Phó Giáo sư Việt nhận giải thưởng Giảng dạy xuất sắc tại Australia: “Giáo viên không hạnh phúc thì không thể giúp được ai hạnh phúc”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Là người Việt nhận Giải thưởng Giảng dạy xuất sắc ở Australia, PGS.TS Ngô Tuyết Mai, giảng viên Đại học Flinders, nhấn mạnh sự đa dạng và cá nhân hóa đối với học sinh. Bên cạnh đó, bà khẳng định giáo viên phải là người hạnh phúc thì mới có thể giúp học sinh hạnh phúc.

Làm thế nào để “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”?

Trong hai ngày 23 - 24/11 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực (EDI) tổ chức Hội thảo Hạnh phúc trong Giáo dục 2024 với chuỗi hoạt động gồm 4 phiên, với sự đồng hành của hệ thống trường TH School và Tập đoàn TH. Hội thảo quy tụ các chuyên gia giáo dục hàng đầu trong nước và trên thế giới thảo luận, chia sẻ các kỹ năng, phương pháp và mô hình nhằm tạo dựng môi trường học tập hạnh phúc cho học sinh. Sự kiện đã thu hút đông đảo các nhà quản lý giáo dục, lãnh đạo trường học, giáo viên và phụ huynh tham gia.

Toàn cảnh Hội thảo quốc tế Hạnh phúc trong Giáo dục 2024.

Tại Hội thảo, PGS.TS Ngô Tuyết Mai gây chú ý với bài trình bày về chủ đề “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. PGS Mai tốt nghiệp Thạc sĩ Giáo dục tại Đại học Sydney vào năm 2000 và Tiến sĩ Giáo dục tại Trường Giáo dục, Đại học New South Wales vào năm 2014. Bà từng nhận Giải thưởng Giảng dạy xuất sắc từ Trường Đại học Nhân văn, Nghệ thuật và Khoa học Xã hội, Đại học Flinders vào tháng 7/2021 và tháng 12/2022.

PGS.TS Ngô Tuyết Mai, giảng viên Đại học Flinders chia sẻ về khẩu hiệu “Mỗi ngày tới trường là 1 ngày vui” tại hội thảo quốc tế “Hạnh phúc trong giáo dục” do Viện EDI tổ chức, với sự đồng hành của Hệ thống trường TH School và Tập đoàn TH

Chia sẻ về chủ đề mang tới hội thảo, PGS Mai cho hay: “Tôi là một người Việt được thừa hưởng giáo dục của Việt Nam. Ký ức của tôi về giáo dục, về trường học ở Việt Nam đó chính là khẩu hiệu “Mỗi ngày tới trường là 1 ngày vui”. Khẩu hiệu này thể hiện khát vọng của các trường học Việt Nam trong việc biến việc học trở thành một trải nghiệm hạnh phúc cho học sinh”.

Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều trường học ở Việt Nam hiện nay vẫn chú trọng đến giáo dục trí tuệ hơn là giáo dục cảm xúc, đặt nặng việc giáo viên truyền đạt kiến thức chuyên môn, học sinh tiếp thu kiến thức, phát triển trí thông minh (IQ) và đạt điểm số cao, trong khi lại xem nhẹ trí thông minh cảm xúc xã hội và các kỹ năng mềm cơ bản cần thiết cho việc theo đuổi hạnh phúc bền vững của học sinh.

“Trường học cần song song đào tạo trí tuệ cùng với đào tạo cảm xúc vì để có thể học được thì học sinh phải vui. Học phải vui và vui mới học. Vì vậy, thay vì chúng ta yêu cầu học sinh yêu môn học thì cần phải đầu tư có chiến lược giúp học sinh yêu trường học, yêu lớp học, yêu thầy cô thì các em sẽ tự động yêu những môn học thầy cô dạy trên lớp”, PGS nêu quan điểm.

Và để đạt được hiệu quả trong giáo dục, theo PGS Mai, yếu tố tiên quyết là phải có sự tham gia của các bên. Khi nói đến trường học mọi người hay nói đến các nhà quản lý giáo dục, nhà lãnh đạo, giáo viên nhưng người quan trọng nữa là phụ huynh. Bởi vì phụ huynh là người thầy đầu tiên và là người thầy thường xuyên của con. Chúng ta phải cùng có một tầm nhìn là cho con hạnh phúc thực sự vì khi hạnh phúc các em sẽ tìm thấy niềm vui trong học tập từ đó phát hiện ra chính tố chất của mình.

“Đặc biệt, giáo viên phải là người hạnh phúc. Hằng ngày giáo viên nên tự hỏi mình sẽ gửi gắm điều gì vào ngân hàng hạnh phúc của người học. Đó có thể là nụ cười, lời khen, nhận xét, động viên… Nếu giáo viên không hạnh phúc thì không thể giúp được ai hạnh phúc”.

Những tiết học hạnh phúc, học tập hiệu quả và đầy niềm vui tại TH School

Trường học phát triển dựa trên sự đa dạng và cá nhân hóa

Triết gia Hy Lạp Aristotle từng nói “Giáo dục trí óc mà không giáo dục trái tim thì không gọi là giáo dục”. Vậy chúng ta cần phải tự hỏi: Trên lớp học chúng ta có dành một phút nào để đào tạo trái tim không hay là chúng ta chỉ tập trung vào dạy môn học gì, nội dung giảng dạy gì, cái kỹ năng gì? Điều quan trọng nữa là để có thể đào tạo được trái tim và trí óc, chúng ta cần phải giúp cho người học tìm ra tố chất của mình để tỏa sáng.

