Đề cao vai trò của nghệ nhân trong phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở Hà Nội

(PLVN) - Mảnh đất Thăng Long - Hà Nội luôn tự hào khi sở hữu một kho di sản văn hóa truyền thống phong phú và đậm đà bản sắc dân tộc. Trong dòng chảy thời gian ngàn năm, những di sản này vẫn có sức sống mãnh liệt, một phần rất lớn nhờ công gìn giữ của những nghệ nhân dân gian, những người được coi là “báu vật sống”.
Các nghệ nhân xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, Hà Nội truyền dạy lớp trẻ hát trống quân. (Nguồn: Tiến Kim)
Các nghệ nhân xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, Hà Nội truyền dạy lớp trẻ hát trống quân. (Nguồn: Tiến Kim)

Người trao truyền giá trị văn hóa

Tài nguyên văn hóa Hà Nội rất phong phú với 5.922 di tích, di sản văn hóa vật thể, trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 1 di sản tư liệu thế giới, 16 di tích quốc gia đặc biệt cùng hàng nghìn di tích cấp quốc gia và di tích cấp thành phố. Hà Nội cũng là địa phương có số lượng di sản văn hóa phi vật thể lớn, tới 1.793 di sản, trong đó có 3 di sản được UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và 16 di sản thuộc danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nhắc đến di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội là nhắc đến nghệ thuật trình diễn độc đáo, làng nghề truyền thống, lễ hội dân gian đặc sắc như: ca trù, xẩm, rối nước, rối dây, chầu văn, hát trống quân, hát chèo tàu, múa đánh bồng, múa rắn lột, múa chạy cờ, kéo co ngồi...

PGS.TS. Trần Thị An, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội cho hay, trong mối quan hệ giữa di sản văn hoá phi vật thể với việc hình thành bản sắc văn hoá người Hà Nội, nghệ nhân di sản với vai trò là trung tâm trao truyền di sản, nhân vật năng động và sáng tạo trong thực hành di sản góp phần lớn trong việc trao truyền những giá trị tinh tuý của văn hoá hàng nghìn năm, giúp kiến tạo vốn văn hoá cho con người Hà Nội hôm nay.

Nghệ nhân vừa là một bộ phận quan trọng của di sản, vừa là nhân tố năng động, sáng tạo và mang trọng trách xã hội lớn lao không chỉ đối với việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản mà còn hướng tới phục vụ lợi ích cộng đồng ở một phạm vi rộng lớn hơn. Họ vừa có vai trò quan trọng trong kiến tạo, trao truyền và thực hành di sản, vừa là những người có ảnh hưởng đối với cộng đồng di sản nói riêng, đối với xã hội nói chung.

Xác định các nghệ nhân là hạt nhân văn hóa tiêu biểu trong việc lưu giữ, bảo tồn và phát triển các di sản trong cộng đồng, những năm qua, Hà Nội có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ các nghệ nhân, chủ thể văn hóa, là những người đang nắm giữ bảo tồn và truyền dạy các giá trị di sản văn hóa. Họ góp phần duy trì sức sống của các di sản, có công sức sáng tạo, gìn giữ, trao truyền của hàng nghìn nghệ nhân trên địa bàn.

Giữ gìn ngọn lửa nhiệt huyết trong cộng đồng

Tại Tọa đàm “Vai trò, trách nhiệm của nghệ nhân trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố Hà Nội” vào ngày 27/9/2023, Phó Giám đốc Sở VH&TT TP Hà Nội Trần Thị Vân Anh thông tin, năm 2023, thành phố đã ban hành Nghị quyết số 23/2022/NQ-HĐND quy định chế độ đãi ngộ, hỗ trợ nghệ nhân nhân dân (NNND), nghệ nhân ưu tú (NNƯT); nghệ nhân và câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Cũng trong năm 2023, TP Hà Nội đã chi đãi ngộ mỗi NNND 40 triệu đồng, mỗi NNƯT 30 triệu đồng.

Hiện nay, các quận, huyện, thị xã tại Hà Nội đã và đang triển khai thực hiện, hỗ trợ kiện toàn, thành lập các câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể theo quy định, từ đó có thể được hưởng chế độ hỗ trợ như: 50 triệu đồng cho các câu lạc bộ lần đầu thành lập và hàng năm được hỗ trợ 20 triệu đồng để hoạt động. Đến nay, đã có 2 câu lạc bộ được thành lập: Câu lạc bộ Trống quân xã Khánh Hà (huyện Thường Tín) và Câu lạc bộ ca trù Yên Nghĩa (quận Hà Đông), 10 Câu lạc bộ đã thành lập Ban Vận động và đang hoàn thiện thủ tục thành lập Câu lạc bộ như: Câu lạc bộ ca trù Lỗ Khê, Chanh Thôn, Câu lạc bộ múa bồng Triều Khúc, Câu lạc bộ tuồng xã Xuân Nộn…

Các địa phương Đan Phượng, Phúc Thọ, Phú Xuyên, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Đông Anh, Hoài Đức, Quốc Oai, Thường Tín, Ứng Hòa, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Long Biên… đã hỗ trợ các câu lạc bộ và nghệ nhân tổ chức nhiều lớp truyền dạy, nhiều đợt truyền dạy với các di sản như hát ca trù, hát trống quân, hát tuồng, múa rối nước, hát dô, hát chèo, cồng chiêng của người Mường, múa rối cạn, nặn tò he, xẩm, hát múa bài bông, hát múa ải lao…

Nghệ nhân tuồng Dương Cốc (Quốc Oai) Nguyễn Văn Lý chia sẻ: “Nghệ nhân chúng tôi khi dấn thân vào nghiệp gìn giữ, trao truyền di sản luôn xác định được trách nhiệm, tình cảm của bản thân đối với di sản của cha ông, dù còn nhiều khó khăn vẫn quyết tâm theo đuổi sự nghiệp đã được cộng đồng giao phó. Tôi cũng mong rằng, những người đã được phong tặng các danh hiệu NNND, NNƯT sẽ tiếp tục là đầu tàu, gương mẫu để giữ gìn ngọn lửa nhiệt huyết trong cộng đồng, lan tỏa tình yêu, ý thức trách nhiệm của các thế hệ dành cho di sản của tiền nhân”.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hồng Lý (Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam), để tạo điều kiện thuận lợi cho nghệ nhân có môi trường thực hành và truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể đang nắm giữ, cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách dành cho đối tượng này được quy định trong Luật Di sản văn hóa, Luật Thi đua - Khen thưởng và các luật liên quan; tăng cường tổ chức các chương trình hỗ trợ và quảng bá về nghệ thuật và di sản văn hóa; khuyến khích sáng tạo và đầu tư vào các chương trình hỗ trợ và quảng bá để tăng cường sự phát triển của nghệ thuật và di sản văn hóa; quan tâm đến các hoạt động vinh danh, nêu gương trong các hoạt động cộng đồng để động viên, khích lệ, khơi dậy niềm tự hào khi tham gia cống hiến trong xã hội.