Phố Lãn Ông: Khu chợ đông y nức tiếng Hà Thành

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Từ xưa đến nay, mỗi khi nhắc đến con phố thơm mùi thuốc đông y là người dân Hà Thành sẽ nhớ ngay đến phố Lãn Ông - nơi kinh doanh thuốc đông y nức tiếng. Đây cũng là một trong số ít những con phố nghề hiếm hoi của Hà Nội còn lưu giữ được nghề truyền thống của cha ông.
Hình ảnh phố Lãn Ông nhiều năm trước. (Ảnh: congthuong.vn)
Hình ảnh phố Lãn Ông nhiều năm trước. (Ảnh: congthuong.vn)

Lịch sử phố nghề

Phố Lãn Ông (phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm) với chiều dài chỉ khoảng 180m nhưng lại lưu giữ bề dày lịch sử văn hoá và truyền thống lâu đời. Theo di tích lịch sử văn hoá Hà Nội, Phố Lãn Ông vốn thuộc đất thôn Hậu Đông Hoa Môn. Khoảng giữa thế kỷ 19, từ cuối đời vua Minh Mệnh đến đầu đời vua Thiệu Trị, thôn này hợp với thôn Đông Hoa Môn và Đông Hoa Nội Tự trở thành thôn Đức Môn. Theo sách “Đại Nam nhất thống chí” thời Nguyễn, nơi đây đã tập trung buôn bán các mặt hàng thiếc và đồng được khai thác từ mỏ quặng Tụ Long, tỉnh Cao Bằng.

Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp chiếm Hà Nội, đặt tên phố này là “rue de Fou-Kien” (phố Phúc Kiến) bởi phần đông dân cư là người gốc Trung Quốc, gốc tỉnh Phúc Kiến đến ngụ cư tại đây. Họ được tổ chức thành “bang” và có nhà Hội quán Phúc Kiến ở số nhà 40, xây từ năm 1817, sau chuyển thành trụ sở trường tiểu học Hồng Hà. Tới những năm đầu thế kỷ 20, phần lớn dân quanh đây thay vì buôn bán mặt hàng thiếc và đồng đã mở hiệu bán thuốc bắc.

Thuở ban đầu, cũng chỉ có một, hai cửa hàng nhỏ bán thuốc buôn lại từ các cửa hàng lớn. Sau theo thời gian, các cửa hàng ngày càng tấp nập nên người kinh doanh mặt hàng này cũng đông theo dần. Những người đầu tiên làm nghề thuốc ở phố Lãn Ông là một số người gốc Trung Quốc, trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến dòng họ Phó đến từ tỉnh Phúc Kiến. Tuy nhiên, sau đó đã có hàng chục lương y người Việt thành danh trên phố này. Họ có gốc gác phần lớn là từ những làng nghề làm thuốc có truyền thống như Đa Ngưu, Nghĩa Trai, Ninh Hiệp, Đồng Tâm, hay từ những vùng đất học giỏi như Nhân Chính, Đông Ngạc, Hành Thiện…

Sau năm 1946 tên phố mới đổi thành Lãn Ông và từ đó tiếp tục được dùng cho đến nay. Tên phố bắt nguồn từ biệt hiệu Hải Thượng Lãn Ông của Lê Hữu Trác, một vị danh y nổi tiếng có nhiều đóng góp to lớn cho nền y học dân tộc Việt Nam, người kế thừa xuất sắc sự nghiệp “Nam dược trị Nam nhân” của Tuệ Tĩnh thiền sư. Đến năm 1979, những gia đình người Trung Quốc lần lượt trở về nước, các gia đình còn lại tiếp tục giữ nghề kinh doanh Đông Nam dược - loại thuốc truyền thống của người Việt cho đến ngày nay.

Phố Lãn Ông hiện tại vẫn lưu giữ nghề truyền thống theo tên gọi. (Ảnh: Hải Nguyễn)

Phố Lãn Ông hiện tại vẫn lưu giữ nghề truyền thống theo tên gọi. (Ảnh: Hải Nguyễn)

Nghề xưa vẫn giữ

Câu nói nổi tiếng “Hà Nội 36 phố phường” chắc hẳn ai cũng đã một lần nghe qua và biết đến. Đây cũng là tên gọi để chỉ khu phố cổ của Hà Nội, thời xưa đây là nơi chia ra rất nhiều nghề nghiệp buôn bán với các phường buôn bán, phường thủ công. Thế nhưng theo thời gian, 36 phố phường Hà Nội chẳng còn mấy nơi lưu giữ những mặt hàng đặc trưng như tên gọi của nó.

Trước vòng xoáy của nền kinh tế thị trường và sự phát triển đô thị việc các con phố cổ mai một đi những giá trị truyền thống là điều dễ hiểu. Vậy mà trên con phố Lãn Ông, hình ảnh của một Hà Nội xưa vẫn còn tồn tại, nơi mà mùi thơm dịu ngọt, đặc trưng của các loại hương liệu, thảo mộc khô của các vị thuốc đông y cứ thoang thoảng mỗi khi ta đi qua. Đến nay, trải dài trên con phố khoảng 180m vẫn có tới hơn 70 cửa tiệm, chiếm hơn 90% tổng số nhà mặt phố chỉ kinh doanh một mặt hàng đó là thuốc đông y.