PGS Mai giới thiệu mô hình PERMA của GS Martin Seligman từ Mỹ đã giúp nhiều trường học ở Úc đạt được hạnh phúc trong giáo dục. Trong đó, P là positive emotions - cảm xúc tích cực. E là engagement - thu hút. R là Ralationships - quan hệ xã hội. M là Meaning - ý nghĩa.

Nếu chúng ta hạnh phúc với 4 yếu tố: cảm xúc tích cực, thu hút, mối quan hệ tốt, ý nghĩa, thì chữ A – Achievement cuối cùng sẽ xuất hiện.

PGS.TS Ngô Tuyết Mai giới thiệu mô hình PERMA

“Tôi đúc rút ra một số bài học như sau: Phát triển cảm xúc và phát triển trí óc được phải song song. Nếu chúng ta chỉ tập trung vào trí óc và điểm số sẽ vô hình tạo ra áp lực cho con, áp lực cho các phụ huynh, áp lực cho các thầy cô, áp lực cho tất cả những người liên quan đến giáo dục.

Bên cạnh đó, trường học phát triển dựa trên sự đa dạng và cá nhân hóa. Ở Australia, có những lớp tôi giảng dạy tới hơn 50 người. Việc đầu tiên của tôi là sau 1 tuần phải thuộc hết tên mọi người và sau 1 tháng phải biết các em có ưu nhược điểm gì. Nếu không làm được chí ít là như vậy, thì không thể bắt đầu đi đến “cá nhân hóa” được”.

Cuối bài thuyết trình, PGS Mai chia sẻ một mô hình lãnh đạo mới tập trung nhiều vào sự tham gia của các bên thay vì 1 người lãnh đạo đưa ra quyết định và kiểm soát. Mô hình này tập trung vào tư duy hệ thống thay vì làm thế nào cạnh tranh để chiến thắng. “Để tạo thay đổi trong giáo dục, cần ít nhất 5 yếu tố quan trọng, gồm: Tầm nhìn của người lãnh đạo, kỹ năng của người lãnh đạo, sáng kiến để tạo động lực, sự động viên cho cả người xung quanh, tài nguyên và kế hoạch hành động. Nếu thiếu bất cứ một trong những 5 yếu tố này thì sự thay đổi sẽ không diễn ra”.

Ấn tượng về “ngôi trường hạnh phúc” TH School

Chia sẻ bên lề hội thảo, PGS Mai cho biết rất ấn tượng với ngôi trường TH School. “Tôi nghĩ đây mà một ngôi trường hạnh phúc. Ngay từ khi bước vào cổng trường cho đến khi gặp gỡ, trao đổi với các nhân viên, giáo viên, lãnh đạo của trường, lần nào đến cũng cho tôi cảm giác hạnh phúc”. TH School Hà Nội là nơi diễn ra hội thảo Hạnh phúc trong giáo dục 2024, ngôi trường mà trước đó một ngày PGS Mai cùng các diễn giả khác của chương trình đã tới tham quan, làm việc.

PGS Mai nhận xét TH School là một ngôi trường hạnh phúc.

Tiết lộ về kế hoạch sắp tới, PGS Mai cho hay: “Tôi là phó giáo sư nghiên cứu về giáo dục đào tạo giáo viên. Vì vậy tôi mong ước sẽ hợp tác với nhiều đối tác ở Việt Nam và đặc biệt là Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực để có dự án cụ thể để hiện thực hóa hạnh phúc trong giáo dục đến từng trường học, lớp học và người học”.

Được sáng lập bởi Anh hùng Lao động Thái Hương, trong 10 năm qua, Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực đã sát cánh cùng các trường học và giáo viên trên toàn quốc trong việc phát triển chương trình giảng dạy sáng tạo và hiệu quả. Viện cũng tổ chức những hội thảo, hội nghị chuyên ngành nhằm chia sẻ kiến thức và cập nhật các xu hướng giáo dục tiên tiến, cung cấp các khóa huấn luyện chuyên sâu được thiết kế nhằm nâng cao năng lực giảng dạy và quản lý cho giáo viên, góp phần xây dựng một cộng đồng giáo dục vững mạnh và năng động.

Qua những nỗ lực không ngừng nghỉ, Viện đang từng bước góp phần kiến tạo nên một thế hệ nhân lực ngành giáo dục Việt Nam có trình độ cao, sẵn sàng thích ứng với những thay đổi của thế giới nhưng vẫn giữ trọn bản sắc dân tộc. Không chỉ dừng lại ở việc phát triển tri thức, Viện còn đặt mục tiêu lan tỏa niềm đam mê, hạnh phúc trong học tập và giảng dạy, tạo điều kiện để cả thầy cô và học sinh đều tìm thấy ý nghĩa và niềm vui trong mỗi hành trình học hỏi.

Điển hình, EDI đã đồng hành cùng TH School để giúp ngôi trường có những thế hệ giáo viên - những “người mẹ thứ 2” - cùng xây dựng môi trường học tập hạnh phúc, giúp học sinh phát triển toàn diện về trí tuệ, thể chất, tinh thần. Đồng thời, tạo động lực để học sinh phát huy sự sáng tạo, tư duy phản biện và khả năng thích ứng với thời đại toàn cầu hóa.

Hội thảo Hạnh phúc trong giáo dục 2024 vừa tổ chức là minh chứng cho cam kết của Viện trong việc phát triển hệ sinh thái giáo dục nhân văn, kết nối chặt chẽ giáo dục với gia đình và xã hội.

Đọc thêm