Phó Cục trưởng Cục khảo thí nói về đề tốt nghiệp THPT 2011

Từ ngày mai, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011 chính thức bắt đầu. Trao đổi với PLVN, ông Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, đề sẽ ra theo hướng tránh học tủ, học lệch nhưng học sinh trung bình cũng có thể vượt qua kì thi...

Từ ngày mai, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011 chính thức bắt đầu. Trao đổi với PLVN, ông Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, đề sẽ ra theo hướng tránh học tủ, học lệch nhưng học sinh trung bình cũng có thể vượt qua kì thi...

Nhiều câu hỏi phân hóa

- Thưa ông, có thể thấy là đề thi tốt nghiệp THPT trong những năm gần đây ngày càng có nhiều câu hỏi hơn. Xin ông cho biết, trong một đề thi, các câu hỏi khó chiếm tỷ lệ như thế nào?

- Đúng là những năm gần đây đều ra đề thi với nhiều câu hỏi hơn. Đương nhiên, đề thi tốt nghiệp THPT và đề thi tuyển sinh ĐH-CĐ sẽ có những câu hỏi dùng để phân hóa học sinh. Tuy nhiên, rất khó để nói chính xác có bao nhiêu phần trăm câu hỏi khó trong một đề thi, chỉ có thể khẳng định là phần lớn các câu hỏi tập trung vào những kiến thức, kỹ năng hết sức cơ bản. Mục đích của việc ra đề thi với nhiều câu hỏi là đảm bảo được việc đánh giá trên phạm vi kiến thức rộng hơn, tránh việc học lệch, học tủ của học sinh. 

Học sinh trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2010
Học sinh trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2010

- Thi tốt nghiệp THPT với mục đích công nhận tốt nghiệp cho tất cả các học sinh đã hoàn thành 12 năm học ở mức đạt yêu cầu tối thiểu của chuẩn kiến thức, kỹ năng chương trình. Vậy đề thi với 50% kiến thức dành cho yêu cầu thông hiểu, vận dụng kiến thức liệu có phải là một áp lực đối với học sinh trung bình không thưa ông?.

- Mặc dù đề thi có nhiều câu hỏi nhưng những câu hỏi để đánh giá học sinh khá, giỏi có số lượng không nhiều. Và các em học sinh cũng lưu ý, ngay trong các câu hỏi khó cũng có thể sẽ có những phần mà HS sức học trung bình cũng sẽ làm được. Về tổng thể, có thể khẳng định: Học sinh với sức học trung bình nếu chuẩn bị ôn thi tốt chắc chắn sẽ vượt qua kỳ thi tốt nghiệp.

Sẽ thanh tra chéo việc chấm bài thi

Điều khiến học sinh và các nhà trường tỏ ra lo lắng hiện nay là chủ trương của Bộ ra đề thi theo hướng “mở” nhưng đáp án lại “đóng”, khiến người chấm theo hướng cứng nhắc gây thiệt thòi cho thí sinh. Ông có thể nói gì về điều này?

- Thí sinh có thể hoàn toàn yên tâm vì Bộ đã chỉ đạo sẽ có sự thống nhất chặt chẽ giữa cách ra đề thi và đáp án cũng như khâu chấm thi. Đối với các câu hỏi “mở”, trong hướng dẫn chấm cũng đã chỉ ra cách thức cho điểm với những cách trả lời khác nhau của học sinh. Để đảm bảo giảm thiểu hiện tượng chấm “chặt” hay chấm “lỏng”, ba-rem điểm phải chi tiết. Trong ba-rem điểm, điểm một bài có thể được chia nhỏ ra nhiều phần, nếu làm trọn vẹn một phần nào đó, sẽ được điểm của phần đó. Bên cạnh đó, giáo viên được hướng dẫn kỹ hơn nữa trong cách chấm bài.  Trước khi bắt đầu chấm thi, người chấm phải nghiên cứu kỹ hướng dẫn chấm, tiếp đó là tổ chức chấm thử và thảo luận để thống nhất cách cho điểm.

