Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM: Việc cách ly F0 tại nhà có nhiều ưu điểm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tại buổi họp báo chiều qua (22/9) do Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 TP Hồ Chí Minh tổ chức, nhiều câu hỏi như kế hoạch kiểm soát người lưu thông trong thời gian tới, phân bổ vaccine để tiêm cho phụ nữ mang thai... đã được các cơ quan chức năng TP giải thích.
Phát túi thuốc cho 1 F0 điều trị tại nhà ở TP HCM.
Phát túi thuốc cho 1 F0 điều trị tại nhà ở TP HCM.

Về kế hoạch kiểm soát người lưu thông trong thời gian tới, Thượng tá Huỳnh Quang Tuyến, Phó Phòng Tham mưu Công an TP cho biết, Công an TP đã chỉ đạo công an quận, huyện chủ động bố trí các chốt trạm kiểm soát tại từng địa bàn, trên cơ sở kiểm soát nhưng vẫn đảm bảo hoạt động của các nhóm được phép ra đường và các công tác phòng, chống dịch.

Theo Thượng tá Tuyến, Công an TP chỉ đạo, quán triệt đến công an các địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động người dân hạn chế ra đường. Bên cạnh việc kiểm soát tại cơ sở, Công an TP cũng chỉ đạo công an các địa phương tổ chức các tổ kiểm soát lưu động, xử lý người vi phạm, ra đường không có lý do chính đáng, tập trung đông người.

Công an TP khuyến cáo người dân trong bối cảnh dịch vẫn còn phức tạp nên hạn chế ra đường khi không cần thiết, đồng thời chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch.

Tại cuộc họp báo, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP thông tin, hiện TP có 90 cơ sở thu dung của 3 tầng điều trị. Tầng 1 có 12 cơ sở cách ly; tầng 2 có 68 bệnh viện (BV) thu dung, điều trị dã chiến và BV hạng 2, hạng 3 và hạng 1 (BV tách đôi); tầng 3 có 10 cơ sở điều trị - 5 BV hạng nhất (BV Trung ương tại TP) và trung tâm hồi sức cấp cứu COVID-19 do Bộ Y tế hỗ trợ thiết lập.

Hiện theo thống kê, tại tầng 3 có 3.286 giường hồi sức cấp cứu (ICU), đảm bảo các thiết bị hiện đại để cấp cứu, cứu chữa bệnh nhân, đầy đủ thiết bị hiện đại, gắn oxy. "Với số giường này có thể đủ sức cấp cứu, cứu chữa kịp thời cho bệnh nhận nặng trên địa bàn. Sau khi bệnh nhân tầng 3 có thể điều trị xuất viện hoặc nhẹ hơn thì sẽ chuyển xuống tầng 2 hoặc tầng 1. Qua kiểm tra, các BV làm việc rất nhuần nhuyễn, kịp thời để cứu sống các bệnh nhân", bà Mai nói.

Chánh Văn phòng Sở Y tế cũng thông tin thêm về việc tiêm vaccine cho phụ nữ có thai. Trước đây, phụ nữ mang thai là một trong những đối tượng thận trọng khi tiêm ngừa. Do đó, trong đợt tiêm thứ 3 và thứ 4, nhóm phụ nữ mang thai chưa được tiêm bởi đây là đối tượng cần phải kiểm soát chặt chẽ theo Bộ Y tế hướng dẫn.

Ngày 21/9, Bộ Y tế có văn bản mới cho phép phụ nữ có thai hơn 13 tuần có thể chích ngừa. Đến nay, Sở Y tế đã phân bổ 100.000 liều vaccine cho các BV có khoa sản trên địa bàn để tiêm cho nhóm này.

Về kế hoạch chuyển đổi công năng của các BV dã chiến để trở lại bình thường, bà Mai cho biết việc chuyển đổi có lộ trình nên Ban Giám đốc Sở đang làm việc để thống nhất với BV, đơn vị trực thuộc với mục tiêu làm sao đảm bảo an toàn cho bệnh nhân. Với BV điều trị COVID-19 Cần Giờ, Sở cho chuyển đổi công năng trước vì đây là vùng xanh và số bệnh nhân COVID-19 giảm dần.

Bà Mai nhấn mạnh nhiệm vụ của ngành Y tế là bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân, bao gồm của cả bệnh nhân COVID-19 và các bệnh khác. Sở Y tế có lộ trình chuyển đổi và sẽ có phương án chắc chắn để đảm bảo sức khỏe cho người bệnh.

Về việc các trường hợp F0 được xét duyệt cho cách ly tại nhà trở nặng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP (HCDC) Nguyễn Hồng Tâm nói đây là chuyện bình thường. “Vì ban đầu, khi mắc bệnh, F0 có thể không có triệu chứng. Tuy nhiên sau đó, F0 mới chuyển nặng. Ngành Y tế đã dự trù những trường hợp này và có phương án xử lý thích hợp”, ông Tâm nói.

