Con phố mà người Việt đặc biệt quan tâm: Phố đóng áo quan
Phố Lò Sũ xưa kia chuyên đóng áo quan và bán quan tài (còn được gọi là Hàng Sũ), thế nhưng đền thờ nghề sũ trên phố lại thờ ông tổ nghề mộc và nghề rèn. Sở dĩ như vậy vì những người thợ sũ đều xuất thân từ nghề mộc và nghề rèn. Dân phường Hàng Sũ phần lớn từ làng Liễu Viên, Phương Dực (Thường Tín, Hà Tây cũ) đến thành Thăng Long cách đây hơn 200 năm. Tuy nhiên, nghề hàng sũ trên phố này không còn, chỉ còn lại cái tên gọi mà thôi.
Trong cuốn “Xứ Đông Dương” của nhà Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer cho biết, những người thợ đóng quan tài, vốn đã rất đông ở tất cả thành thị, họ chiếm hẳn một con phố ở Hà Nội và mang tên phố Lò Sũ. Theo Paul Doumer thì cái tên phố này nếu như được đặt ở Pháp, hẳn chủ nhà sẽ đuổi hết những hộ thuê nhà vì mê tín.
“ …Có một nghề đặc biệt phát đạt ở đây cũng như ở Trung Hoa, tự phát, tự lan rộng, thu hút khách hàng; đó là nghề sản xuất quan tài. Nói vậy không ngụ ý rằng người chết ở vùng này nhiều hơn ở những nơi khác; đó chính là người ta không gán cho ý nghĩ về cái chết một tính chất rầu rĩ, mà người ta nghĩ đến nó và nói về nó với sự thanh thản, bình tâm; chính vì vậy ta nhìn mà không khỏi thích thú với thứ đồ vật vốn dùng để đặt con người vào đó và đem chôn xuống đất.
Cỗ quan tài càng đẹp hơn, bằng loại gỗ tốt hơn, được làm tinh xảo hơn và có tay nghề hơn thì người sắp dùng đến nó được coi là giàu hơn hoặc có thị hiếu tinh tế hơn. Trừ phi là người nghèo kiết xác hoặc một gã phu phen khốn khổ trôi dạt tha hương, quá xa nơi anh ta được sinh ra và xa nơi mà anh ta luôn hy vọng được chết ở đó, thì người An Nam nào cũng đều chuẩn bị cỗ quan tài cho mình trước khi cái chết đe dọa họ. Họ mua quan tài ngay khi họ có điều kiện, thậm chí họ còn đón nhận nó như một món quà tặng.
Ở các vùng dân tộc Viễn Đông này, người ta tặng một cỗ quan tài cho cha mẹ hoặc những người thân thích. Kiểu tặng quà này hẳn sẽ không được người châu Âu đón nhận…” (trích “Xứ Đông Dương”).
![]() |
Trong cuốn “Một chiến dịch ở Bắc Kỳ” (do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành), tác giả bác sĩ Hocquard cũng nói về con phố bán áo quan gần với Lò Sũ là phố Hàng Tre. Ông đã có những quan sát tinh tế khi người dân đi mua áo quan cho mình trên phố cổ Hà Nội, ông cho rằng người sống đã chọn sẵn cho mình sự tươm tất một cách bình thản để chuẩn bị đi vào cõi chết: “Khi đi dạo trong nội thành Hà Nội dọc theo bờ sông Hồng, qua phố Hàng Tre có rất nhiều cửa hiệu bán đồ gỗ, chúng tôi đến một phố nằm vuông góc với bờ sông, nơi có một trong những ngành nghề độc đáo nhất ở Bắc Kỳ, đó là phố chuyên bán áo quan. Đây là một nghề có lợi nhuận rất cao ở An Nam. Ngoài việc không ai có thể sống thọ ở xứ này, người ta còn có tập tục sắm áo quan từ rất sớm để sẵn trong góc nhà. Món quà quý nhất mà một người con trai hiếu kính có thể dành cho cha mẹ mình vào ngày mừng thọ chính là một cỗ áo quan đẹp”.
Bác sĩ Hocquard còn cho biết thêm, bên cạnh bán áo quan, người ta còn bán đồ khâm liệm cho người quá cố, như những chiếc gối để kê chân và tay bằng giấy màu xám hình tam giác, những tấm vải được cắt sẵn cho các nghi lễ khâm liệm, những cuộn giấy bản mỏng để chèn vào những khoảng trống, nhựa trám đen để bịt tất cả các khe ván…
Món hàng độc đáo, đáng quan tâm của người Việt xưa bây giờ không còn bày bán ở đây nữa, nghề đóng áo quan sầm uất một thời đã lụi tàn do bây giờ thành phố đã có các nhà tang lễ, có sẵn dịch vụ áo quan, khâm liệm, nhập quan, chôn cất… cho người chết.
Những con phố thương mại sầm uất
Phố Hàng Muối, thời đó chạy tới tận mép sông Hồng, nơi buôn bán muối và dầu khối lượng lớn; phố Hàng Bạc, người Pháp gọi là “phố đổi tiền” là những con phố được mệnh danh là giàu có bậc nhất Hà Nội bấy giờ, do nhu cầu buôn muối, đổi tiền hồi đó rất phát triển.