Từ kỳ thi tốt nghiệp năm nay, Bộ GD&ĐT tiếp tục tổ chức  thanh tra chéo việc chấm bài thi: Đơn vị thứ 3 (không phải đơn vị có bài thi, cũng không phải là đơn vị chấm thi) sẽ tổ chức chấm thanh tra để kịp thời phát hiện những hiện tượng bất thường và báo cáo cấp có thẩm quyền xử lí.

Thí sinh tránh mắc lỗi

- Để làm bài đạt hiệu quả cao nhất và không bị vi phạm quy chế thi, thí sinh cần phải nghi nhớ những gì, thưa ông?

- Có một điều mà cả các thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh đại học, cao đẳng rất hay mắc phải và có thể bị mất điểm đó là quy định vẽ hình: Trong quy chế ghi rõ chỉ những hình tròn vẽ bằng compa mới được sử dụng bút chì, còn toàn bài thi, kể cả hình vẽ, biểu đồ, đồ thị..., thí sinh đều phải kẻ vẽ bằng cùng một màu mực với chữ viết trong bài thi. Phần viết hỏng phải dùng thước gạch chéo; không được tẩy, xoá bằng bất kỳ cách gì.

Trong quá trình làm bài thi, thí sinh cần nhận dạng, phân loại đề thi thuộc loại nào, yêu cầu của đề là gì để định hướng làm bài, tránh bị lạc đề. Một điểm đáng chú ý là thí sinh cần bao quát đề thi, xem đề có mấy câu hỏi, biểu điểm thế nào để có hướng phân bổ thời gian làm bài, tránh tập trung vào một số câu mà bỏ qua các câu còn lại.

Thí sinh không nên mất quá nhiều thời gian nghiền ngẫm những câu quá khó đối với mình, có thể bỏ qua các câu khó để giải quyết những câu khác dễ hơn rồi sẽ quay trở lại lần hai để làm những câu đã tạm thời bỏ qua.

Đối với bài thi trắc nghiệm, kinh nghiệm khi làm bài là thí sinh nên bắt đầu làm từ câu đầu tiên, lần lượt lướt nhanh, quyết định làm những câu cảm thấy dễ và chắc chắn, đồng thời đối với những câu chưa làm được cũng cần xem xét loại trừ các phương án sai, đánh dấu vào nháp. Lần lượt thực hiện đến câu trắc nghiệm cuối cùng trong đề, sau đó quay trở lại làm những câu đã tạm thời bỏ qua. Thí sinh cố gắng trả lời tất cả các câu trắc nghiệm của đề thi để có cơ hội giành điểm cao nhất, không nên bỏ trống một câu nào.

- Xin cảm ơn ông!

64 đoàn thanh tra chấm thi, phúc khảo

Bộ GD&ĐT cho biết, tổng số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2011 trên cả nước là 1.053.081 em, trong đó có 918.282 thí sinh hệ THPT và 134.799 thí sinh hệ giáo dục thường xuyên. Các thí sinh sẽ thi ở 44.449 phòng với 2.432 hội đồng coi thi, tăng 48 hội đồng so với năm 2010. Số cụm trường năm nay cũng tăng so với năm trước 59 cụm với tổng số 1.292 cụm trường trên cả nước. Để đảm bảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT an toàn, nghiêm túc ngành GD-ĐT đã huy động 132.303 cán bộ và giáo viên tham gia coi thi; 22.860 cán bộ giáo viên tham gia chấm thi, tăng hơn so với năm 2010.

Bộ GD&ĐT cũng đã thành lập 64 đoàn thanh tra để tiến hành thanh tra chấm thi, phúc khảo kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2011 tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Cục Nhà trường - Bộ Quốc phòng. Trong đó có 600 thanh tra uỷ quyền đến từ các trường ĐH, CĐ trên cả nước.

 Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ được tổ chức vào các ngày 2, 3, 4/6/2011. 6 môn thi bắt buộc đối với giáo dục THPT là: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Vật lí, Sinh học, Địa lí. Trong đó, các môn: Ngoại ngữ, Vật lí, Sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm. Đối với giáo dục thường xuyên sẽ thi 6 môn: Ngữ văn, Toán, Vật lí, Sinh học, Lịch sử, Địa lí. Trong đó, các môn: Vật lí, Sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm.

Uyên Na (thực hiện) 

Đọc thêm