Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam: Phát huy giá trị di sản nhưng vẫn bảo đảm được tính bảo tồn

(PLVN) -Sau nhiều năm hoàn thiện hồ sơ, Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) đã được mở rộng sang quần đảo Cát Bà (TP Hải Phòng) trở thành Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà. Ông Lê Khắc Nam - Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng đã chia sẻ với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam về hành trình gian nan và hạnh phúc này.
Nhờ quá trình vận động ủng hộ của các tổ chức, chuyên gia quốc tế, Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà đã nhận được sự đồng thuận tuyệt đối của các thành viên Ủy ban Di sản thế giới.

Niềm vui, niềm hạnh phúc vỡ òa

Xin ông cho biết, cảm xúc của “người trong cuộc” khi sự kiện vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà trở thành Di sản thiên nhiên thế giới đầu tiên ở Việt Nam có ranh giới nằm trên địa phận hai tỉnh, thành?

- Lúc 17 giờ 39 phút ngày 16/9 giờ địa phương (tức 21 giờ 39 phút giờ Hà Nội) tại Thủ đô Riyadh (Ả-rập Xê-út), ranh giới Di sản thế giới vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) được Ủy ban Di sản thế giới tại Kỳ họp lần thứ 45 phê duyệt mở rộng bao gồm cả quần đảo Cát Bà (TP Hải Phòng). Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới là niềm vui, hạnh phúc của nhân dân tỉnh Quảng Ninh cũng như nhân dân TP Hải Phòng và cả nước Việt Nam nói chung. Bởi đây là năm thứ 8 Việt Nam mới có một di sản được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới và cũng là di sản đầu tiên mà chúng ta quản lý liên tỉnh.

Sau hơn 12 năm bền bỉ làm hồ sơ, vận động các nước ủng hộ, chúng tôi đã có một đêm vỡ òa cảm xúc. Sự kiện lần này là niềm vinh dự lớn, giúp tên tuổi của quần đảo Cát Bà nâng tầm thế giới, thu hút thêm nhiều khách quốc tế trong tương lai. Và chúng tôi thật hạnh phúc được khoe với thế giới vẻ đẹp hùng vỹ, trác tuyệt được thiên nhiên ban tặng của quê hương mình và của Việt Nam.

Trải qua hơn 12 năm bền bỉ cho đích đến cuối cùng này, ông có thể chia sẻ những khó khăn trên hành trình được vinh danh?

- Năm 2013, quần đảo Cát Bà được Quốc gia thành viên Việt Nam đề cử với tư cách là một di sản độc lập ghi danh vào Danh mục Di sản thế giới theo tiêu chí (ix) và (x) của Công ước về bảo vệ Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (Công ước 1972).

Sau đó, kết luận của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tại báo cáo đánh giá kỹ thuật về hồ sơ đề cử nêu: “Khu vực đề cử quần đảo Cát Bà là một phần của vịnh Hạ Long mở rộng, bao gồm các đảo đá vôi ven bờ được hình thành qua một giai đoạn địa chất lâu dài, mang tính đại diện cho các hệ sinh thái biển, đảo nhiệt đới và cận nhiệt đới đã phát triển độc lập từ đất liền. Quần đảo Cát Bà nằm trong khu vực thực thể địa lý vịnh Hạ Long, trải dài trên diện rộng của các vùng biển nửa kín ở vịnh Bắc Bộ.

Đặc trưng của vịnh Hạ Long là hàng trăm đảo đá vôi hùng vĩ nhô lên trên mặt nước trong xanh có kích thước từ nhỏ đến lớn và đảo lớn nhất là đảo Cát Bà, được coi là ví dụ nổi bật của cảnh quan karst bị biển xâm thực. Nhiều đặc điểm về địa mạo được tìm thấy trong khu vực đề cử Cát Bà tương đồng và bổ trợ cho những đặc trưng có được ở vịnh Hạ Long, do đó nó là một phần không thể thiếu của vịnh Hạ Long mở rộng…”.