Dạo quanh khu chợ đông y nức tiếng một thời, con phố được chia thành hai đoạn với hai loại hình kinh doanh khác nhau. Ở đoạn đầu phố chuyên kinh doanh các mặt hàng khăn, đồ dùng trẻ em còn nửa phố còn lại chuyên kinh doanh các cửa hàng thuốc đông y. Toạ lạc phía cuối con phố, nằm san sát nhau là các cửa hàng với biển hiệu theo phong cách giản dị cùng những tên gọi như “Hiệu thuốc”, “Phòng chuẩn trị”,…

Hình ảnh các loại thuốc bầy bán được đựng trong những bao giấy, bọc trong những túi ni-lông xếp đầy trước cửa hay treo lủng lẳng phía trên đầu nay đã trở nên quen thuộc tại khu chợ đông ý nức tiếng Hà Thành. Những chiếc cân đĩa có thể cân được đến hàng yến cũng đã thay thế cho cân tiểu ly với cán gỗ, đĩa đồng để “đong” thuốc lạng như các cụ ngày xưa. Nhưng vẫn còn đâu đó hình ảnh nhiều nhà thuốc truyền thống đựng thuốc trong những chiếc tủ gỗ đã cũ kỹ có nhiều ngăn kéo, trên mỗi ngăn đều có ghi từng loại tên thuốc.

Tại đây, các cửa hàng bán đủ mọi loại thuốc từ quý hiếm như nhân sâm, linh chi, đông trùng hạ thảo…. đến các loại thảo dược quen thuộc như bạch truật, vỏ quýt, bạt sen,... Nếu như trước đây phố Lãn Ông chỉ bán thuốc Bắc thì dần dần đã bán cả thuốc Nam, loại nào cũng có. Cũng chính bởi sự đa dạng và uy tín lâu năm mà đây vẫn luôn là con phố mà nhiều người tìm đến mỗi khi có nhu cầu.

Chị H.Thu (42 tuổi, Hà Nội) tâm sự về chợ thuốc đông y lâu đời này: “Từ khi còn bé tôi đã được ông bà, bố mẹ dẫn ra đây để mua thuốc đông y. Cứ theo truyền thống đó, đến giờ tôi và gia đình vẫn qua khu phố này để mua mỗi khi có việc dùng tới các loại thuốc này. Ở đây tôi thường hay mua cam thảo, linh chi, tam thất,… các loại thuốc có chất lượng rất tốt mà còn chuẩn giá, tôi rất hài lòng.”…

Hay như anh T.Sơn (35 tuổi, Hưng Yên) cho biết mỗi khi mẹ anh muốn mua thuốc đông y anh đều dành thời gian lên Hà Nội để mua tại một hàng quen trên phố Lãn Ông. “Khi mà ngày càng nhiều các loại thuốc giả, thuốc đểu trôi nổi trên thị trường thì tôi luôn tin tưởng và lựa chọn mua ở con phố này. Dù sao, so với các nơi khác thì khu phố này cũng đã có truyền thống bán thuốc hàng năm nay. Nên dù hơi tốn công sức một chút nhưng đổi lại là sự yên tâm thì tôi thấy cũng đáng”, anh T.Sơn chia sẻ.

Quả thật, nói không ngoa khi cho rằng phố Lãn Ông là địa điểm được nhiều khách hàng từ khắp nơi “chọn mặt gửi vàng” mỗi khi cần mua thuốc đông y. Đương nhiên sự tín nhiệm đó không phải chỉ nhờ “cái bóng” của quá khứ mà còn bởi nhiệt huyết phố nghề bao năm vẫn không thay đổi. Những người làm nghề thuốc ở con phố không chỉ học qua trường lớp đào tạo bên ngoài mà còn thường lấy bí kíp gia đình làm cốt yếu.

Trên con phố Lãn Ông còn tồn tại những gia đình đã có đến 5 thế hệ tiếp nối nghề bốc thuốc. Điển hình như phòng chẩn trị y học cổ truyền Toàn Mỹ của gia đình lương y Nguyễn Kim Bảng, một trong những tiệm thuốc bắc lâu đời nhất nhì khu phố. Hiện tại, người chịu trách nhiệm kinh doanh chính là con trai của lương y Nguyễn Kim Bảng và cũng là thế hệ thứ 5 theo nghề truyền thống của gia đình. Có lẽ cũng bởi tính cha truyền con nối ấy mà nghề thuốc nơi đây không không bị phai mờ đi như các con phố nghề khác.

Đặc biệt ở mỗi cửa hàng, bên cạnh những loại thuốc nhà nào cũng giống nhà nào thì mỗi nhà lại có những bài thuốc riêng biệt. Những bài thuốc này cũng chính là một trong những điều làm nên tên tuổi của mỗi cửa hiệu nói riêng và phố Lãn Ông nói chung. “Các nguyên liệu của mỗi tiệm thì chắc đều giống nhau, như nhà tôi nguyên liệu được nhập từ các nơi trên mọi miền đất nước nhưng những bài thuốc gia truyền thì không phải ai cũng giống ai. Có những gia đình bệnh nhân theo dùng bài thuốc của tiệm nhà tôi 50 năm nay, từ thời ông bà đến con cháu họ đều sử dụng”, bà T. Mai chủ tiệm thuốc y học cổ truyền trên phố Lãn Ông chia sẻ.

Có thể thấy, theo thời gian sự nhộn nhịp của một phố nghề Hà Thành tuy không còn như thời hoàng kim nhưng cái nghề thì không hề mai một mà ngày càng phát triển cho đến ngày nay. Đây là nét đẹp văn hoá có “một-không-hai” cần lưu giữ và phát huy giá trị để làm nên sức hấp dẫn cho khu phố cổ Hà Nội.

Đọc thêm