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc phụ trách HCDC.

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc phụ trách HCDC.

Theo ông Tâm, việc cách ly F0 tại nhà có nhiều ưu điểm. Một trong số đó là giảm tải áp lực cho ngành Y, tạo điều kiện cho F0 có điều kiện phục hồi tốt hơn. Tuy nhiên, việc cách ly F0 tại nhà có 2 lưu ý là đảm bảo F0 không lây lan ra cộng đồng; đảm bảo F0 được cấp cứu, chuyển viện kịp thời khi có tình huống xấu.

Để F0 giảm thiểu nguy cơ lây lan xung quanh, nhà cách ly phải có phòng riêng biệt. Đối tượng F0 được xét duyệt phải là người 50 tuổi trở xuống, không có bệnh nền, không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Người là F0 phải biết cách theo dõi sức khỏe của mình, diễn tiến tình trạng bệnh, biết cách liên lạc đường dây nóng (tổ phản ứng nhanh, trạm y tế lưu động). Mỗi F0 có trạm y tế lưu động quản lý (mỗi trạm quản lý từ 50 F0).

Gia đình, người thân của F0 có thể hỗ trợ họ theo dõi sức khỏe, liên hệ cơ quan y tế. Cơ quan y tế thì cần lưu ý điều kiện của F0 để bảo đảm tình trạng sức khỏe cho F0.

Ông Tâm một lần nữa cho biết đến nay TP mới có 3 quận huyện là quận 7, huyện Củ Chi, Cần Giờ đạt tiêu chí kiểm soát dịch theo Công văn 3979 của Bộ Y tế.

Sáng qua (22/9), tại TP HCM, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP đã đến thăm và làm việc tại Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 của BV Bạch Mai tại TP HCM, BV dã chiến số 16 (do BV Hùng Vương phụ trách) và Trạm Y tế lưu động tại phường 11, quận Phú Nhuận.

Đại diện lãnh đạo BV Bạch Mai và BV dã chiến số 16 cho biết, hai đơn vị đang điều trị cho gần 1.200 bệnh nhân. Trong đó tại đơn vị của BV Bạch Mai có 360 bệnh nhân nặng, tại BV dã chiến số 16 có hơn 800 bệnh nhân, chủ yếu là sản phụ mắc COVID-19, với khoảng 20-30 sản phụ nhập viện/ngày.

PGS.TS Đỗ Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực BV Bạch Mai cho biết công tác điều trị tuần qua đã có những tín hiệu khả quan với số lượng bệnh nhân tử vong giảm.

Thứ trưởng Sơn bày tỏ sự xúc động với tinh thần quyết tâm trụ vững, đẩy lùi dịch bệnh của các thầy thuốc tuyến đầu. "Có lẽ, tới thời điểm này chúng ta đã bắt đầu thấy được ánh sáng nơi cuối đường hầm khi số ca mắc giảm, số bệnh nhân nặng được kiểm soát và số ca tử vong có xu hướng đi xuống. Để đạt được những kết quả đó, ngoài sự nỗ lực của hệ thống chính trị TP, của ngành Y tế nói chung thì sự nỗ lực của các thầy thuốc trong các trung tâm hồi sức tích cực, các BV là hết sức quan trọng", Thứ trưởng Sơn nói.

Theo ông Sơn, thời điểm đầu của dịch bệnh, các cơ sở còn khá ngổn ngang, thiếu thốn trang thiết bị, nhân lực. Nhưng với nỗ lực vượt bậc của chính quyền TP và Bộ Y tế, sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, sự trợ giúp của các tổ chức từ thiện, các trung tâm hồi sức tích cực và các BV điều trị Covid-19 đã nhanh chóng đi vào hoạt động và đem lại hiệu quả tích cực.

Tại buổi làm việc, ông Sơn nhấn mạnh vai trò quan trọng của mô hình BV đa tầng. Việc tập trung mô hình này trong một khu vực không những giúp đỡ BV tuyến dưới trong công tác huấn luyện, đào tạo, nâng cao năng lực điều trị, mà còn rút ngắn việc vận chuyển bệnh nhân chuyển nặng được nhanh chóng, kịp thời.

Ông Sơn đánh giá cao con số 100 bệnh nhân xuất viện mỗi ngày tại BV Hùng Vương và mong muốn các thầy thuốc giữ sức khỏe, giữ vững tinh thần. "Chúng ta đã làm tốt rồi thì làm tốt hơn nữa, tiếp tục đạt thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh tại TP HCM", ông Sơn nói.

Đọc thêm