Kể từ đó, việc triển khai các hoạt động bảo tồn, nghiên cứu lập hồ sơ đề cử Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà tiếp tục được đẩy mạnh. Tháng 9/2016, trên cơ sở đề xuất của các địa phương và tham mưu của Bộ VH,TT&DL, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép TP Hải Phòng chủ trì, phối hợp với tỉnh Quảng Ninh xây dựng hồ sơ mở rộng vịnh Hạ Long sang quần đảo Cát Bà để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt gửi tới UNESCO.

Quá trình xây dựng hồ sơ gặp nhiều khó khăn về cả yếu tố khách quan và chủ quan. Tuy nhiên, với tinh thần, trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn của Bộ Ngoại giao, Bộ VH,TT&DL cùng với sự quyết tâm của TP Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, đến tháng 01/2021, Thủ tướng Chính phủ đồng ý để Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL ký hồ sơ đề cử vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà và giao Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam chủ trì, gửi hồ sơ tới UNESCO theo thời hạn quy định. Đặc biệt, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã hỗ trợ, quan tâm giúp cho Hải Phòng và Quảng Ninh củng cố hồ sơ theo quy định. Đồng thời, tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện, giải trình những khuyến nghị vô cùng khắt khe của IUCN.

Công tác giải trình và vận động cũng gian nan không kém khi tháng 5 vừa rồi, hồ sơ tiếp tục hoãn xét đề cử để hoàn thiện, thưa ông?

- Công văn số 49/UBQG ngày 11/05/2023 của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam về việc ý kiến của IUCN về hồ sơ đề cử vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà, trong đó: Trung tâm Di sản thế giới thông báo cho IUCN đã kiến nghị Trung tâm Di sản thế giới hoãn xét hồ sơ đề cử để nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung. Trong đó, IUCN khuyến nghị một số việc như sau:

Hoàn tất việc phân tích đánh giá sức tải sinh thái cho toàn bộ di sản đề cử, làm cơ sở cho sửa đổi quy hoạch du lịch bằng một kế hoạch chung quản lý toàn diện du lịch cho di sản đề cử, bảo đảm rằng du lịch không tác động tiêu cực đến giá trị nổi bật toàn cầu tiềm năng của di sản đề cử. Giải quyết các mối đe dọa chủ chốt đối với di sản đề cử và tăng cường thực thi pháp luật phù hợp, bao gồm các mối đe dọa từ du lịch ồ ạt, tuyến hàng hải chính. Tăng trưởng nhà ở, săn bắt trái phép, khai thác nguồn tài nguyên biển và lâm sản, đánh bắt quá mức, nuôi trồng hải sản không bền vững, các ô nhiễm (dầu, tiếng ồn, rác thải, chất thải, gồm cả các nguồn từ hạ lưu đổ vào) và các phát triển quan trọng nằm trong vùng đệm. Chứng minh các cộng đồng địa phương đã được tham vấn đúng mực, tự nguyện, được thông báo trước và đồng ý về bất kỳ việc tái định cư nào ra khỏi khu vực di sản đề cử và các điều kiện tái định cư đó...

Với những nỗ lực, trách nhiệm và sự phối hợp chặt chẽ giữa tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng trong việc lập hồ sơ và sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam cũng như của hai địa phương có di sản đề cử. Hồ sơ đề xuất mở rộng ranh giới Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long bao gồm cả quần đảo Cát Bà… đã nhận được sự đồng thuận tuyệt đối của 21 thành viên Ủy ban Di sản thế giới tại Kỳ họp lần thứ 45.

Đại diện chủ tọa, Chủ tịch Kỳ họp lần thứ 45 Ủy ban Di sản thế giới đã thông qua Dự thảo Quyết định 45 COM 8B.3 Rev: “Phê duyệt điều chỉnh lớn ranh giới Di sản thế giới vịnh Hạ Long gộp cả quần đảo Cát Bà để trở thành vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà trong Danh mục Di sản thế giới theo tiêu chí (vii) và (viii)”.

Nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản

Phó Chủ tịch UBND TP Lê Khắc Nam trao đổi, làm rõ các giá trị nổi bật của di sản với các nước tham gia kỳ họp.

