịu giải quyết.

Theo đơn, gia đình ông đã nhiều đời làm nhà sinh sống trên mảnh đất gần 1.000m2 ở xã Hồng Hưng. Năm 1960 vẫn còn nhiều thành viên trong gia đình gồm cả cụ nội, ông nội, cha mẹ, 3 bà cô.

Năm 1961, bố ông Phượng đi làm công nhân rồi nhập ngũ năm 1967 và hy sinh trong chiến trường miền Nam. Các thành viên gia đình vẫn sinh sống trên mảnh đất này nhưng ông, bà dần qua đời do già yếu. Các cô đi lấy chồng hoặc đi thanh niên xung phong nay không có tin tức gì. Ông Phượng là người duy nhất được giao trông nom nhà cửa vườn tược.

nha dat hai duong
Mảnh đất hương hỏa nhà ông Phương đã được nhiều người dân, cán bộ xã xác nhận

Năm 1977, ông Phương đi học xa, năm về 2 lần, rồi đi công tác nên nhờ cụ Lương Công Xiểm (họ xa) trông nom giúp từ năm 1983. Từ năm 1985, ông Phượng vào Đà Nẵng công tác nhưng thỉnh thoảng vẫn liên hệ về quê và hợp tác xã nông nghiệp những vấn đề liên quan đến đất đai nhà cửa. 

Tuy nhiên, cũng trong thời gian này, hợp tác xã đã tự ý biến mảnh đất gia đình ông Phượng thành đất nông nghiệp rồi chia cho người trong thôn canh tác từ đó đến nay. Một thời gian sau đó, khi quay về tìm lại đất thì ông Phượng mới biết đất đã bị vẽ lại bản đồ mang tên người khác. Khi ông thắc mắc thì cán bộ thôn xã ngày ấy nói rằng tạm chia làm đất canh tác, hứa hẹn là khi nào cần về ở sẽ bố trí lại.

Thời gian sinh sống của gia đình ông Phượng trên mảnh đất này đã được rất nhiều người dân, cán bộ lãnh đạo thôn xã ngày ấy xác nhận bằng văn bản chữ ký viết tay. Thậm chí chính những cán bộ đã lấy đất nhà ông Phượng phân chia cho người khác canh tác cũng đã thừa nhận điều này. Tuy nhiên, suốt nhiều năm qua, ông Phượng đề nghị được nhận lại mảnh đất hương hỏa để làm nơi thờ tự cho ông bà tổ tiên và người bố liệt sỹ mà chính quyền địa phương không giải quyết.

nha dat hai duong 2
Ông Phượng cho rằng, "chẳng lý do gì đất gia đình ông, ông không được ở mà phải chuyển sang nơi khác"

Tại cuộc đối thoại mới đây của UBND huyện Gia Lộc, Sở TN&MT, Thanh tra tỉnh Hải Dương,..., theo ghi nhận của PV Báo Tài nguyên & Môi trường, các cán bộ xã Hồng Hưng cũng khẳng định việc những người già, cán bộ (đã qua đời) xác nhận cho ông Lương Công Phượng về nguồn gốc mảnh đất là đúng. Theo đó, ý kiến của các thành viên tham gia cuộc đối thoại cũng đồng ý việc gia đình ông Phượng sinh sống lâu đời trên mảnh đất ở xã Hồng Hưng là có cơ sở.

Tuy nhiên, lãnh đạo huyện Gia Lộc và sở ngành lại cho rằng đất này đã được giao cho người khác canh tác nên không thể giao lại được đất cho gia đình ông Phượng như mong muốn. Chánh Thanh tra huyện Gia Lộc cho rằng, việc xác nhận nguồn gốc đất nhà ông Phượng chỉ là ý kiến của những người dân. Có thể thừa nhận thực tế mảnh đất trước đây là của ông Sự. Nhưng trên giấy tờ pháp lý. không tìm thấy hồ sơ đăng ký thể hiện đất đai nhà ông Sự (ông nội của ông Phượng).

Ông Nguyễn Hữu Lộc (PGĐ Sở TN&MT tỉnh Hải Dương) cho rằng, có thể thừa nhận đất đó trước đây là gia đình ông Phương sử dụng. Nhưng việc xã lấy đất nhà ông Phượng phân chia cho gia đình khác canh tác là theo Nghị quyết 03 của tỉnh lúc bấy giờ. Theo đó, không thể coi là thôn xã tự ý quyết định, mà phải do huyện tỉnh phê duyệt. Theo ông Lộc, việc này phải xem xét trách nhiệm từ nhiều phía. 

Một số ý kiến cơ quan chuyên môn của huyện cho rằng vào thời gian đó, theo Nghị quyết của tỉnh, các gia đình có đất phải khai báo để đưa vào danh sách sử dụng nhưng không thấy gia đình ông Phượng.

Tuy nhiên, ông Phượng khẳng định, suốt thời gian đó, ông vẫn liên hệ về quê, nhưng không hề thấy thôn xã thông báo về việc kê khai đất đai. "Bố tôi ra đi chiến trận hy sinh, chúng tôi ra đi công tác cống hiến cho đất nước. Vậy mà đất đai ở quê nhà bị cán bộ thôn xã lấy chia cho người khác không một lời với gia đình. Đây là việc làm tùy tiện trái pháp luật." - Ông Phượng nói.

Cũng theo ông Phượng, đây không phải là chính sách lớn của nhà nước về thu hồi đất đai, mà là sự tùy tiện. Chẳng có lý do gì một gia đình đi chiến đấu hy sinh cho đất nước mà lại bị thu hồi đất. 

Ông Lê Văn Tuấn (Chủ tịch UBND huyện Gia Lộc) thống nhất ý kiến một số đại diện sở ngành cho rằng sẽ ra phương án đề xuất bố trí cho ông Phượng 1 suất đất khoảng 200m2 ở vị trí khác, có thu tiền (miễn giảm theo chế độ gia đình liệt sỹ) để lấy làm nơi hương hỏa, thờ tự cho tổ tiên ông bà và bố liệt sỹ.

Tuy nhiên, ông Phương cho rằng huyện và tỉnh phải có trách nhiệm sửa sai cho những sự tùy tiện của cấp dưới và những người tiền nhiệm. Đất họ đang được phân canh tác thì có thể phân canh tác chỗ khác. "Chẳng có lý do gì đất của gia đình tôi nay tôi không được lấy lại mà phải đi chỗ khác." - Ông Phượng quả quyết.

Đọc thêm