Muối được chuyển bằng thuyền từ miền Trung (Thanh Hóa, Nghệ An) sau đó xuất sang Vân Nam (Trung Quốc). Muối tập trung tại Hà Nội thời đó được đánh giá chất lượng cao và đắt ở thị trường Trung Quốc. Theo bác sĩ Hocquard, mỗi hộc muối (tương đương khoảng 76 lít) được bán ở Hà Nội có giá hơn 3 franc. Những con thuyền buôn bán muối này sẽ ngược sông Hồng đi lên Lào Cai và qua Vân Nam: “Những cửa hàng trên phố Hàng Muối được bố trí một cách khang trang trong những ngôi nhà đẹp xây bằng gạch. Muối được đổ thành đống lớn ở phía cuối cửa hàng, còn dầu được chứa trong những cái chum lớn bằng đất nung được làm ở Bắc Ninh hoặc trong những cái lọ sành cũng bằng đất nung có hình dáng tương tự như những cái vò quai thời Hy Lạp cổ đại”.
![]() |
Ảnh minh họa. (Nguồn: Chat GPT) |
Bác sĩ Hocquard khi đi qua phố Hàng Mắm cho biết, một điều đặc biệt là mặt tiền những ngôi nhà ở phố không có cửa sổ, phía trước có những mái hiên rộng được đan dạng phên nứa che khuất một phần cửa ra vào và đua dài ra phố khiến cho đường phố như bị thu hẹp. Lý giải về việc những ngôi nhà mặt phố không mở cửa sổ, bác sĩ Hocquard cho biết: “Trước khi người Pháp đặt chân tới, đó là khung cảnh của hầu hết các con phố ở Hà Nội. Thỉnh thoảng khi nhà vua đi ngang qua phố, phải đảm bảo rằng dung mạo của bậc thiên tử không thể lọt vào tầm nhìn của đám thường dân. Đó là lý do tại sao tất cả các ngôi nhà đều không được trổ cửa sổ ở mặt tiền và tất cả cửa ra vào có bức liếp lớn làm mái hiên phía trước đều phải đóng chặt ngay khi đám lính lệ chạy dọc phố thông báo nhà vua sắp đi qua”.
Qua phố Hàng Mắm là đến “phố Đổi Tiền”. Đây là cách người Pháp gọi phố Hàng Bạc dưới thời Pháp thuộc, vì trên phố này có rất nhiều cửa hiệu đổi tiền. “Phố Đổi Tiền là một trong những con phố đẹp nhất Hà Nội. Các chủ tiệm ngồi khoanh chân trước một chồng tiền trinh và một cái hộp sơn mài nhỏ được dùng làm két đựng tiền”, bác sĩ Hocquard cho biết.
Đồng tiền trinh của người An Nam được xâu thành chuỗi 500 đồng với nhau bằng một sợi dây. Phải có từ 5 đến 7 xâu tiền như vậy mới đổi được một đồng bạc. Để tránh tình trạng đầu cơ của thương nhân người Hoa và công chức An Nam, mỗi tháng công sứ Pháp tại Hà Nội lại quy định chính thức tỷ giá của đồng bạc tính theo đồng trinh. Nhưng tỷ giá quy định đó lại không được áp dụng tại con phố này. Cách đổi tiền ở con phố này còn mang tính “nghe nhìn” đồng tiền. Họ sẽ quan sát đồng bạc về chất lượng và kỹ nghệ đúc tiền: “Đối với người bản xứ, một đồng bạc có hình đúc thật sắc nét, phát ra âm thanh thật trong và ngân dài khi thả rơi trên một vật cứng sẽ có giá trị tăng thêm một xâu tiền trinh so với một đồng bạc khác có cùng trọng lượng và cùng chất liệu nhưng không hội tụ những điều kiện như vừa nêu trên” (trích “Một chiến dịch ở Bắc Kỳ”).
Phố buôn bán muối, đóng áo quan, đổi tiền giờ thành lịch sử ở vùng Kẻ Chợ. Có một con phố nữa trong hồi ký của bác sĩ Hocquard cũng thú vị đó là phố buôn bán chó. Theo ông, ở đầu phố Hàng Bồ, cứ 5 ngày lại có một phiên bán chó thịt. Những con chó nhỏ hơn được nhốt trong lồng, chó lớn thì dắt bằng một sợi dây. “Tất cả những con chó này đều trông giống cáo… Chúng thường có bộ lông màu vàng pha nâu với những khoang màu xám. Tuy nhiên, một số con có bộ lông màu đen, đó là những con được ưa chuộng nhất”, bác sĩ Hocquard viết.
Ông cho biết thêm, giống chó ở An Nam lành với bản xứ nhưng rất dữ tợn khi gặp người châu Âu. Khi bước vào làng quê phải có những người bản xứ dẫn đường nếu không sẽ bị chó cắn. Ông cũng cho biết đã nếm thử món thịt chó nướng và chúng khá dai, nhưng không quá khó ăn.
Ngoài ra, có những con phố hàng kinh doanh những dịch vụ mà bây giờ không còn tồn tại như tệ nạn hút thuốc phiện, hát xẩm, ả đào, mại dâm… Một nét phác qua vậy để thấy Hà Nội giờ thay đổi quá nhiều trong gần hai thế kỷ qua.