Sau khi điều chỉnh ranh giới, diện tích khu vực Di sản thế giới vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà tăng từ 434km2 lên 656,5km2. Vùng đệm tăng từ 306,5km2 lên 341,4km2. Quảng Ninh - Hải Phòng cần làm gì để bảo tồn và phát huy giá trị di sản, thưa ông?

- Việc vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà trở thành Di sản thế giới liên tỉnh, thành phố đầu tiên ở Việt Nam cũng đặt ra giữa Hải Phòng và Quảng Ninh phải có sự gắn bó chặt chẽ hơn nữa và kết hợp quản lý, bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới một cách hiệu quả nhưng phải bảo đảm được tính bảo tồn, không phá vỡ cảnh quan. Đặc biệt là thực hiện đầy đủ, đúng các điều khoản của Công ước quốc tế về bảo vệ Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.

Hiện nay, mức thu các loại phí tại Cát Bà đang thấp hơn Hạ Long. Cụ thể, phí tham quan tại vịnh Lan Hạ thuộc quần đảo Cát Bà từ 50.000 đồng đến 80.000 đồng một người lớn còn ở vịnh Hạ Long là 290.000 đồng một người. Phí ngủ đêm trên vịnh Lan Hạ từ 250.000 đồng đến 500.000 đồng, tại vịnh Hạ Long là 550.000 đồng đến 750.000 đồng một người.

Với Hải Phòng, việc làm trước mắt là tiếp tục cải thiện chất lượng đội tàu, bến bãi, xây dựng lại sản phẩm du lịch tại vùng di sản. Các đội tàu ở Hải Phòng sẽ phải được xây dựng ít nhất từ ba sao trở lên, phải thiết kế vùng neo đậu cho tàu lớn vì bến Bèo và bến Gia Luận đều hạn chế. Đã là vùng di sản chung thì chất lượng, chi phí cũng cần bằng nhau.

Trong thời gian tới, phía Hải Phòng sẽ tiếp tục bàn bạc với Quảng Ninh thống nhất thêm những vấn đề chung như tour tuyến tham quan, kênh tiếp nhận thông tin chung, biện pháp bảo vệ môi trường biển và đa dạng sinh học vùng lõi di sản.

Để phát triển du lịch, nhiều ý kiến cho rằng, việc ách tắc thường xuyên tại đường ra phà Gót luôn là điểm yếu của du lịch Cát Bà. Vậy những việc cần làm ngay là gì, thưa ông?

- Chúng tôi sẽ tập trung giải quyết triệt để tình trạng tắc nghẽn giao thông tại bến phà Gót vào những dịp cao điểm về du lịch. Cùng với giải pháp đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông công cộng; tuyên truyền, vận động và có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường; nghiên cứu phương án thu hút đầu tư xây dựng bến tàu khách tại trung tâm TP để đẩy mạnh việc đưa đón khách bằng đường thủy. Phối hợp với tỉnh Quảng Ninh triển khai nâng cấp phà Gia Luận - Tuần Châu. Đẩy nhanh tiến độ dự án cáp treo và các khu vui chơi giải trí có liên quan tại Cát Bà. Chú trọng xây dựng kế hoạch phát triển du lịch gắn với với di sản…

Ngoài ra, để bảo tồn, phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới, UBND TP sẽ chỉ đạo xây dựng Đề án tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy trong tháng 11/2023. Theo đó, Đề án sẽ xác định mục tiêu xây dựng Cát Bà trở thành trung tâm du lịch quốc tế xanh, thông minh, chú trọng du lịch cao cấp, du lịch bốn mùa. Đề xuất những giải pháp tổng thể trong ngắn hạn và dài hạn; những giải pháp đột phá về chính sách thu hút đầu tư, đất đai, môi trường, xây dựng hạ tầng, cơ chế quản lý...; cơ chế phối hợp với tỉnh Quảng Ninh thực hiện công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Với niềm tự hào, vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà xứng đáng là một Di sản thiên nhiên thế giới mới, góp phần tôn vinh và bảo vệ bền vững những giá trị nổi bật của nhân loại cho hôm nay và các thế hệ mai sau.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Đọc thêm